Căn cứ vào những dữ kiện do các nhà bảo tồn đa dạng sinh học công bố, hiện có ít nhất 10% đất đai khả canh được dành canh tác những cây trồng dùng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học, thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu tại hội nghị về đa dạng sinh học tổ chức tại Ai Cập với sự tham dự của các bộ trưởng cùng nhiều viên chức cao cấp đến từ các quốc gia, nhà nghiên cứu Anne Larigauderie, thư ký điều hành của Diễn đàn Liên chính phủ về đa dạng sinh học và các vấn đề sinh thái (IPBES), cho rằng nhu cầu gia tăng về đất đai liên quan đến sản xuất năng lượng có thể làm tổn hại môi trường tự nhiên trên khắp thế giới.
Trong 60 năm qua, đã có hơn 50% rừng nhiệt đới trên khắp thế giới bị phá hủy. Ngoài việc sản xuất nhiên liệu sinh học, một trong những tác nhân quan trọng gây ra nạn phá rừng là công nghiệp thịt gia súc, khi mỗi năm có trên 2,71 triệu hécta rừng nhiệt đới bị phá hủy để chăn thả bò. Thêm vào đó, rừng còn bị phá để sản xuất đồ gỗ, đậu tương và dầu cọ.
Sự xuống cấp và tổn thất của rừng đe dọa sự tồn tại của nhiều chủng loài và giảm thiểu khả năng của rừng trong việc đáp ứng các nhu cầu cần thiết của con người. Các nhà nghiên cứu ước lượng hiện có từ 15 đến 30 triệu hécta đất để trồng các loại thực vật lại được sử dụng cho nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học.
Trong khi đó, theo Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), cần phải có 744 triệu hécta đất để sử dụng cho việc canh tác cây trồng đáp ứng yêu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học, giúp làm giảm thiểu sự nóng lên của trái đất. Để có thể huy động khối lượng đất đai khổng lồ trên, các nhà khoa học đề cập đến việc sử dụng “marginal land” (đất ngoài biên), tức loại đất có rất ít hoặc không có khả năng sử dụng cho nông nghiệp. Giải pháp này vừa đáp ứng yêu cầu thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học, vừa không làm giảm sút đất khả canh dành cho sản phẩm nông nghiệp, cũng đang là một nhu cầu bức bách giúp hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên thế giới.
Hệ sinh thái trên đất liền ngày nay hấp thu một phần ba lượng khí carbon dioxide thải ra, trong khi biển cả hấp thu một phần tư, phần còn lại vẫn đe dọa đời sống trên toàn cầu. Theo Larigauderie, trồng lại rừng và bảo vệ các chủng loài động, thực vật giúp cải tiến khí hậu nhiều hơn là sản xuất nhiên liệu sinh học, dù sao sự bổ sung cho nhau của những giải pháp này cũng là sự lựa chọn tối ưu mà mọi người không thể bỏ qua.