Trong buổi hội thảo “Minh bạch mức lương” tại TP.HCM vào ngày 20-5 vừa qua, mạng quảng cáo tìm việc Jobstreet.com đã công bố kết quả khảo sát cho thấy mức lương ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực do trình độ và năng suất lao động kém hơn. Có đến 60% số người được khảo sát nói rằng mức lương của họ không đủ sống, mặc dù tỷ lệ tăng lương tăng trưởng bình quân hằng năm tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực và có thể lên đến hai con số.
Kết quả khảo sát này cho thấy khoảng 68% người lao động Việt Nam cho rằng thu nhập không đủ chi tiêu. Khoảng 31% người lao động có mức thu nhập chỉ từ 3-5 triệu đồng, trong khi 36% người tham gia khảo sát phải chi tiêu từ 2-4 triệu đồng/tháng. Cuộc khảo sát của Jobstreet.com cũng cho thấy 54% lao động Việt Nam cho rằng mình nhận được mức lương thấp hơn so với thị trường, và có đến 80% người không hài lòng về mức lương.
Có thể thấy mức lương ở Việt Nam vẫn còn khá thấp so với Singapore và Malaysia. Điển hình, một giám đốc tài chính tại Việt Nam chỉ có mức lương bằng khoảng 40% so với mức lương của vị trí tương đương tại Singapore. Cụ thể, vị trí này tại Việt Nam sẽ có mức lương từ 2.002-2.877 USD, trong khi tại Singapore, mức lương dành cho nhân sự quản lý cấp cao ngành tài chính – ngân hàng đạt mức lương từ 4.992 USD – 7.064 USD, ở Malaysia đạt mức 2.326-3.780 USD.
Tương tự đối với ngành nhân sự, một vị trí quản lý cấp cao tại Việt Nam cũng có mức lương thấp hơn khá nhiều so với các nước Đông Nam Á khác, chỉ ở mức 1.310-1.845 USD, thấp hơn khoảng bốn lần so với mức lương của Singapore từ 5.102-8.241 USD. Mức lương tháng tại vị trí này của Malaysia tuy có thấp hơn Singapore nhưng vẫn nhỉnh hơn Việt Nam, ở mức 2.326-4.434 USD.
Về phía nhà tuyển dụng, vẫn còn tồn tại những lý do khiến họ không muốn chia sẻ thông tin về mức lương khi đăng quảng cáo việc làm. Tuy nhiên, Jobstreet cho rằng minh bạch thông tin mức lương với ứng viên trước khi phỏng vấn sẽ giúp mang lại những lợi ích như: tiết kiệm thời gian đàm phán giữa hai bên, dễ dàng thu hút được ứng viên trong ngân sách mà công ty quy định.
Hơn nữa, việc minh bạch hơn về lương có thể giúp doanh nghiệp xây dựng thang lương và mức thưởng chi tiết cho mỗi nhân viên trong công ty. Với sự rõ ràng về xây dựng mức lương và thưởng, các công ty sẽ không gặp khó khăn trong việc cơ cấu nội bộ công ty. Về phía người lao động, việc minh bạch mức lương của các vị trí việc làm sẽ giúp họ hiểu rõ và đánh giá chính xác về năng lực bản thân tương ứng với yêu cầu công việc. Con số 93% nhân sự cho biết sẽ học hỏi để nâng cao năng lực khi được trả mức lương cao hơn cho thấy người đi làm thực sự mong muốn một môi trường tuyển dụng minh bạch hơn, với hy vọng từ đó có thể giúp nâng cao năng suất làm việc.
Nhìn chung, thị trường lao động tại Việt Nam vẫn chưa minh bạch, đặc biệt về lương nên người lao động trong nước vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn khi đàm phán mức lương, hoặc đề xuất tăng lương với nhà tuyển dụng. Điều này dẫn đến thị trường Việt Nam chưa có một “chuẩn” mức lương cho từng ngành khiến nhà tuyển dụng và người lao động vẫn chưa thể hoàn toàn đồng thuận với nhau trên phương diện lương.
Bên cạnh đó, phân biệt giới tính là một trong những nguyên nhân khiến lao động nữ chỉ đạt mức lương bằng 75% so với nam giới. Việc minh bạch mức lương là một điều kiện để thị trường tuyển dụng sẽ thay đổi phần nào.