Ngày trước nghe nói có tới 500 tấn vàng cất trong dân, nay lại nghe… “một ông Tây” – chuyên gia Ngân hàng Thế giới tính toán sao đó bảo, tiền trong dân ta giữ có tới 60 tỉ đôla.
Nghe hoảng quá. Có hai lý do sợ: Một là tri hô lên thế, kẻ trộm cướp nó được kích thích, ủ mưu tìm cách đột nhập nhà dân thì sao? Vàng bây giờ không còn thị trường tưng bừng như trước nữa, mà gửi Nhà nước đâu có cho lãi nữa đâu mà gửi. Thế thì 500 tấn… “nằm lăn lóc như củ khoai dưới gầm giường” chứ còn gì, trộm cướp nó không thèm mới lạ.
Cái lo thứ hai là, chẳng lẽ ta đã giàu to mà chính ta lại… không biết, cứ kêu nước nghèo lạc hậu?
Đó, cứ bảo vì sao bà xã hay đi chém gió, phụ nữ cũng café, nói chuyện gì mà nói mãi không hết? Chuyện tiền chuyện vàng chứ có phải chơi? Mà nghe cũng lạ, cứ kêu ca nghèo khổ – mà nghèo khổ có thật. Mở tivi ra coi các chương trình – đừng có coi các cuộc thi người đẹp lụa là hay văn nghệ – toàn người ngọc lụa là son phấn – mà hãy coi các chương trình người nghèo vượt khó – những đứa trẻ lội suối đến trường… Hay là bây giờ theo đoàn từ thiện là cũng thấy đầy cảnh nghèo phát sợ.
- Xem thêm: Tiền “lớn” nhanh hơn
Cứ kêu ca nước nghèo chậm phát triển – mà vàng có 500 tấn, tiền có 60 tỉ đôla để không – tiền nhàn rỗi. Thật khó hiểu.
Nhưng mà bán tín bán nghi – nhiều người chứng minh làm gì ra 60 tỉ đôla… nhàn rỗi? Gần đây dự trữ ngoại tệ của Nhà nước đến nửa năm 2018 đã là 57 tỉ đôla, làm gì còn trong dân nữa. Còn có con số thế này, mỗi năm ở nước ta số ngoại tệ chạy ra nước ngoài cũng lên tới 19 tỉ đôla. Thế thì làm gì còn nữa mà bảo “nhàn rỗi” trong dân.
Đến các nhà phân tích kinh tế còn chưa tìm ra sự hợp lý của con số đó, thì với các bà nội trợ, kể cả những bà thạo tin, những bà “nhiều mưu” buôn bán đầu tư. Các bà mà chưa tính ra được, thì con số của chuyên gia kia không thuyết phục nổi.
Mà cứ nhìn từ đời sống thôi – một bà “tổng kết” – như nhà chúng ta, ai có “tiền thừa nhàn rỗi” bao giờ? Tiền là phải biết sinh sôi nảy nở, phải tìm mọi cách đầu tư. Không cho con học trường quốc tế thì cũng du học. Có chút nữa thì mua nhà mua đất, đổ vào đất mà giữ tiền là chắc, nhưng nó “quay vòng hơi bị chậm” đâu có bán nhà xoành xoạch được.
Nhiều người có những miếng đất “phải… quên đi”. Nó chưa gặp quy hoạch, chưa làm cầu, chưa thành vùng ven chẳng hạn, cứ để đó quên đi chờ thời, coi như không thắng không thua. Tiền gom lại buôn bán, cổ phiếu cổ phần khi thắng khi thua, cứ phải tiến lên, thua keo này bày keo khác.
Chỉ có những người to gan lớn mật có bảo kê mới dám cho vay lãi cắt cổ… Nhìn chung, dân ta chẳng ai dại gì để cho tiền… nhàn rỗi. Tiền là phải “làm việc” liên tục và sinh sôi nảy nở mới là tiền khôn.
Đó, cứ xem cái tư duy “của muôn nhà” ấy thì đủ biết, chả có ai ngu gì để cho tiền nhàn rỗi hết.
- Xem thêm: Già không thể… thiếu tiền
Một bà nội trợ khác còn phát hiện: Dân ta… tiêu xài hoang phí lắm, làm gì có để dành mà ra nhiều tiền thế. Thấy không, xe xịn của thế giới ra mắt là ở Việt Nam có ngay, “biệt phủ, xe sang, con du học, vợ đi châu Âu, Hongkong, Thái Lan mua sắm” là một “công thức” rồi đó.
Mà trước đây người ta tính, lượng tiền “để dành” lớn hơn số bỏ ra đầu tư nhưng nay số để dành đã bằng số bỏ ra đầu tư. Có nhà nghiên cứu còn nói người Việt Nam làm không đủ tiêu. Ông bà xưa gọi là “bóc ngắn cắn dài” đó, nhà kinh tế gọi là chi tiêu vượt quá sức của nền kinh tế.
Đấy, chả cần “ngâm cứu” gì nhiều, Việt Nam không có nền tảng data – dữ liệu (nói cho nó đúng từ ngữ của 4.0) – chỉ cần mấy bà nội trợ ngồi “tám” cũng ra kết luận: Nói tiền nhàn rỗi là sai rồi… Làm gì có mà để nhàn rỗi. Còn người đã có thì họ lại càng nhiều cách xoay xở, không làm gì có chuyện để cho tiền “nhàn” bao giờ…
Tiền là công cụ, nó phải hoạt động. Chẳng ai để nó rong chơi… Vấn đề là làm sao để có những kênh thu hút nó vào phát triển nền kinh tế nước nhà. Ấy mới là khó…