Anh chị có hai con gái đều đã lập gia đình nhưng không ai chịu ra riêng cho dù cả hai cô đều có nhà ở riêng.
Cưới nhau xong, vợ chồng cô lớn được cha mẹ hai bên góp vào mua cho cô một căn hộ chung cư khá khang trang. Tiện nghi vậy nhưng từ khi có bầu, cô siêng về bên mẹ lắm, hằng tuần, rồi nhặt hơn, rồi cô ở lại luôn viện cớ chờ sinh.
Sinh em bé, có ông bà ngoại chăm sóc, cô càng không muốn trở về nhà riêng nữa. Chồng cô thấy đi về bất tiện quá, dọn qua nhà cha mẹ vợ ở luôn. Căn hộ bỏ không, thế là cho thuê. Cuối cùng, tạm trú thành thường trú hồi nào không hay.
Cô em kế lấy chồng, tuy không có cơ ngơi riêng, nhưng chồng cô là con một, nghiễm nhiên nhà đó sau này là của vợ chồng cô chứ ai vào đấy. Ở nhà chồng được vài tháng, cô lấy lý do nhà mẹ gần cơ quan nên cô hay ở lại nhà mẹ, cho đến khi cô có bầu thì cô thường trú luôn. Chồng cô đi về hai nơi. Ban ngày ăn cơm mẹ vợ, tối về với cha mẹ ruột.
- Xem thêm: Cho đi yêu thương:
Mỗi khi chồng đi công tác, cô mới về bên chồng. Những lần như vậy, bố ruột cô lo âu lắm. Đến khi cô xách túi về nhà, ông mới thở phào. Là bởi, ông biết con gái ông không giỏi giang nội trợ, nữ công, gia chánh lại không khéo léo ăn nói. Ông lo nhà chồng phiền trách.
Ông đếm từng ngày con rể bắt đầu đi công tác. Gần ngày về, ông nói với con gái lớn vẻ hồi hộp, vừa nôn, vừa mong: “Ngày mai em gái về nhà”. Cô lớn hỏi: “Em gọi báo cho ba biết hả?”. Ông trả lời: “Không, là ba gọi hỏi em”.
Cô gái lớn ngạc nhiên: “Khi nào chồng em xong việc thì em về, ba nôn nóng chi vậy?”. Lúc này ông mới thú thật nỗi niềm không biết tỏ cùng ai: “Là ba sợ có… án mạng mẹ chồng, nàng dâu”. Cả nhà cười ào. Ông cũng cười bẽn lẽn “thì em con vụng về, ba chỉ sợ nó gây ra chuyện ở nhà bên ấy”.
Quả là ông bố thương con gái hết mức. Cũng may bên sui gia không khó tính lắm nên con gái ông cũng qua được những đợt phải về làm dâu.
Bởi thương con gái nên ông bố này thương luôn con rể, kiểu vai lớn, vừa là cha, vừa là bạn. Tình thương yêu có qua có lại, hai con rể cũng quý mến bố mẹ vợ trên cả tuyệt vời. Cho nên, tam đại đồng đường nhà ông xem ra hiếm, lúc nào cũng vui vẻ do ông bà dạy con từ nhỏ, không bao giờ được giận nhau quá lâu, ai có lỗi phải biết xin lỗi trước.
Thật ra, ông bố này cũng biết tâm lý gia đình trẻ ngày nay phức tạp hơn xưa nhiều. Không chỉ áp lực công việc, tiền bạc mà còn ở việc xử thế. Bên nào cũng là con cưng, thái độ cư xử đôi khi không tế nhị dễ gây hiểu lầm hai bên gia đình; hay, cuộc sống bên ngoài nhiều cạm bẫy, làm sao ông dám chắc bọn trẻ bây giờ biết chịu đựng như thời vợ chồng ông. Thành ra, còn làm gì được cho con thì ông làm. Miễn là khi chúng sống với ông mỗi ngày đều vui vẻ là được.
Ai nghe chuyện cũng thấy ông bố này quá tuyệt vời. Thắp đuốc đi tìm chưa chắc đã có!
Mới nghiệm ra, muốn giải được bài toán cuộc đời cho đúng phải dựa vào các dữ liệu từ tình thương yêu. Dễ vậy sao mà người đời cứ loay hoay mãi, có người đúng, có người sai vạn dặm?
- Xem thêm: Cho đi và nhận lại
Người có kinh nghiệm cho rằng, là bởi nết ở mỗi người không ai giống ai. Trời sinh có người hiền, người dữ, người hiếu động, nhanh nhẹn, người ù lì, chậm chạp. Phải áp dụng đúng các “biến số” thì mới giải được bài toán cuộc đời hợp lý. Có người phải giải đến lần hai, ba mới hiểu ra ý nghĩa bài toán.
Ngoài ra, còn sự tác động từ bên ngoài, cuộc đời không “vô trùng” nên gặp thất bại con người dễ buông xuôi. Tình cảm cũng dễ biến động khi có tác nhân mới. Có người bỏ qua, có người không thể. Không thể buông lời trách cứ ai khi mỗi con người là một thực thể khác biệt nhau làm nên sự đa dạng cuộc đời.
Có điều, khi con người nhận ra, phải biết buông bỏ, tha thứ, thương yêu người bên cạnh mình mỗi ngày đôi khi đã muộn. Ông bố ở trên biết áp dụng triết lý, lấy tình thương làm căn bản trong giáo dục con cái, xử thế không phải ai cũng làm được hay nhận ra.
Cho đi yêu thương luôn là để nhận về yêu thương.