Tuy nhiên vài người đi gần đó cũng đã nghe câu nói này, có vẻ ngạc nhiên. Có người nhún vai tỏ vẻ không đồng ý, nhưng chẳng ai nói gì.
Chuyện vừa xảy ra làm tôi liên tưởng đến lần đi nghe buổi hòa nhạc cổ điển tuần rồi. Đó là một buổi trình diễn các tác phẩm của Beethoven, Mozart, Chopin… do các thầy giáo của Trường Quốc gia Âm nhạc tổ chức. Nhạc cổ điển trình diễn đã lắm công phu, nhưng người thưởng ngoạn cũng phải có trình độ.Trình diễn mà không thể hiện được hết tinh thần của tác giả trong tác phẩm là một thất bại. Nhưng nếu người thưởng ngoạn chỉ đến tầm hiểu biết về nhạc cổ điển như tôi thì thể hiện đến mức nào cũng thế thôi. Tên tuổi của những nhạc sư vang rền trên thế giới cả hàng trăm năm qua, nhưng không phải ai cũng thưởng thức được nhạc cổ điển một cách đầy đủ. Sau buổi trình diễn, có người hỏi dĩ nhiên là tôi đã phải nức nở khen hay vì không muốn cho người ta thấy mình dốt về nhạc cổ điển. Nhưng thực xấu hổ trong lòng, đi nghe nhạc cổ điển, mà chỉ một chuyện phân biệt được tác phẩm nào là của Beethoven, tác phẩm nào của Mozart, của Chopin thôi, mà tôi vẫn còn mơ hồ, mặc dù nghe thì cảm thấy hay thật, thích thật. Nghe mà không khen thì không những sợ người ta chê mình chẳng biết gì về nhạc cổ điển, mà lại còn sợ mất lòng người bạn quý bỏ tiền ra mua vé mời mình. Ấy là chưa kể chuyện một người bạn của tôi một lần được mời đi một buổi kịch nghệ Nhật Bản tại New York, vé hạng bét gần cả ngàn đô, mà anh bạn tôi chưa bao giờ có thể tốn tiền đến thế. Buổi trình diễn hết sức long trọng, khán thính giả phần đông đều ăn mặc lịch sự, trang trọng. Anh bạn tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ chẳng hiểu được một chút gì. Không những thế, phần âm nhạc cổ xưa của Nhật Bản lại càng khó nghe, chứ đừng nói là khó hiểu. Khi buổi diễn chấm dứt, được hỏi về chương trình kịch nghệ, anh bạn tôi đã trả lời người mời: “Tuyệt vời” bởi vì không muốn làm thất vọng người bạn không những quý mình mà cũng đã nghĩ rằng mình có trình độ thưởng ngoạn, mới tốn tiền cho mình nhiều thế.
Nghĩ ra chúng tôi đều không được thành thật như người đã chê nhạc Trịnh Công Sơn vừa kể trên.
Trịnh Công Sơn nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới. Trịnh Công Sơn có một ca khúc về chiến tranh được phát hành trên một triệu đĩa ở Nhật.Riêng ca khúc Diễm xưa được người Nhật ưa chuộng và được phát trên đài phát thanh trong dịp tết ở Nhật.Trịnh Công Sơn còn được ví như một Bob Dylan của Việt Nam trong hành trình chống chiến tranh và không thiếu báo chí trên khắp thế giới đã viết về ông.Có một giáo sư đại học người Mỹ, ông Jonh C. Schaffer đã viết một cuốn sách về Trịnh Công Sơn và Bob Dylan.Cho dù không thích ông, hay không thích nhạc của ông, đa phần những người yêu nhạc cũng vẫn tự hào vì có một người Việt Nam nổi tiếng như thế.Có những ngộ nhận nên đã có những phê phán ông về mặt quan điểm, nhưng phần đông họ vẫn thích nhạc của ông.
Có thể người khách vừa nói không thấy gì hay khi nghe các ca khúc Trịnh Công Sơn vì chưa hiểu về ca từ của tác giả. Cái gì mà “Phơi tình trên chiếc đinh không?”.Cái gì mà “Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm”. Cái gì là “Này nhân gian có nghe đời nghiêng?”.Không hiểu và cũng không cảm nhận được thì không thích là chuyện thường tình.Có người lại cho rằng ca khúc Trịnh Công Sơn chẳng có gì cao siêu, ngoại trừ ông có cái tài… đưa những ca từ là lạ vào âm nhạc.Có người lên trên mạng nói là viết nhạc như Trịnh Công Sơn, tôi có thể viết mỗi ngày cả mấy bài. Nhưng lại cũng có người nói, không chắc gì một trăm năm nữa, hay lâu dài hơn, chúng ta mới có được một Trịnh Công Sơn thứ hai.
Trịnh Công Sơn nổi tiếng hồi còn trẻ với ca khúc Ướt mi từ những năm 1959-1960. Ca khúc này với giọng ca liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy trong các phòng trà đã từng làm mềm lòng một số anh chị trong giới giang hồ thời đó, thường chỉ biết đấm đá và đao búa. Đó là một điều rất đặc biệt, vì những thanh niên du đãng nghe Ướt mi và cảm thấy có một cái gì êm ả nhẹ nhàng thâm nhập vào trong dòng máu lúc nào cũng sôi sục chuyện giang hồ.Không thể nào giải thích được sự cảm nhận của họ.Nhưng hồi đó, lại có một nhạc sĩ lão thành đã phê bình ca khúc Ướt mi chỉ có hồn mà thiếu phần kỹ thuật.Nhiều người khác phản đối và cho rằng một ca khúc đã đi được vào trong lòng người thì có nhất thiết phải đặt vấn đề với hai chữ kỹ thuật không?Nếu phải học phân tích, phải suy gẫm để hiểu được một ca khúc thì chưa chắc ca khúc đó đã dễ đi vào trong tâm hồn người khác.
Chuyện thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật cũng có nhiều vấn đề. Có người không thích truyện Kiều, chỉ vì tính cách của Thúy Kiều và không hứng thú một chút nào với truyện Kiều. Tuy nhiên, không thích Thúy Kiều, có thể không đọc Kiều, nhưng như thế không có nghĩa là hồ đồ phủ nhận luôn vị trí của Nguyễn Du trong văn học Việt Nam. Có người chỉ thích nhạc ầm ĩ, có người thích nhạc “sến”.Lại có người thích nhạc tiền chiến hoặc dòng nhạc xưa.Có người không thích hoa, cũng như có người không thích thú nuôi.Làm sao mà nói được.Tuy nhiên, nhìn vào sở thích của mỗi người có thể nói lên phần nào tính cách, cũng như mức độ thưởng ngoạn của một người.Có người thích yên tĩnh, có người thích náo động. Nhưng chung chung, cái gì cũng phải có cái chung chung với tình cảm con người.
Ca khúc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc cổ điển hoặc kịch nghệ Nhật Bản mà chỉ là những ca khúc về tình cảm, tình cảm ngay cả trong những ca khúc viết về chiến tranh. Nhạc Trịnh chỉ đi vào lòng người bằng tình cảm thả lỏng chứ không bằng kỹ thuật và cũng không thể nghe với những thiên kiến. Thêm nữa, hiểu được ca từ Trịnh Công Sơn để cho thấm khi nghe không phải là một điều đơn giản.