Cần nhắc lại rằng vào năm 1973, đại diện 36 nước đã ký một thỏa thuận thành lập “Chứng nhận sáng chế châu Âu” nhằm bảo đảm bằng sáng chế được công nhận tại một nước thành viên sẽ không bị sao chép tại các nước thành viên khác. Năm năm sau, những đề nghị cấp giấy phép đầu tiên được nộp tại Văn phòng Cấp bằng sáng chế châu Âu (EPO) tại Munich (Đức). Đến năm 2011, EPO đã nhận được trên 142 ngàn đơn đăng ký. Hiện nay, số thành viên gia nhập tổ chức trên đã lên tới 38, bao gồm đầy đủ cả 27 thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhưng dù đã có con dấu chấp nhận của EPO và giấy chứng nhận sáng chế của quốc gia, nhà sáng chế nếu muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình vẫn phải liên hệ với các văn phòng cấp bằng sáng chế ở từng nước thành viên và phải gửi đầy đủ bản dịch nội dung sáng chế.
Quang cảnh một hội nghị Hội đồng Bộ trưởng châu Âu về bằng sáng chế
Ủy ban châu Âu (bộ phận điều hành của EU) dự báo chi phí để một bằng sáng chế được công nhận trong toàn EU có thể tốn đến 36 ngàn euro, trong đó khoảng 23 ngàn euro là chi phí dịch thuật (trong khi đăng ký một bằng sáng chế tại Hoa Kỳ chỉ tốn khoảng 1.850 euro).
Hệ thống cấp bằng sáng chế duy nhất có thể có hiệu lực từ năm 2014. Theo hệ thống mới, đơn xin cấp bằng và tài liệu đi kèm phải viết bằng một trong ba thứ tiếng là Anh, Pháp hay Đức và chi phí sẽ không vượt quá 5.000 euro.
Không phải ai cũng hài lòng khi ngôn ngữ của dân tộc mình không nằm trong danh sách ba ngôn ngữ đại diện, vì vậy Ý và Tây Ban Nha đã không tham gia, mà còn tuyên bố là 25 thành viên còn lại không có quyền xúc tiến thực hiện hệ thống mới nếu thiếu sự đồng thuận của họ. Thế nhưng Tổng chưởng lý của EU cho rằng Tòa án EU nên bác bỏ yêu sách này và do không có đủ lập luận để tiếp tục phản đối, Ý và Tây Ban Nha đành phải chấp nhận.
Ba chủ sở hữu của hàng loạt bằng sáng chế, gồm BAE Systems (một doanh nghiệp về hàng không của Anh), Ericsson (tập đoàn thiết bị viễn thông Thụy Điển) và Nokia (tập đoàn điện thoại di động của Phần Lan) đã kêu gọi Quốc hội châu Âu từ bỏ kế hoạch nói trên nhưng cũng không thành công. Họ lo lắng rằng hệ thống mới sẽ áp dụng luật địa phương đối với doanh nghiệp sở hữu bằng sáng chế khi phán quyết về vi phạm nên hẳn sẽ có nhiều chuẩn khác nhau được áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Do đó, những kẻ gian dối có thể chọn địa bàn thuận tiện nhất để gây khó khăn cho các công ty đăng ký bản quyền sáng chế.
Nguyên kinh tế gia trưởng của EPO, người hiện giảng dạy tại khoa Kinh tế và Quản trị của Trường Solvay Brussels nhìn nhận rằng việc cả châu Âu thống nhất cấp và công nhận bằng sáng chế là “một thành tựu vĩ đại”, nhưng vẫn còn có thể cải tiến nhiều hơn. Ông còn cho rằng các nước thành viên EU nên chấm dứt việc cấp bằng sáng chế để tập trung tư vấn sử dụng bằng sáng chế hay cung ứng dịch vụ có liên quan cho các doanh nghiệp để họ vận dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Có vậy việc hiện thực hóa các bằng sáng chế mới hiệu quả vì tiết kiệm được nhiều thời gian lẫn chi phí.
Thiên Bảo theo The Economist, 21-12-2012