Trong lời kết tại cuộc họp kéo dài hai ngày, tân Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình hứa hẹn về một chính sách tài khóa chủ động và một chính sách tiền tệ cẩn trọng hơn, nhắm đến một nền kinh tế hiệu quả, chất lượng hơn và phân đều sự thịnh vượng cho người nghèo. Đồng thời nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc còn khẳng định sẽ gia tăng ngân sách nhà nước nếu cần thiết và nới lỏng chính sách tín dụng, chỉ cần lạm phát duy trì ở mức thấp. Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần kéo mình ra khỏi vực thẳm kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008. Số liệu gần đây cho thấy doanh số mậu dịch hồi tháng 11 giảm mạnh bất chấp dấu hiệu hồi phục đã trở lại hồi tháng 8 trước đó. Tăng trưởng xuất khẩu giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ con số 11,6% của tháng 10. Điều đó một lần nữa cho thấy khả năng trở lại của một nền kinh tế Trung Quốc thần kỳ đôi lúc rất mong manh nếu không đi cùng một sự cải cách mạnh trong năm tới. Theo giới phân tích từ Ngân hàng Thế giới, Bắc Kinh cần phải chấm dứt thời kỳ thống trị của những công ty quốc doanh và chủ động đề xướng các ngành công nghiệp dịch vụ, khuyến khích người dân trong nước chi tiêu nhằm gia tăng nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, giới lãnh đạo cũng cam kết sẽ hỗ trợ một kế hoạch tăng trưởng có trật tự tại các thành phố, một yếu tố chủ chốt trong việc gia tăng nguồn thu nhập bằng cách cho phép các thành phần di dân từ vùng quê tìm đến các cơ hội công việc được trả lương cao hơn tại thành thị. Đồng thời, các doanh nghiệp trên cả nước cũng đang chịu nhiều áp lực từ chính phủ trong việc gia tăng tiền lương cho công nhân nhằm kích cầu chi tiêu. Trong khi đó, những thay đổi khác cần nỗ lực lâu dài hơn cũng được nhắc đến bao gồm chi tiêu cho giáo dục, sức khỏe và phúc lợi xã hội.
Lâm Kiên theo AP