Đây có thể xem là một bước đi mạnh mẽ trong tình hình châu Á đang có nhiều biến động khiến cho mọi người phải lo ngại. Về mặt kinh tế, trong quá khứ, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN còn khá khiêm tốn so với quan hệ của tổ chức này với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật Bản. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN – Ấn Độ chỉ mới đạt 80 tỉ USD, cho dù đã tăng gấp 25 lần so với trước đó 18 năm (1993). Đây là một thiệt thòi cho cả hai bên khi mà cả hai thị trường có đến 1,8 tỉ người và tổng GDP lên đến 2.800 tỉ USD. Trong tinh thần đẩy mạnh việc thực hiện Thỏa thuận Mậu dịch Tự do (FTA) ASEAN – Ấn Độ, hai bên quyết định mở rộng hai lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, nâng kim ngạch thương mại chung lên 100 tỉ USD vào năm 2015. Hai bên không xác định thời điểm thực hiện FTA mở rộng, nhưng Thủ tướng Malaysia Najib Razak hy vọng là không trễ hơn cuối năm tới.
Các nhà lãnh đạo thuộc ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại hội nghị thượng đỉnh New Delhi 2012
Hội nghị thượng đỉnh New Delhi không chỉ bàn về hợp tác kinh tế mà còn dành nhiều thời gian và công sức cho vấn đề an ninh và lưu thông an toàn trên Biển Đông nói riêng, trên vùng biển châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Tại hội nghị, đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Manmohan Singh đã phát biểu: “Với tính cách là những quốc gia gần biển, Ấn Độ và các thành viên ASEAN cần tăng cường những cam kết về an ninh và an toàn hàng hải, về tự do lưu thông trên biển và giải quyết ôn hòa những mối bất đồng về hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ông cũng đồng thời chính thức hóa việc sử dụng một từ mới: “Indo-Pacific” (Ấn Độ – Thái Bình Dương) như một cách khẳng định vai trò và mối quan tâm của New Delhi trên sân khấu chính trị châu Á – Thái Bình Dương. Trong quá khứ và cả hiện tại, Ấn Độ đã có mối quan hệ đầy khó khăn với người láng giềng Pakistan cùng một số nước Nam Á khác. Do đó, New Delhi vẫn nuôi ý định mở rộng mối quan hệ sang các nước Đông Nam Á, mà hội nghị thượng đỉnh vừa qua chính là một bước ngoặt mới trên lộ trình hướng về Đông Nam Á của đất nước đông dân thứ nhì thế giới này. Trước hội nghị, chính quyền Manhoman Singh cũng đã khẳng định quan điểm ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải và khai thác hợp pháp tài nguyên tại Biển Đông, thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng đưa chiến hạm sang Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Ấn Độ tại đây. Bản Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN – Ấn Độ 2020 cũng được coi là bức thông điệp cho phía Trung Quốc biết rằng sựổn định và tự do hàng hải trên biển là điều vô cùng hệ trọng đối với tất cả quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sau hội nghị thượng đỉnh, ASEAN và Ấn Độ sẽ có mối quan hệ mật thiết hơn nhằm tham khảo nhau về các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực, đúng như lời tuyên bố của Thủ tướng Manmohan Singh: “Chúng tôi xem việc hội nhập với ASEAN không chỉ là sự tái khẳng định mối quan hệ với các nước láng giềng hay là một công cụ cho phát triển kinh tế, mà còn là một cái nhìn toàn diện của chúng tôi về một châu Á ổn định, an ninh và thịnh vượng…”.
Lê Cẩn tổng hợp