Bước vào một ngôi nhà hay đình chùa miếu mạo, nhìn thấy đồ vật gì bằng gỗ, tôi lại đưa ngón tay trỏ xuống gõ gõ trên mặt gỗ, theo thói quen. “Cái này tốt lắm đây, loại này hiếm lắm, loại kia không còn nữa…”. Đó là điều bà xã tôi hay trêu chọc kèm theo giễu cợt.
Bà này thuộc típ người sinh ra và lớn lên ở thành phố, cái cây, con gà sinh sống thế nào cũng chịu, không biết. Đi du lịch, nhìn cánh đồng xanh, cô ấy còn nhầm cỏ với lúa non. Nhiều thứ được giải thích xong, cô ấy: “Ờ, ăn quả mãi, giờ mới biết cái cây như thế này…”.
Cô ấy và lũ con về một phe, tôi gọi là “trào lưu vứt”. Lý sự hay lắm: Đồ dùng chất đầy, không dùng đến, chúng tỏa ra bụi bẩn ẩm mốc rất hại cho sức khỏe. Họ còn có một tật xấu nữa là, chỉ nhìn thấy sự lộn xộn thôi đủ phát bệnh.
Người thời đại gì mà dễ gục ngã. Cái gì cũng có thể “giết” họ dễ dàng, nhìn căn phòng mất trật tự là có thể… phát bệnh. Cáu kỉnh. Giống bà chị cô ấy, bà này mắc bệnh sạch. Loay hoay với thu dọn, sắp xếp phòng ốc, còn luôn nói là “bác luôn làm đúng pháp luật, vì nếu đi tù, chỉ riêng việc không được tắm là đủ làm bác chết ngay rồi”. Mọi người thích nghe đùa như vậy lắm.
- Xem thêm: Không biết trong tủ có gì…
Phòng của tôi, chẳng lẽ ra khỏi cửa là phải khóa, có khác nào ngầm nói là không tin vợ con, vợ con là… kẻ trộm. Nhưng mà đúng, hở ra là mất. Mất nhiều lắm. Tài liệu cắt ở các báo ra, nhét vào sách vở, kể cả những thứ ốc vít, dây thép, lúc cần sửa nhà, sửa bếp, hay tra cứu gì, cần lắm. Tôi có mấy tấn sách nữa, trở thành khuyết điểm liền, nhất là những khi dọn nhà.
Vợ con chẳng sách vở gì, còn nói những cuốn của tôi theo kiểu “Lịch triều hiến chương loại chí” thì cả đời có mấy lúc đọc? Cần tra cứu đã có mạng internet, có thư viện.
Giữ sách phải có phòng ốc tử tế, chứ nhét nhét các ngăn tủ như tôi, làm lộn xộn, họ chúa ghét. Hở ra là vứt. Kể cả thức ăn. Mở tủ lạnh thấy nhiều thứ đầy tủ, là vứt. Nếu không thì cũng nhăn nhó “Cái gì mà ghê thế này”.
Mua thì hay mua nhiều, ăn không hết, thế là đúng như người ta nói, kinh tế thị trường đến thùng rác cũng mau đầy. Chai lọ, vỏ hộp đẹp lắm, vứt. Quần áo là thứ gắn bó, có cái chưa dùng cũng… đem cho, hoặc vứt chứ ít khi dùng làm giẻ lau.
Vì bây giờ giẻ lau cũng có kiểu, được sản xuất các loại khá đẹp, nên họ không chịu chùi chân, lau bếp bằng cái áo cũ như ngày xưa nữa. Thì giường tủ cũng còn bị vứt, đem cho nữa là…
Tưởng đâu chỉ ở nhà mình, như các cụ xưa mắng “phí của trời mười đời không có”, nhưng thực tế thì ai cũng phí, chẳng ai sợ cả. Vì họ phí đó, nhưng vẫn kiếm tiền vô ào ào. Không có tiền, nhà nghèo đi nữa, cũng thành tác phong rồi, vứt.
Sáng ra, thất nghiệp cũng phải ngồi cà phê. Cả nước đều vậy. Tôi nói với vợ con: “Đọc báo chưa, thế giới có hàng trăm triệu người đói, mà một nửa số thực phẩm làm ra của toàn cầu bị vứt vào thùng rác.
Viện nghiên cứu của Anh còn đưa con số hẳn hoi: Thế giới làm ra 4 tỉ tấn sản phẩm một năm, thì vứt đi 2 tỉ. Một người Âu – Mỹ một năm trung bình vứt đi 100kg thức ăn”. Ý tôi muốn chỉ trích mẹ con cô ấy ca ngợi siêu thị, tuần đi một lần, vác về đủ thứ, rồi vứt đi không ít. Mớ rau gì mà to như… cây chổi. Dùng biến đổi gien mà, có ngày mớ cải phải bằng… cây đa chắc. Nấu lên nồi canh, phần cái nhiều hơn nước, nhìn thấy ớn.
Những bài học nhãn tiền từ thực tế như khi tôi nhìn tủ giày của mẹ con cô ấy, nhắc lại hình ảnh trẻ em miền núi đi chân không trong rét căm căm thì đứa con gái nói ngay, chuyện để cho dân khổ là của ông nhà nước chứ sao bắt con trách nhiệm, con có lỗi gì đâu, tiền con làm ra con xài, có lấy của ai đâu. “Nếu cần quyên góp từ thiện cho trẻ em miền núi đó, con sẵn sàng. Thế là vừa không có lỗi, vừa cư xử đúng đạo lý nhé”.
- Xem thêm: Cho sang… Nhật
Đây rồi. Chuyện này xem có choáng không nhé, cả nhà nghe này. Một cuộc phỏng vấn cặp vợ chồng già ở với nhau lâu bền nhất, tuổi thọ cao nhất, hỏi nguyên nhân nào giúp họ hạnh phúc lâu bền được như vậy.
Các cụ trả lời: Là do chúng tôi sống ở thời đại mà cái gì hỏng thì đem sửa chứ không vứt. Thấy chưa? Hay chưa? Tôi reo lên vì tìm ra thí dụ đích đáng. “Đồ đạc con không tiếc, vậy quan hệ con người, tình yêu, ruột thịt, con có dám vứt không…”. Đứa con gái chu miệng: “Con thì không, nhưng thiên hạ thì đầy ra đó, ba nói sao?”.