Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đầu đổi mới, xuất khẩu lao động được xem như một giải pháp tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo, đến nay đã là một ngành hoạt động có hiệu quả nhiều mặt, mang về một lượng kiều hối đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 49 nước và lãnh thổ với mức độ tăng nhanh hằng năm, riêng trong năm 2014 con số này là 106.000 lao động.
Đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, thị trường tiếp nhận phổ biến là Malaysia và Đài Loan. Nữ lao động thường làm những công việc như giúp việc gia đình (chiếm khoảng 25% tổng số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài), trong ngành dệt may (khoảng 12%) hoặc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (khoảng 12%).
Đối với lao động nam, Đài Loan chiếm khoảng 15% tổng số lao động nam đi làm việc ở nước ngoài, Malaysia (khoảng 12%) và Hàn Quốc (khoảng 12%) là thị trường tiếp nhận phổ biến. Ngành nghề thường được lao động nam làm ở nước ngoài gồm xây dựng (khoảng 19%), lao động nhà máy (khoảng 16%) và thợ điện (khoảng 6%).
Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 56.173 lao động (trong đó có 16.942 lao động nữ), đạt 59,13% kế hoạch năm 2015 và bằng 101,75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đài Loan vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 7.505 lao động, tiếp theo là Nhật Bản (2.324 lao động), Hàn Quốc (654 lao động), Malaysia (582 lao động), Arab Saudi (377 lao động), Qatar (112 lao động) và các thị trường khác.
Bộ LĐ-TB&XH cũng vừa ký kết Ý định thư hợp tác đưa lao động sang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại Đức. Đây là cơ hội để tăng số lượng lao động có trình độ sang làm việc ở Đức lên từ 500 đến 700 người/năm.
Những tiêu cực cản trở phát triển thị trường
Hoạt động xuất khẩu lao động sẽ có hiệu quả hơn nữa nếu hạn chế được những tiêu cực đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Các hình thức đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đa dạng và phức tạp khi số lượng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tăng lên. Một số người lao động theo các kênh “không chính thống”, làm việc nhưng không có giấy phép lao động hợp pháp, ở lại quá hạn thị thực hoặc vi phạm quy định về thị thực lao động tại nước tiếp nhận đã làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu lao động.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, tính đến hết tháng 6-2015, số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động là 228, một con số khá lớn khiến phát sinh nhiều vấn đề.
Trước hết là tình trạng giành giật đơn hàng của nhau với chi phí cực thấp nhằm “cướp” hợp đồng. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này khiến thị trường xuất khẩu lao động bất ổn định. Trong khi đó, việc giảm giá do giành đơn hàng chỉ có lợi cho duy nhất đối tác nước ngoài, mọi rủi ro khi xuất cảnh cùng gánh nặng chi phí lại trút lên vai đối tượng khó khăn nhất là người lao động. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong việc tạo nguồn vốn và tuyển dụng, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp phải “mua lại” nguồn cung ứng với giá cao do không thể tự tuyển dụng trực tiếp, hoặc tuyển dụng và đào tạo không tương thích.
Ngay cả các thị trường lớn và truyền thống vẫn thiếu ổn định mà nguyên nhân sâu xa là do chất lượng lao động không cao và ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực.
Kế đó là việc phát triển các thị trường mới cũng luôn trong tình trạng căng thẳng bởi ý thức chấp hành pháp luật của người lao động kém, một bộ phận đánh nhau, bỏ trốn khiến các đối tác mất niềm tin, khó gia hạn chương trình ký kết hoặc thậm chí chấp nhận bồi thường để chấm dứt sớm hợp đồng.
Những tồn tại xảy ra trong lĩnh vực xuất khẩu lao động chủ yếu xuất phát từ phía người lao động. Với thị trường mang lại thu nhập cao, một số người lao động sau khi hết hợp đồng đã không chịu trở về nước mà cố tình ở lại để làm “chui”, ảnh hưởng lớn đến uy tín, thể diện chính trị của đất nước. Còn đối với những thị trường mà người lao động được hỗ trợ tối đa, không mất các khoản phí thì khi sang đến nước sở tại, do không đạt được mục đích cá nhân, họ sẵn sàng viện đủ lý do để phá hợp đồng, yêu cầu doanh nghiệp phải đưa mình về nước, dẫn đến việc doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về uy tín và tài chính để đền bù cho đối tác nước ngoài.
Tranh thủ cơ hội cho năm nay
Tuy còn tồn tại những vấn đề cần giải quyết sớm, nhưng xuất khẩu lao động của chúng ta vẫn đầy triển vọng trong năm nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2015 người lao động Việt Nam sẽ có thêm cơ hội về việc làm, thu nhập ổn định tại những thị trường tiềm năng. Cũng theo dự báo, năm 2015 sẽ có thêm nhiều đơn hàng từ các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan…
Đến nay Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm khi người lao động có nhiều lựa chọn với mức lương cơ bản khoảng 10-12 triệu đồng/tháng và được bảo đảm quyền lợi pháp lý của mình. Doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc đã có những cố gắng trong việc tìm kiếm các đơn hàng tốt nhất để bảo đảm giữ vững thị trường và ổn định tâm lý cho người lao động.
Thị trường Arab Saudi cũng luôn được doanh nghiệp và người lao động quan tâm bởi mức thu nhập ổn định từ 400 đến 600 USD/người/tháng, được miễn phí chỗ ở, ba bữa ăn/ngày, được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động… Ngành nghề chủ yếu là xây dựng, vận tải, dịch vụ khách sạn, tranh sơn dầu, giúp việc gia đình. Hiện tại có hơn 16.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ký với Arab Saudi thỏa thuận về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm giúp việc gia đình, do đó người lao động được bảo vệ tốt hơn về quyền lợi.
Ngoài những thị trường trọng điểm luôn có nhu cầu lớn về lao động, theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 Việt Nam sẽ tập trung khai thác những thị trường chất lượng cao, trong đó Nhật Bản được đánh giá là giàu tiềm năng và có sức hút lớn. Người lao động được lựa chọn sang Nhật Bản sẽ phải trải qua những đợt sát hạch khắt khe, cùng yêu cầu về bằng cấp, trình độ tay nghề nhưng bù lại sẽ được tạo điều kiện làm việc tốt nhất có thể với mức lương cao.
Nhật Bản luôn dành ưu tiên cho lao động nữ hoặc tuyển cả hai vợ chồng trẻ đi làm cùng lĩnh vực. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2015-2020, Nhật Bản cần 20.000 lao động trong lĩnh vực xây dựng để chuẩn bị các công trình thể thao phục vụ Olympic 2020. Hiện nay trung bình, mỗi tháng có 1.700-1.900 lao động Việt Nam sang Nhật làm việc. Hơn nữa, về lâu dài, do dân số Nhật Bản ngày càng già hóa nên nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài khá cao.
Ngoài Nhật Bản thì Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường có chất lượng, do đó trong năm nay Việt Nam phải có nhiều giải pháp để lấy lại thị trường Hàn Quốc. Sau một thời gian số lượng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tăng cao, nước này hạn chế tuyển dụng dẫn đến nguy cơ đóng cửa thị trường.
Trong năm 2014, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã thẩm định và cho phép một số doanh nghiệp triển khai các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở một số nước châu Âu với tổng số đăng ký là 1.956 lao động. Như vậy có thể hy vọng cánh cửa đi làm việc tại lục địa này sẽ rộng mở hơn trong năm 2015.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 cùng với thị trường truyền thống, một số thị trường mới với mức thu nhập cao sẽ mở ra cho lao động Việt Nam như châu Phi và Trung Đông, bởi Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi, tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý đối với thị trường lao động năm 2015 là Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập trong năm 2015. Sẽ có tám ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, bên cạnh những thách thức, thì người lao động Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm việc làm tại các nước trong khối, đồng thời có điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tận dụng những cơ hội này. Bên cạnh đó nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng được di chuyển tự do hơn.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm vừa được Chính phủ ban hành ngày 9-7-2015 đã có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng – có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì sẽ được:
– Hỗ trợ học phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại (lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo (dành cho người lao động ở cách địa điểm đào tạo từ 15km trở lên, hoặc từ 10km trở lên đối với địa bàn các xã đặc biệt khó khăn). Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và trang bị đồ dùng cá nhân thiết yếu.
– Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.
– Hỗ trợ rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.
– Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
– Được vay vốn với mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hay tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Lê Minh Trí (DNSGCT)