Do chi phí nhân công tăng nhanh hơn mức tăng năng suất, hàng triệu lao động Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất việc bởi tự động hóa.
Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính rằng gần 3/5 số công việc tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia đối mặt rủi ro cao khi mà máy móc sẽ thay thế con người. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 44%, Philippines là 49%, Indonesia là 56% và Việt Nam là 70%.
Chi phí lao động đang tăng nhanh hơn năng suất
Báo cáo cuối năm 2018 của Ngân hàng Thế giới nhận định rằng chi phí nhân công ở Việt Nam hiện đã vào hàng cao nhất trong các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo này, tổng chi phí bình quân hằng năm mà mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả cho lao động vào khoảng 2.739 USD/người, gấp đôi so với ở Lào, Myanmar và Malaysia, đồng thời cao hơn 30 – 45% so với ở Campuchia, Thái Lan và Philippines.
Mới đây, hơn 60% các công ty Nhật được Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) khảo sát ý kiến đã cho biết chi phí nhân công cao là một trở ngại ở Việt Nam.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện của JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, rủi ro từ chi phí nhân công tăng đã từ vị trí thứ 3 năm 2016 lên vị trí số 1 vào năm 2018 trong danh sách những mối lo của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam.
Sắp tới, khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), một trong những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt là những yêu cầu về lao động, kỹ năng lao động khi mà năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đồng thời là Trưởng nhóm lao động đoàn đàm phán TPP thì việc phải tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi Việt Nam tham gia các FTA.
Và để thực hiện tốt các cam kết với CPTPP, hai việc quan trọng mà chúng ta cần phải làm trong thời gian tới là sửa đổi lại Bộ luật Lao động và tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực thực thi các điều khoản trong cam kết chung và riêng.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, hiện Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP.
Trong số những điều khoản cần sửa đổi, có điều khoản về công đoàn. Đây là một vấn đề khó và mới đối với Việt Nam, cần có quá trình nghiên cứu, xây dựng lộ trình nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về vấn đề này.
Đồng thời, để cụ thể hóa những cam kết của Việt Nam về vấn đề lao động, Việt Nam cần có một quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động theo đúng trình tự, thủ tục.
Theo đó, Việt Nam sẽ cần 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm.
Phân hóa thu nhập giữa các nhóm lao động sẽ tăng nhanh sau FTA
Theo số liệu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, từ năm 2020 trở đi, trung bình mỗi năm CPTPP sẽ tạo ra cho thị trường Việt Nam từ 17.000 đến 27.000 việc làm mới, còn EVFTA tạo ra khoảng 18.000-19.000 việc làm.
Thời gian đầu, lao động thuộc ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… duy trì được việc làm và có cơ hội thu nhập cao hơn. Sau đó, cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm lao động trình độ cao.
Con số này, nếu nhìn riêng lẻ thì không nhiều, nhưng nếu nhìn tổng thể các FTA mang lại thì đó là con số đáng kể, trong bối cảnh tạo việc làm mới sẽ gặp khó khăn những năm tới.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Về chất lượng việc làm, nếu ban đầu nhu cầu về số lượng lao động tay nghề thấp tăng cao hơn, nhưng sau một thời gian thì nhu cầu lao động có đào tạo, chuyên môn kỹ thuật lại tăng nhiều hơn, với mức lương cao hơn.
FTA sẽ tăng thu nhập nói chung cho người lao động, cùng với các luồng đầu tư trong và ngoài nước giúp tăng năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng và tăng năng suất lao động.
Song song đó là những thách thức bao gồm, sự phân hóa tiền lương lớn hơn, sự phân hóa diễn ra nhiều giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, giữa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động tay nghề thấp.
Điều này đòi hỏi những chính sách về việc làm và an sinh xã hội phải kịp thời đáp ứng để tránh những hệ lụy.
- Xem thêm: Infographic | Lộ trình các nước CPTPP cắt giảm từ 97% đến 100% thuế nhập khẩu đối với Việt Nam
Hiện nay các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự nghiên cứu và chuẩn bị tốt hơn các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Còn nhiều doanh nghiệp gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia các FTA. Đặc biệt điều khoản liên quan về lao động thì nhiều doanh nghiệp chưa rõ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mọi con số hiện nay đều cho thấy năng suất lao động trong khu vực quốc doanh đều cao và trong tương lai lao động thuộc khu vực này sẽ là cao nhất và cách rất xa khu vực tư nhân.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng lao động trong khu vực nhà nước hiệu quả hơn, ưu việt hơn mà do khu vực nhà nước được hưởng ưu đãi rất lớn, đặc biệt là trang bị về vốn, công nghệ và độc quyền về thị trường, từ đó đầu ra của khu vực này có giá trị tốt hơn trong khi sử dụng lực lượng lao động nhỏ.
Lực lượng lao động này lại đang ngày càng rút ra khỏi khu vực nhà nước do tinh giản biên chế và tái cơ cấu.
Trong khi đó khu vực tư nhân hấp thu toàn bộ lao động của nền kinh tế nhưng lại không có cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất kinh doanh, không có vốn nhiều, không có thị trường, không có kinh nghiệm, không có kỹ thuật và các yếu tố thuận lợi trong kinh doanh.
Tất cả các yếu tố này đổ dồn lên lượng lao động khổng lồ ở khu vực tư nhân, điều đó làm cho năng suất bình quân của lao động thuộc khu vực tư nhân cực kỳ thấp. Muốn cải cách năng suất lao động, cần tập trung vào khu vực tư nhân.
Cũng theo phân tích của Viện trưởng VEPR, dù công nghệ là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động nhưng công nghệ ở đây là cách tổ chức sản xuất để con người tổ chức yếu tố đầu vào từ lao động, đất đai nhà xưởng nhằm có được năng suất lao động tốt nhất, chứ không có nghĩa là phải có một hệ thống công nghệ nhập khẩu, máy móc kỹ thuật tân tiến, rồi đơn giản là người lao động đáp ứng được tiêu chuẩn và dần nâng cao các tiêu chuẩn này để đạt yêu cầu theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký.