Bắt đầu từ năm nay, tại các nền kinh tế phát triển, rất nhiều người từ 65 đến 70 tuổi vẫn sẽ phải làm việc, chưa được nghỉ hưu vì mức sống tiếp tục bị giảm sút và tỷ lệ người nghèo gia tăng ở nhóm người già. Còn tại những nước đang phát triển, thách thức đối với các chính phủ là làm sao xây dựng và thực hiện một hệ thống phúc lợi dành cho những người thuộc diện hưu trí để hỗ trợ họ vì truyền thống con cái báo hiếu cha mẹ ngày càng bị mai một. Theo nhận định của Mercer (một tổ chức tư vấn kinh tế – xã hội toàn cầu), hiện tại, cuộc “khủng hoảng hưu trí” trên thế giới xuất hiện do ba yếu tố sau: Thứ nhất, chính phủ các nước buộc phải cắt giảm phúc lợi hưu trí và nâng độ tuổi nghỉ hưu sau khi để nền kinh tế chìm ngập trong nợ hoặc thâm hụt mậu dịch. Giờ đây, họ phải đối diện với một thách thức về nhân khẩu học, cụ thể là người về hưu sống lâu hơn và tỷ lệ sinh sản tự nhiên giảm mạnh. Thứ hai, giới doanh nghiệp cũng cắt bớt khoản nộp vào quỹ an sinh xã hội (vốn được xem là một phần thu nhập của người lao động để họ có lương hưu hằng tháng kể từ khi nghỉ hưu). Thứ ba, nhiều người có thói quen chi tiêu thoải mái, không biết tiết kiệm nên khi xảy ra suy thoái kinh tế hay khủng hoảng tài chính thì lập tức rơi vào diện nghèo đói.
Người cao tuổi tại châu Á ít lệ thuộc vào con cái hơn
Chưa có quốc gia nào chủ động tìm ra những biện pháp giải quyết trọn vẹn một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI là khi con người sống lâu hơn thì làm sao đảm bảo chế độ an sinh xã hội như trước đây. Tính trung bình, người dân tại 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ sống thêm 19 năm sau khi về hưu, cao hơn rất nhiều so với mức 13 năm hồi thập niên 1950 và con sốấy sẽ tiếp tục còn tăng lên trong vòng 20 đến 40 năm tới. Do đó, OECD cho rằng tuổi trung bình về hưu tại các nước giàu có khả năng sẽ phải tăng từ 63 (hiện tại) đến 66 hoặc cao hơn nhằm duy trì sựổn định quỹ lương hưu. Trong khi tỷ lệ người cao tuổi gia tăng thì tỷ lệ sinh sản lại giảm mạnh tại cả các nước giàu lẫn nước nghèo, khiến các chính phủ càng khó khăn hơn trong việc cân bằng hệ thống hưu trí (vì số lao động trẻ nộp thuế giảm hẳn đi). Tại Trung Quốc, tỷ lệ người trên 65 tuổi so với người trong độ tuổi lao động sẽ tăng từ 11% (năm 2010) lên 42% trong năm 2050. Tại Mỹ, tỷ lệ đó cũng sẽ tăng từ 20% lên 35%. Do đó, chính phủ các nước sẽ bắt đầu tăng tuổi về hưu và cắt giảm phúc lợi dành cho diện hưu trí. Ý là một trong những nước sớm nâng tuổi nghỉ hưu lên 65. OECD nhận thấy phúc lợi hưu trí trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI tại các nước giàu đã bị giảm bớt 20% giá trị. Ở Pháp, chính phủ gia tăng số năm làm việc để nhận được mức lương hưu trọn vẹn từ 41,5 năm lên 43 năm. Theo dự báo của Standard & Poor’s, đến năm 2050, trừ phi tiến hành những cắt giảm trong chính sách hưu trí, tỷ lệ nợ tính theo phần trăm thu nhập GDP tại các nước giàu sẽ gia tăng hơn gấp ba lần hiện nay.
Theo truyền thống, người Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan đều kỳ vọng con cái sẽ chăm sóc cha mẹ già. Nhưng truyền thống xưa đang mất dần vì khi con cái đi xa lập nghiệp từ sớm và phải vất vả lo cho gia đình riêng của mình thì cha mẹ già bị bỏ rơi, điều đó khiến các chính phủ phải tính toán xây dựng chính sách hưu trí mới thực tế hơn. Tại Hàn Quốc, chế độ lương hưu hằng tháng chỉ chi trả trung bình khoảng 744 USD/người khiến tỷ lệ người cao tuổi nghèo khó ở nước này rất cao, hậu quả là Hàn Quốc cũng có tỷ lệ người cao tuổi tự tử đứng hàng đầu thế giới. Còn tại Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới cho rằng đến năm 2050, chi phí lương hưu sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay, lên mức 16 ngàn tỉ USD. Do đó, hướng đến tương lai, các chuyên gia xã hội học đề nghị rằng dù sẽ buộc phải cắt giảm mức phúc lợi hưu trí (nhất là tại những nước giàu) thì các chính phủ nên quan tâm tới những người nghèo nhất và cao tuổi nhất trong nhóm người cao tuổi.
Lâm Kiên theo AP