Báo Financial Times trích lời Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso cho biết các cuộc thảo luận về TPP với 11 thành viên mà không có Mỹ sẽ bắt đầu lại tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 5-2017.
Chính phủ của Thủ tướng Abe từng mong chờ khả năng Mỹ quay lại TPP. Nhưng trong các cuộc đàm phán kinh tế với Bộ trưởng Aso vào ngày 18-4, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố “TPP là chuyện quá khứ của Mỹ” và sẽ thúc đẩy thỏa thuận thương mại song phương giữa Nhật Bản và Mỹ. Với chuyến thăm của ông Pence, chính phủ Nhật Bản xác nhận chuyện Mỹ quay lại với TPP dường như không thể xảy ra. Điều này khiến Nhật Bản quyết định xúc tiến việc thực hiện TPP giữa 11 nước trong lúc chờ Mỹ xem xét lại.
Chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản Kenichi Kawasaki cho rằng TPP vẫn mang lại lợi ích kinh tế mà không có Mỹ. Theo ông Kawasaki, TPP (với 11 nước) vẫn có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Nhật Bản tăng thêm khoảng 1,11% – thấp hơn một chút so với mức tăng 1,35% trong trường hợp Mỹ tham gia TPP. Việc bảo vệ TPP cũng giúp Nhật Bản thắt chặt quan hệ với những đối tác quan trọng trong khu vực như Việt Nam và Úc, và đẩy lùi một phần làn sóng chống toàn cầu hóa vốn đã lan rộng trên thế giới.
“Chúng ta không thể hy vọng phục hồi kinh tế nếu không có các thỏa thuận thương mại tự do” – ông Kawasaki nói.
Đối với Thủ tướng Abe, hiện đảng cầm quyền Nhật Bản đã gia hạn nhiệm kỳ cho ông đến tháng 9-2021, tám tháng sau khi nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc. Việc biến TPP thành hiện thực, ngay cả không có Mỹ, chắc chắn sẽ là di sản lớn đáng để Thủ tướng Abe theo đuổi.
TPP được ký kết tháng 12-2016 với sự tham gia của 12 nền kinh tế gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Nhưng ngay sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP.
Theo luật hiện hành, TPP sẽ được triển khai khi các nước chiếm tổng 85% GDP toàn khối phê chuẩn. Vì vậy, việc Mỹ – thành viên chiếm đến 60% GDP toàn khối – tuyên bố rút lui đồng nghĩa việc hiện thực hóa TPP không khả thi.
Để TPP có hiệu lực cần sự đồng thuận của tất cả các bên ký kết còn lại. Theo đó, các cuộc đàm phán mới sẽ phải được tiến hành. Đầu tháng này, Bộ trưởng Thương mại Úc Ciobo đã đến Nhật Bản để bàn việc nối lại TPP.
Các nước đã ký kết còn lại (không có Mỹ) sẽ bắt đầu thảo luận về TPP trong cuộc họp giữa các trưởng phái đoàn đàm phán dự kiến diễn ra tại Canada vào đầu tháng 5-2017 và tại cuộc họp giữa các bộ trưởng kinh tế tại Việt Nam vào ngày 20-5 và ngày 21-5 bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Ngày 25-4, chính phủ Nhật Bản thông báo đã chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao Keiichi Katakami kiêm nhiệm vị trí Trưởng đoàn đàm phán TPP lần này.
- Lê Quân
Xem thêm:
- Hội thảo về cơ hội hậu APEC 2017 và triển vọng đối với các ngành công nghiệp VN
- Triển lãm mỹ thuật chào mừng tuần lễ APEC tại Đà Nẵng
- Liệu TPP có thể hồi sinh nhân APEC 2017 tại VN?