Đó là diễn đàn “Đối thoại chính sách 2013 nhằm phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bền vững tại Việt Nam”.
Thách thức và khó khăn mang dấu ấn 2013
Trong năm qua, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đạt kim ngạch khoảng 4,67 tỉ USD, tăng 15,3% so với năm 2011 và vượt gần 7% so với kế hoạch. Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng đó là thành quả rất đáng được hoan nghênh. Gỗ Việt Nam hầu như đã không còn phải dựa vào các thị trường trung gian như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc…, mà trực tiếp đến với hơn 100 thị trường trên thế giới. Nước ta hiện là quốc gia đứng thứ sáu trên thế giới, thứ hai châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Bốn thị trường trọng điểm của gỗ Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản.
Trái với thái độ lạc quan của ông Hà Công Tuấn, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ trong thời gian qua chủ yếu nhờ lao động giá rẻ, sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô như dăm giấy, gỗ bóc… vốn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu”. Nguyên nhân là do việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp chế biến gỗ còn nhiều hạn chế, sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm theo phương pháp thủ công là chủ yếu.
Tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ trong thời gian qua chủ yếu nhờ lao động giá rẻ, sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô
Năm nay, các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục vận dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch, thể hiện trong việc điều chỉnh tỷ giá, tăng cường các biện pháp chống bán phá giá, đòi hỏi chứng minh nguồn gốc sản phẩm gỗ… Gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào các thị trường này đều phải sử dụng nguồn nguyên liệu có chứng chỉ FSC (bộ tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới) hoặc có chứng thực nguồn gốc. Chúng ta hiện chưa có thị trường gỗ nguyên liệu FSC nên phải nhập đến 80% nguyên liệu gỗ với giá trị kim ngạch khoảng 1 tỉ USD. Trong khi giá nhập khẩu gỗ và chi phí vận chuyển ngày càng tăng thì các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với những đối thủ tại các nước có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia…
Từ tháng 3 năm nay, các quốc gia ở châu Âu – một trong những thị trường nhập khẩu gỗ hấp dẫn của nước ta – sẽ chính thức thực hiện quy chế 995/2012 về nhập khẩu gỗ của Liên minh châu Âu (EU) nhằm mục đích cấm nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc trái phép. Theo đó, những nước cung cấp gỗ (trong đó có Việt Nam) phải có trách nhiệm giải trình để chứng minh nguồn gốc gỗ, ví dụ mô tả loại gỗ, chỉ ra quốc gia khai thác, cung cấp thông tin chi tiết về nhà cung cấp, thông tin về tính tuân thủ các quy định quốc gia… Trên thực tế, có tới 80% gỗ rừng trồng ở nước ta đều được mua ở các hộ dân, cá nhân, lại mua đi bán lại qua nhiều tầng nấc trung gian khác nhau. Vì vậy, việc có đủ chứng từ nguồn gốc ban đầu về gỗ nguyên liệu gần như là “bất khả thi”. Hơn nữa, trách nhiệm giải trình là… trách nhiệm vô hạn! Việc giải trình nhanh hay chậm, dễ hay khó thì hầu như các nhà chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam không thể dự đoán chính xác được.
Quay về thị trường nội địa – liệu có khả quan?
Trước những khó khăn xuất hiện tại các thị trường nhập khẩu gỗ truyền thống như Hoa Kỳ, EU…, trong năm qua, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đã thử tìm kiếm các thị trường mới. Kết quả của việc tìm kiếm thị trường mới không hề dễ dàng, lại tốn nhiều chi phí. Một số thị trường mới như Trung Đông hay Bắc Phi lại có những nét văn hóa rất khác biệt, khó tiếp cận trong giao thương.
Tại buổi hội thảo, ông Võ Đại Hải – Phó cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng nhu cầu gỗ và sản phẩm từ gỗ của thị trường nội địa rất lớn nhưng hiện chưa được chú trọng. Quay lại phục vụ thị trường nội địa trong giai đoạn khó khăn hiện nay mới nghe có vẻ hợp lý, song thực hiện lại không dễ dàng. Lâu nay, các doanh nghiệp gỗ chỉ tập trung nghiên cứu thị trường nước ngoài, hầu như không dành thời gian nghiên cứu về nhu cầu trong nước. Thêm vào đó, việc đầu tư cho việc thiết kế sản phẩm cũng như thiết lập hệ thống phân phối ở thị trường nội địa cũng cần một khoản chi phí không nhỏ.
Nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng vẫn nên tập trung vào các thị trường truyền thống và tìm cách vượt qua các rào cản trước mắt. Trong giai đoạn này, việc sản xuất các sản phẩm thô vẫn phải duy trì, nhưng cần giảm dần về khối lượng. Thay vào đó, doanh nghiệp nên tập trung phát triển chế biến từ gỗ rừng trồng có đường kính nhỏ để tạo sản phẩm có giá trị, lại nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Theo ý kiến của ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Nhà nước cần xem xét giảm mức lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu đối với tiền đồng Việt Nam từ 11,4% xuống còn khoảng 8 – 9%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng dùng cho việc đầu tư nâng cao năng lực gia công các sản phẩm từ gỗ, tận dụng thời cơ nhiều nhà máy chế biến gỗ ở châu Âu đang rao bán thiết bị và công nghệ hiện đại với giá rẻ.
Hầu hết các nước trên thế giới đang chuyển sang sử dụng sản phẩm được chế biến từ nguồn gỗ được khai thác có kiểm soát hoặc có chứng chỉ khai thác rừng bền vững (FSC). Thiết nghĩ, ngay trong năm nay, các cơ quan quản lý có trách nhiệm cần nhanh chóng xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, xây dựng đề án thúc đẩy chứng chỉ rừng của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bổ sung, kiện toàn đội ngũ kiểm lâm cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững, đồng thời kiểm soát được chuỗi cung ứng sản phẩm chặt chẽ hơn.
Đối với thị trường châu Âu, gỗ và sản phẩm từ gỗ nhập khẩu vào các nước này sẽ không phải giải trình nếu có giấy phép FLEG (tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản). Để có giấy phép FLEG, một bước đệm mà chúng ta cần hoàn thành là thông hiệp định đối tác tự nguyện VPA. Đây là hiệp định thương mại giữa EU và các quốc gia xuất khẩu gỗ đến EU, trong nội dung có cam kết cùng thực hiện các kế hoạch hành động của FLEG, tập trung vào ba vấn đề chính là: (1) Định nghĩa gỗ hợp pháp; (2) Thiết lập và vận hành hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ trong chuỗi cung và (3) Giám sát độc lập, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm.
Hiện nay, Việt Nam và EU vẫn chưa thể thông qua hiệp định VPA/FLEG do còn chưa giải quyết được một số vướng mắc, chẳng hạn chưa thống nhất về định nghĩa gỗ hợp pháp, các vấn đề về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, về môi trường… Tất cả các doanh nghiệp trồng, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu gỗ trong nước đều là những đối tượng chịu ảnh hưởng về quyền lợi từ VPA/FLEG nên cần chủ động tham gia trong tiến trình đàm phán bằng cách góp ý thông qua Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam hoặc gửi thư trực tiếp về Tổng cục Lâm nghiệp hay qua website: http://www.tongcuclamnghiep.gov.vn.
Xuân Lộc