Trong mùa nắng nóng này không ai nghĩ rằng sẽ có mưa, nhưng hóa ra lại có một cơn mưa thật to. Tôi đã nhìn thấy những đám mây xám tụ lại trông có vẻ đe dọa nhưng nghĩ đó chỉ là một dấu hiệu giả. Rồi bỗng cơn mưa ào ào trút xuống một cách bất ngờ. Tôi đành phải trú mưa ở trước một cánh cửa đóng kín mà ban đầu tôi nghĩ đó là một cửa hàng. Cùng trú mưa với tôi có một người đàn ông Việt Nam. Chúng tôi đang chào nhau và hỏi han vài câu thì một chiếc xe máy chạy đến trước cửa. Hóa ra đó là cô con gái của chủ nhà và ông ta ra mở cửa cho con chạy xe vào.
Lúc ấy, tôi tưởng chủ nhà sẽ đuổi chúng tôi đi mà quên mất rằng mình đang ở ViệtNam. Thật bất ngờ, ông chủ mời chúng tôi vào nhà, hỏi chúng tôi có uống cà phê không để ông gọi điện cho người mang qua. Khi người bán hàng bảo không thể mang cà phê sang vì trời mưa, ông ta cầm cây dù, tự băng qua đường lấy. Tôi vô cùng sửng sốt. Đây quả là Sài Gòn, một trong những thành phố thân thiện nhất trên quả đất và chắc chắn là nơi có những người đáng mến nhất mà tôi từng gặp.
Người chủ nhà năm nay khoảng 60 tuổi nhưng nhuộm tóc đen để trông có vẻ trẻ hơn. Ông trò chuyện rất cởi mở và còn cho chúng tôi xem những vết thương chiến tranh để lại. Sau một giờ đồng hồ chúng tôi xin phép ra về vì không muốn làm phiền thêm ông chủ nhà tốt bụng. Thấy tôi không có áo mưa, ông liền cho một cái nhưng tôi không lấy. Thế là ông đưa tôi một cái mũ lưỡi trai vì mũ bảo hiểm của tôi đã ướt. Ông quả thật rất tử tế.
Sau đó, tôi kể lại câu chuyện này cho một người bạn của mình và không quên so sánh rằng, nếu tôi dừng ở trước cửa nhà một người phương Tây, chắc chắn rằng họ sẽ bảo: “Đi đi, nếu không tôi gọi cảnh sát”.
Tuy nhiên, dù Sài Gòn là một nơi tuyệt vời với nhiều người thân thiện thì bạn vẫn phải chuẩn bị tinh thần rằng bạn có thể gặp những kẻ nhanh chóng nhặt mất điện thoại của bạn khi bạn sơ ý.
Một vài ngày sau câu chuyện trên, vợ chồng tôi đi taxi về nhà sau bữa ăn tối. Cô ấy phải dừng mua vài thứ linh tinh. Tôi lấy điện thoại ra đọc email trong lúc đợi vợ. Về đến nhà vài phút thì tôi phát hiện ra mình để quên điện thoại trên taxi. Tôi lao ra đường nhưng chiếc taxi đã chạy mất.
Vợ tôi gọi công ty taxi vài lần nhưng báo trước với tôi rằng tôi rất ít có cơ may lấy lại điện thoại. Chúng tôi cố gọi vào điện thoại của tôi trong vài giờ nhưng không có tín hiệu. Cuối cùng chúng tôi phải hủy số điện thoại và thay đổi mật khẩu email. Quả là phiền toái.
Tôi không cho rằng người lái taxi lấy điện thoại. Có thể là người khách tiếp theo may mắn nhặt được. Dù sao thì tôi cũng đã quá lạc quan sau hôm được tiếp đón tử tế khi trời mưa.
Nhiều người phương Tây ở Sài Gòn và ngay cả người địa phương mất điện thoại trong trường hợp tương tự. Chiếc điện thoại bị nhặt sẽ được đưa ra cửa hàng mở khóa hoặc bán lại. Trường hợp ai đó nhặt điện thoại của bạn lên, trả lời khi bạn gọi đến và tìm cách gặp bạn để trả lại điện thoại rất hiếm khi xảy ra. Khi bạn mất điện thoại, phiền nhất là bạn mất các thông tin cá nhân cùng với danh bạ điện thoại liên lạc. Luôn có những bài học ở Sài Gòn và đây là một câu chuyện nhắc tôi phải cẩn thận hơn.
Derek Milroy
Lê Tâm dịch