Trong một cuộc tập huấn về người phát ngôn cho báo chí, tham dự toàn những người trẻ đẹp, bỗng xuất hiện một… bà giáo già.
Người ta mời từng người lên trước ống kính trình bày tự giới thiệu. Toàn những chức danh như giám đốc nhân sự, nhân viên PR, thẩm phán tòa án, chánh văn phòng ủy ban, giám đốc sở… đẹp, trẻ, áo quần lịch lãm công chức… Chiếu lại hình từng người và nhận xét, đến bà giáo già, thiên hạ ngập ngừng, rồi khen là… lão luyện rồi.
Bà giáo nghĩ, biết thừa là không ai nỡ nói gì. Vì chẳng đời nào có một cơ quan chọn bà già như thế làm đại diện hình ảnh cho mình cả. Bà cũng nghĩ, chắc họ không nhận xét về tiêu chuẩn hình thức người phát ngôn già như mình, các cô đẹp nõn thế kia còn bị phê ánh mắt, áo quần này nọ, đến lượt mình, chắc họ khó nói…
- Xem thêm: Con tàu đắm
Nghe chuyện, sẽ có người nói rằng, vậy thì tự ti quá. Không thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là bà mẹ bảy con đó sao, hoặc bà Margaret Thatcher, bà Angela Merkel đó… Miễn là giỏi hơn người. Ừ, nghe an ủi cũng cảm ơn, nhưng đó là… Âu – Mỹ. Chứ xứ ta, già xấu là ngồi trong phòng kín làm gì thì làm, chứ ra giao tiếp là vứt ngay. Sinh viên bây giờ còn khiếu nại lên nhà trường là không thích thầy cô già đó.
Câu “thầy già con hát trẻ” cũng lạc hậu rồi. Xã hội hiện đại, cái gì cũng làm được, chẳng cần kinh nghiệm của người đi trước. Như phim gì đó, chỉ cần nghe cái tên “No Country for Old Man” thôi, không cần biết nội dung, cứ dịch đại là “không nơi ẩn nấp cho đám già”, thế cho gọn. Rất hiếm khi nghe người trẻ tuổi nào khen hoặc hài lòng về người già ở nhà mình.
Đám già là thất thế, còn bị ghét là ngồi ghế lâu không để bọn trẻ lên. Tỷ lệ thất nghiệp cao, thanh niên chiếm một nửa số đó. Bao nhiêu tiến sĩ thạc sĩ sở dĩ đi học lên chỉ vì không xin được việc làm đó thôi. Lương tiến sĩ chưa bằng ôsin hay người chăm sóc bệnh nhân. Thế mà mấy người già chỉ thích tăng tuổi hưu. Lại còn nghe nói kéo dài thêm mỗi năm vài tháng làm gì. Cả đời họ nhàn tản vác ô đi về, tới 30% số cán bộ nhân viên còn đang cãi nhau đúng sai con số, nay tăng vài tháng cho họ vác ô chứ làm gì.
Ở một số cơ quan, lĩnh vực, đám “giặc già” (có bài viết trên báo mạng gọi thế đó) đầu có sạn đôi khi “bảo vệ quan điểm” (cả trong chuyên môn và nhất là nhìn nhận xã hội) lúc nào cũng vững chắc như thành đồng không cho ai chen vào được. Ngày lễ lạt mời cụ này quên cụ kia là gay go to. Giới thiệu trong hội nghị thì phải dài dằng dặc, toàn là “nguyên” – nguyên giám đốc, chủ tịch… Hễ thiếu là không ổn.
Có cụ suốt đời không bao giờ biết gì chuyện ở nhà, sau khi nghỉ hưu là khủng hoảng. Sáng ra vẫn phải mặc áo đóng bộ vào đi ra ngoài. Đi họp dân phố thì phát biểu dài, thông tin cũ rích lặp lại tra tấn người nghe… Thế nhưng ở nhà thì giống nhau y boong cái khoản sợ con cháu. Cho cháu ăn, chăm sóc tắm giặt, con dâu con gái “mắng” cho suốt ngày là không làm… đúng quy trình, rồi rửa rau không sạch, lau nhà bẩn, nói to tai điếc gây ồn ào. Đó là chưa kể có người “trở chứng” chuyện nọ kia.
- Xem thêm: Tâm sự của một… vàng ròng
Kể mãi, nghe thế thấy hỗn láo quá. Ai rồi cũng phải già, đừng có nhìn tiêu cực như vậy. Sống vui, sống khỏe, sống có ích – Mọi người phấn đấu đó thôi (dù là, giao nhiệm vụ nặng quá. Già, đố ai khỏe. Thế thì sao vui mà còn có ích nữa. Đến người trẻ giao cho họ thực hiện một trong ba nhiệm vụ đó thôi chắc gì đã làm nổi. Mà lại bắt người sắp xuống lỗ làm những ba việc khó đến thế).
Nhưng rõ ràng, già là một đoạn chót, khổ nhất đời, phải được chuẩn bị tốt. Bản thân chuẩn bị, con cháu người thân chuẩn bị. Chuẩn bị tiền bạc, sức khỏe, thái độ, thói quen. Để trở thành một ông bà già hiền từ viên mãn, chứ đừng để bị coi là… đám giặc già.