Năm 2020, Lộc Trời đã hoàn thành việc tái cấu trúc với mục tiêu tối ưu hóa các nguồn lực, củng cố năng lực cốt lõi trong tri thức về nông nghiệp, sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp ngày càng hiện đại.
Cuối tháng 9.2020, lô hàng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 của Lộc Trời lên đường sang châu Âu, nổ phát pháo ăn mừng đầu tiên sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. “Đây là sự công nhận chính thức về chất lượng và tiêu chuẩn gạo Việt trên thị trường quốc tế, đồng thời thể hiện rõ năng lực của nông dân Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng nước ngoài”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời vui vẻ tâm sự.
Càng nghe ông nói, tôi càng nhận ra nơi con người ấy thấm đẫm một tình yêu thủy chung, son sắt với ruộng đồng.
Tâm nguyện đồng hành cùng nông dân
Trong suốt câu chuyện, ông Thòn nói nhiều đến nông dân và… lúa gạo. Nhưng không giống như vài năm trước khi làm “cánh đồng mẫu lớn” với hàng ngàn kỹ sư “cùng nông dân ra đồng”, lần này ông say sưa nói về ước vọng “cùng nông dân trồng 1 triệu ha lúa với tiêu chí chất lượng – an toàn cho xã hội, cho môi trường”.
Làm được điều đó với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời nâng cao đời sống, vị thế người nông dân, xây dựng vùng nông thôn đáng sống. “Lộc Trời đang cùng nông dân làm thương hiệu vì không làm thương hiệu thì không thể nâng cao vị thế. Nếu anh sản xuất đồ dở ẹc thì bán ai mua? Vì vậy trước hết phải làm ngon, làm tốt để người ta tin tưởng, tìm đến với mình. Bán được sản phẩm, có lợi nhuận thì đời sống nâng cao, kéo theo vị thế cũng được nâng cao.
Nói như vậy không có nghĩa là thụ động ngồi chờ mà phải chủ động tổ chức sản xuất, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng; chủ động kết nối, bảo đảm đầu ra cho hạt gạo. Luôn đặt lợi ích nông dân lên đầu, nhưng chúng tôi đồng thời là doanh nghiệp nên lợi nhuận cũng là mục tiêu quan trọng. Lộc Trời đã và đang đi trên con đường hài hòa hai mục tiêu đó, để khi nhắc đến Lộc Trời là nói đến những con người hành động vì nông dân, nông nghiệp Việt Nam”.
Tôi thích câu nói của ông, chân chất, thật thà như con người ông mà tôi từng biết: “Trước là phục vụ, sau là kiếm ăn”. Lộc Trời sẽ cho trước, nhận sau. Ông chia sẻ: Nông dân là người yếu nhất, nghèo nhất, khổ nhất nên có người nói ông chọn đồng hành với nông dân là không thức thời, ông cười bảo ông không chọn mà đó là duyên phận. Cái duyên phận đó đã theo đuổi ông gần trọn cả cuộc đời để hiện thực hóa những ước vọng của nông dân, xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp thông minh và bền vững.
Xây hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại
Năm 2018, Lộc Trời tiến hành tái cấu trúc với mục tiêu tối ưu hóa các nguồn lực, củng cố năng lực cốt lõi trong tri thức về nông nghiệp, sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp ngày càng hiện đại.
Không chỉ là những thay đổi về phương thức kinh doanh ở những mảng truyền thống như vật tư nông nghiệp và lương thực, Lộc Trời thành lập ngành dịch vụ nông nghiệp với mong muốn hoàn chỉnh chuỗi giá trị bền vững để hỗ trợ nông dân đạt được năng suất và chất lượng cao nhất. “Chúng tôi luôn chú trọng đầu tư, cải tiến để hoàn thiện hơn nữa những dịch vụ và sản phẩm phục vụ nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu”, người sáng lập Lộc Trời chia sẻ.
Phát triển dựa trên nền tảng tri thức nông nghiệp là lực lượng “ba cùng” (cùng canh tác, cùng quản lý chất lượng, cùng phát triển thị trường tiêu thụ), ngành dịch vụ sẽ kết nối với các ngành truyền thống của Lộc Trời để cung cấp cho nông dân bộ giải pháp canh tác toàn diện, tiêu chuẩn và hiệu quả. Đồng thời cũng từng bước ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ (dùng drone phun thuốc, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc và định danh vùng trồng…) để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu suất canh tác.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: “Tôi rất thích câu nói: Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Trong lần tái cấu trúc toàn diện này, Lộc Trời chọn đi cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái cho phát triển một ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, quy tụ tất cả các thành tố liên quan đến ngành nông nghiệp: từ nông dân đến nhà khoa học, nhà nước, nhà băng, các ngành sản xuất chế biến, dịch vụ, thậm chí cả đội ngũ tiểu thương… Một hệ sinh thái đa dạng như vậy sẽ có sức sống, có sự cộng sinh, cộng dưỡng, cộng hưởng, quy tụ mọi nguồn lực của xã hội để tạo sức mạnh, cũng chính là nâng cấp hệ sinh thái của chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững (SRP).
Tìm cơ hội trong thách thức
Hiện nay, nông nghiệp đối mặt rất nhiều rủi ro khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biễn phức tạp, môi trường ngày càng ô nhiễm.
Lộc Trời thực hiện tái cấu trúc từ 2018, đến 2020 là cơ bản hoàn tất. Mô thức kinh doanh, mô hình tăng trưởng, hệ thống quản trị, con người, cơ chế vận hành cũng thay đổi. Mối quan hệ, định vị của mình cũng phải thay đổi. Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết dịch Covid-19 đã “dạy” cho Lộc Trời nhiều bài học. Theo ông, thế giới đã tạo ra sự thay đổi khó đoán định, ai thích ứng tốt sẽ tồn tại; trong cái rủi có cái may, Covid-19 làm cho mọi người thấy phải thay đổi, phải đưa nhanh công nghệ, số hóa, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc, niềm tin vào sự thay đổi qua đó cũng được nâng cao.
Điều đặc biệt trong năm 2020, đó là vào thời điểm Covid-19 xảy ra, mặc dù gặp nhiều trở ngại, nhưng Lộc Trời đã trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt 100 điểm tuyệt đối theo quy trình canh tác lúa gạo bền vững SRP. Bên cạnh đó, các vùng canh tác theo thị trường mục tiêu của Lộc Trời luôn vượt qua những bài kiểm định chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.
“Dù đối diện với vô vàn khó khăn nhưng năm 2020, Lộc Trời đã hoàn thành kế hoạch ngân sách trong thời gian 10 tháng 16 ngày và cao hơn cùng kỳ năm 2019 14%”, người lãnh đạo Lộc Trời cười vui.
Để đưa Lộc Trời phát triển như hôm nay, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ đó là cách ông “trả nợ” quê hương, đất nước, đồng bào mình. “Năm 1971, khi tôi mới 13 tuổi, được đưa ra Bắc để học tập. Trong chuyến “xẻ dọc Trường Sơn ngược ra Bắc” ấy, tôi nhận ra mình đã mang những món nợ ân tình quá lớn: Thứ nhất là nợ những người đồng chí, đồng đội ở lại bởi lúc tôi ra đi thì chiến trường đang vào hồi ác liệt, họ phải gánh thay tôi biết bao gian khổ, hi sinh. Thứ hai là món nợ với đồng bào miền Bắc và sự quan tâm chăm lo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và các thầy cô đã tận tình, tận tâm, tận lực, dành tất cả điều kiện tốt nhất cho con em miền Nam. Những ai là học sinh miền Nam sẽ khắc cốt ghi tâm điều này. Và cuối cùng, tôi nợ quê hương, cha mẹ, anh em… tất cả đều kỳ vọng tôi đi học để sau này trở về xây dựng quê hương. Tất cả những gì tôi làm cho Lộc Trời suốt mấy mươi năm qua là để trả những món nợ ân tình đó. Nhưng tôi thấy mình làm bao nhiêu cũng chưa đủ, nhiều lúc “làm trối chết” mà vẫn chưa hài lòng”.
Đưa “Hạt Ngọc Trời” đi xa hơn
Diễn đàn Lúa gạo Bền vững (SRP), do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cùng Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) thành lập, đã cho ra đời giải pháp canh tác lúa gạo bền vững SRP, hướng đến giảm thiểu tác động môi trường của việc trồng lúa, các loại phân bón và nông dược sử dụng hợp lý trong lúc người nông dân được bảo hộ lao động đúng cách.
Bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng trong tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững được Lộc Trời phối hợp với nông dân thực hiện. Cho đến nay, Lộc Trời là doanh nghiệp Việt duy nhất đang thực nghiệm SRP. Mục tiêu chiến lược của Lộc Trời từ nay đến 2024 là trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực về dịch vụ nông nghiệp với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và các thương hiệu nông sản dẫn đầu. Với nhận thức hạt gạo chính là “Hạt ngọc của Trời”, trong chiến lược phát triển của mình, Lộc Trời kỳ vọng đưa “Hạt ngọc Trời” vươn xa, bay cao hơn.