Tăng thuế là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, luôn tác động hai mặt vào đời sống kinh tế xã hội, nhất là trong tình hình nền kinh tế gặp khó khăn. Đây cũng là trường hợp của chúng ta khi ngân sách bị bội chi, nợ công đang là áp lực và biện pháp “chẳng đặng đừng” là tăng thuế đang được triển khai với nhiều tranh luận ngược chiều.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi một số luật về thuế, trong đó có đề xuất sửa đổi thuế Giá trị gia tăng (VAT) theo hướng tăng thuế, giảm nhóm hàng hóa ưu đãi thuế. Cụ thể, với thuế VAT thông thường, có hai phương án được đề xuất: (1) Tăng thuế VAT mức 10% hiện hành lên 12% từ ngày 1-1-2019 và (2) Tăng theo lộ trình lên 12% từ năm 2019 và lên 14% từ 1-1-2021.
Có vẻ như để “ăn chắc mặc bền”, đơn vị soạn thảo nghiêng về phương án đầu là tăng thuế VAT lên 12% với lý giải “kinh nghiệm quốc tế cũng làm vậy khi nợ công tăng cao”.
Bộ Tài chính cũng đề xuất loại một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được ưu đãi thuế VAT sang nhóm chịu thuế thông thường, dù đây là những hàng hóa thiết yếu của người dân, bao gồm nước sạch sinh hoạt và sản xuất, dịch vụ văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất và phát hành phim, biểu diễn thời trang, thi người mẫu, bóng đá… Những hàng hóa, dịch vụ này sẽ tăng thuế VAT từ 5% hiện hành lên 12% (thậm chí lên 14% nếu phương án 2 được chọn).
Biện pháp tăng thuế này sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỉ đồng, chiếm 33% tổng thu ngân sách. Hiện nay VAT đóng góp khoảng 28% thu ngân sách thường xuyên và khoảng 25% tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2010-2015.
Nhận định mức thuế VAT 10% lâu nay “tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu cho biết nhiều nước đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009-2016.
Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản,…
Theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.
Biện pháp tăng thuế VAT, theo Bộ Tài chính, là vì ngân sách đang chịu nhiều áp lực. Con số bội chi ngân sách khoảng 200.000 tỉ mỗi năm đã cho thấy áp lực và nhu cầu tìm nguồn cân đối. VAT tăng thêm 2% là đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ nhà nước.
Liệu việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giá cả sản phẩm, câu trả lời là “không đáng kể”.
Lập luận của Bộ Tài chính thiếu sức thuyết phục vì tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ tác động đến an sinh xã hội, tức là tác động đến toàn bộ nền kinh tế chứ không phải cá nhân riêng lẻ và do đây là thuế gián thu nên chính người tiêu dùng phải chịu.
Nâng thuế VAT chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới, điều này có thể tác động tiêu cực đến sức mua và như vậy doanh nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng, chứ không thể nói là “không đáng kể”. Giải quyết nguồn thu ngân sách bằng biện pháp tăng thuế VAT là loại thuế đánh vào hàng hóa sẽ làm tăng giá hàng hóa, đương nhiên ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp khiến sức cạnh tranh giảm đi.
Việc viện dẫn mức thuế các nước khác để lý giải việc tăng thuế ở nước ta là rất khập khễnh. So với các nước EU và một số nước trong khu vực thì nền kinh tế nước ta thuộc loại yếu nhất, sức khỏe nền kinh tế cần được hỗ trợ bằng các biện pháp kích cầu để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Với thuế suất VAT 10% như hiện nay thì nguồn thu này đã chiếm đến 27,5% nguồn thu ngân sách, nay nếu điều chỉnh lên 12% thì tỷ lệ VAT trong ngân sách của chúng ta lên đến 33%, liệu có quá mức chịu đựng của doanh nghiệp và đối tượng chính của VAT là người dân.
Một con số rất đáng lưu tâm là VAT chỉ chiếm 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU mặc dù thuế suất cao hơn chúng ta (21,3%). Điều này cho thấy, nền tài chính dựa quá nhiều vào VAT, trong chừng mực sẽ thu hẹp khả năng tiêu dùng của người dân. Và liệu các nhà đầu tư nước ngoài có mạnh dạn đưa vốn vào các quốc gia có chỉ số tiêu dùng thấp hay không.
Cho rằng việc tăng thuế VAT là không thiết thực, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược phẩm CVI, nhận định sau nhiều năm lâm vào khó khăn kinh tế, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang làm ăn rất khó khăn thậm chí là bế tắc. Người dân trong lúc thu nhập chưa tăng luôn có xu hướng tiết kiệm, chi tiêu một đồng cũng phải đắn đo suy nghĩ. Điều cần làm lúc này là chính sách thông thoáng, giảm các khoản thuế để tạo ra môi trường kinh doanh dễ thở cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Có thêm khoản lợi nhuận tốt thì doanh nghiệp sẽ tái đầu tư, mở rộng hoạt động, mua công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa so với hàng ngoại.
Theo ông Hiệu, việc tăng thuế lên cao trong bối cảnh không kiểm soát chặt chẽ thu thuế sẽ dẫn đến vấn nạn trốn thuế gia tăng.
“Khi thuế VAT tăng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tìm cách lách thuế, trốn thuế. Cũng giống như đi ăn nhà hàng, khách có thể từ chối lấy hóa đơn để không phải chịu phần thuế VAT từ đó làm giảm nguồn thu của nhà nước. Cho nên, đánh thuế cao chỉ khổ những doanh nghiệp làm ăn tử tế, đóng thuế đầy đủ thì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp lách thuế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có cái nhìn thực tế hơn khi cho rằng Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước để đảm bảo chi tiêu, không để bội chi lên quá cao. Tuy nhiên, theo ông, nên xem xét lại lộ trình áp dụng và cần lắng nghe thêm ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia…
Thật ra trong bối cảnh nợ công tăng cao và bội chi như hiện nay, tăng thuế không phải là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề mà trước tiên Chính phủ cần có giải pháp tiết chế chi tiêu, chứ không phải tăng thuế VAT, nhất là khi mức thu thuế của Việt Nam đã cao so với nhiều nước trong khu vực.
Nếu nguồn thu ngân sách tăng lên cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hiệu quả các dự án an sinh xã hội thì người dân sẽ ủng hộ việc tăng thuế. Do đó, Bộ Tài chính cần công bố nếu tăng thuế VAT từ 10% lên 12% thì số tiền này sẽ được sử dụng cho mục đích gì. Nói cách khác tính công khai, minh bạch là vô cùng cần thiết để có được sự đồng tình của doanh nghiệp lẫn người dân.
Người dân đang gánh chịu thuế lớn so với thu nhập, cho nên việc tăng thuế liên tục cần được cân nhắc thật nghiêm túc, nhất là VAT ảnh hưởng đến người nghèo vốn chiếm phần lớn dân số hiện nay.
- Lê Minh Trí