Trong chợ ở nước Sở có một người vừa bán khiên lại vừa bán giáo. Để thu hút khách và để có thể bán nhanh hết hàng của mình người bán hàng đã quá thổi phồng khiên và giáo của mình.
Đầu tiên, người bán hàng cầm cái khiên giơ lên nói rất to với những người đứng xem: “Các vị, xin hãy nhìn cái khiên trong tay tôi đây, loại khiên này được rèn và luyện từ vật liệu tốt nhất, nó trở thành lá chắn đặc biệt bền vững, dù cho dùng loại giáo nhọn sắc như thế nào cũng không thể đâm thủng được cái khiên này”.
Nghe người bán khiên nói, mọi người tới tấp vây quanh anh ta để xem kỹ cái khiên.
Tiếp theo, người nước Sở lại cầm chiếc giáo dựng ở cạnh tường lên và tiếp tục khua môi múa mép: “Chư vị hào kiệt, hãy xem cái giáo dài trong tay tôi đây nó được làm ra bằng phương pháp rèn đập và tôi luyện, giáo rất sắc nhọn dù có dùng loại khiên bền chắc như thế nào để chống đỡ sẽ cũng bị đâm thủng”.
Lời khuếch trương của người nước Sở làm mọi người trố mắt nhìn nhau.
Một lúc sau, có một một người đàn ông ở trong đám đông chỉ người nước Sở hỏi: “Ta vừa nghe ngươi nói khiên của ngươi rất bền chắc không giáo nào có thể đâm thủng được mà giáo của ngươi vô cùng sắc nhọn có thể đâm thủng bất cứ loại khiên nào. Xin hỏi nếu lấy giáo ấy đâm khiên này thì khiên thủng hay giáo quằn?”.
- Xem thêm: Hóa giải mâu thuẫn
Câu hỏi này làm cho người bán khiên lại vừa bán giáo nước Sở đỏ mặt bừng bừng không biết trả lời như thế nào. Người xem vây xung quanh bỗng nhiên phá lên cười, người nước Sở ngượng quá không biết chui vào đâu cho đỡ ngượng vội chuồn khỏi chợ.
Giáo là binh khí tiến công để đâm kẻ địch, khiên là lá chắn để bảo vệ thân thể cho nên loại khiên không giáo nào đâm thủng được và loại giáo đâm thủng bất cứ loại khiên nào là không thể cùng tồn tạị, vì trước sau đã đối lập với nhau nên đây là sự mâu thuẫn chồng chất.