Năm 1889, một năm trước ngày rời xa cõi thế, Vincent van Gogh viết thư cho em trai Theo: “Người ta nói rằng – và anh muốn tin điều đó – thật khó khăn để tự biết mình, mà cũng chẳng dễ dàng gì khi tự vẽ mình”. Để biết được Van Gogh thật đầy đủ phải tìm hiểu quá trình sáng tạo cả cuộc đời của nhà danh họa Hậu Ấn tượng.
Xuyên suốt sự nghiệp của ông, Van Gogh đã vẽ 30 chân dung tự họa, mà khi được sắp xếp theo niên biểu các bức tự họa có vai trò như một thiên tự truyện bằng hình ảnh của ông. Van Gogh thật cô đơn khi truy tìm sự thật thông qua tự họa chân dung. Song ông chẳng phải họa sĩ duy nhất làm điều đó. Đôi khi các bức tự họa được thực hiện vào chặng cuối của sự nghiệp sáng tác có khả năng cho thấy đó là những hình ảnh trung thực nhất của người nghệ sĩ.
Van Gogh với Tự họa Oslo
Những chân dung tự họa của Van Gogh nằm trong số các tác phẩm hội họa dễ nhận biết nhất của thế giới nghệ thuật. Ông vẫn thường phải đắn đo để chấp nhận một người mẫu khi vẽ tranh chân dung, để rồi buộc phải dùng chính khuôn mặt mình để thực hành hội họa. Có khoảng 25 bức chân dung tự họa được Van Gogh vẽ tại Paris giữa những năm 1886-1888, và ông cho rằng bức tự họa cuối cùng của thời kỳ đó, một năm trước khi ông tự vẫn, là “thứ gì đó hoàn toàn buồn bã và nhếch nhác…, tựa như gương mặt của cái chết”.
Bức tự họa cuối cùng này, có tên Tự họa Oslo được Van Gogh vẽ năm 1889, khi sống trong một viện điều dưỡng ở Saint-Rémy để điều trị chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm kéo dài. Giống như nhiều chân dung tự họa khác của ông, Van Gogh thể hiện ông trong trạng thái dè dặt và được nhìn từ một góc nhìn nghiêng, qua đó ông lặng lẽ quan sát người xem mà không nhìn thẳng vào họ. Trong một bức thư được ông viết vào thời điểm vẽ bức tự họa này, Van Gogh mô tả bức tranh như là “một nỗ lực để thoát khỏi bệnh tật”.
Rembrandt van Rijn, bức tự họa ở tuổi 63 (năm 1669)
Bậc thầy vĩ đại Rembrandt, người đã đạt được thành tựu cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại trong Kỷ nguyên Vàng của hội họa Hà Lan, đã vẽ hàng chục chân dung tự họa trong sự nghiệp nghệ thuật dài 40 năm. Các tác phẩm này cho phép hậu thế biết được cảm xúc sáng tác cũng như sự thuần thục về mặt kỹ thuật của ông.
Bức tự họa quan trọng đầu tiên có tên Rembrandt cười (1628) được vẽ với một bảng màu nhẹ và tiết chế, bằng những nét cọ gọn ghẽ. Còn bức tự họa gần như cuối cùng, được ông vẽ ở tuổi 63, cho thấy một họa sĩ hiểu biết tường tận về kỹ thuật hội họa – qua những đường nét đặc tả chân dung thật sống động – đồng thời quan tâm đến tác động của thời gian đối với tâm lý nhân vật. Ở bức tự họa này, Rembrandt buồn bã nhìn chằm chằm vào người xem tranh, dấu vết của thời gian in hằn rõ nét trong tranh.
Francisco Goya – Tự họa với bác sĩ Arrieta (1820)
Đây là một trong những tự họa cuối cùng của danh họa Tây Ban Nha Francisco Goya, người vẽ rất nhiều chân dung tự họa. Năm 1819, Goya thình lình bị bệnh nặng nhưng những năm trước đó ông cũng đã mắc bệnh tương tự với các triệu chứng chóng mặt, mê sảng, mất một phần thính giác cùng nhiều cơn đau khác. Việc chẩn đoán căn bệnh này từng là đề tài nghiên cứu của giới y học thời bấy giờ. Có nhiều người đi tìm câu trả lời nơi bác sĩ của Goya là ông Eugenio García Arrieta, một chuyên gia nổi tiếng về dịch bệnh ở Tây Ban Nha, đất nước thường phải chịu đựng nhiều trận dịch.
Với sự chữa trị của bác sĩ Arrieta, rõ ràng là Goya đã khỏi bệnh, từ đó nhà danh họa đã vẽ bức tự họa cùng với người thầy thuốc như một cách tôn vinh ông. Tác phẩm thể hiện Goya đang nằm trên giường bệnh trong tấm chăn đắp nửa người, yếu ớt trong vòng tay nâng đỡ của bác sĩ Arrieta. Hậu cảnh của bức tranh là những người chú mục vào bộ đôi bệnh nhân – thầy thuốc đang tỏa sáng trong một bảng màu rạng rỡ, tràn trề hi vọng.
Pierre Bonnard với Tự họa trong gương
Ngay cả khi Pierre Bonnard cận kề cái chết, các tác phẩm của nhà khai sáng trào lưu Nabis trong hội họa Pháp vẫn tràn ngập sắc màu tươi sáng, đầy sức hấp dẫn người xem. Dù vậy, với bảng màu bắt mắt nhưng bức chân dung tự họa vẽ năm 1930 của Bonnard không tránh né chủ đề cái chết.
Khác hẳn với các tự họa thời trẻ của ông, qua đó họa sĩ trông thật rạng rỡ và ánh mắt nhìn thẳng về phía trước, Bonnard của tuổi già được chính ông thể hiện với vẻ mặt u tối và sầu thảm. Đôi mắt người trong tranh tránh nhìn thẳng vào người xem, không có điểm nhìn cụ thể, đôi đồng tử như hai hố đen. Từ trong gương, một tay của Bonnard túm chặt lấy áo trông như thể ông bị án ngữ giữa người xem với bức tự họa này.
- Xem thêm: Frida Kahlo trên đường phố
Gãy cột trụ – tự họa năm 1944 của Frida Kahlo
Thời trẻ, nữ họa sĩ Mexico Frida Kahlo đã bị tai nạn xe hơi rất nặng khiến suốt đời bà chịu đựng nỗi đau đớn vì thương tật hành hạ. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi để bà tự nhận thức và tự thể hiện mình bằng các chân dung tự họa: “Tôi tự họa mình vì tôi luôn quá cô đơn và vì tôi biết rõ bản thân mình nhất”. Frida Kahlo đã phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật cột sống gần như suốt đời, và bà thường vẽ hình ảnh chính mình khi đang nằm hồi sức sau phẫu thuật.
Trong thời gian vẽ bức Gãy cột trụ, Frida Kahlo luôn phải mặc một bộ nịt ngực bằng kim loại nhằm hỗ trợ cho phần lưng của bà, và bà đã đưa nó vào tác phẩm. Bức tranh thể hiện tác giả đơn độc giữa khung cảnh hoang vắng, bộ nịt ngực kim loại có vai trò như một chất kết dính hai phần thân thể bị chia cắt. Dù nước mắt đang tuôn rơi, bà vẫn nhìn chăm chăm – luôn luôn là ánh mắt táo bạo như thế – vào người xem tranh. Thay cho cột sống là một cột trụ bị nứt gãy nhiều đoạn.
Tự họa. Giữa đồng hồ và giường ngủ của Edvard Munch
Edvard Munch không được coi là một người hạnh phúc. Họa sĩ người Na Uy từng viết: “Nỗi lo sợ cuộc sống với tôi thật cần thiết, như trạng thái bệnh tật hiện thời. Thiếu sự âu lo và bệnh tật, tôi như con tàu thiếu bánh lái… Sự chịu đựng là một phần của bản thân tôi và nghệ thuật của tôi”. Sự nghiệp hội họa của Edvard Munch sớm được biết đến thông qua những mô tả gây kinh ngạc của ông về nỗi đau và sự cách biệt với tha nhân, mà được biết đến nhiều nhất là tác phẩm Tiếng thét (1893).
Càng về cuối đời, Munch càng sống ẩn dật, trốn lánh vào nội tâm và trong 27 năm cuối của đời mình ông đã sống đơn độc trong ngôi nhà ở ngoại vi Oslo, nơi người ta tìm thấy hàng ngàn bức tranh của Munch sau ngày ông qua đời năm 1944. Trong số đó có bức Tự họa. Giữa đồng hồ và giường ngủ, được ông vẽ trong những năm 1940-1943, qua đó ông thể hiện mình đơn độc và khô cứng, với đôi mắt sâu hoắm, đối lập với màu sắc tươi tắn của giường ngủ và đồng hồ, với ông là các biểu tượng của sự bất tử. Phía sau ông là một khung cửa mở như chờ đợi bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng.
Tự họa Đối mặt cái chết của Pablo Picasso
Picasso đã vẽ đến những giờ phút cuối trước khi qua đời vào tháng 4.1973 ở tuổi 91 đại thọ. Những năm trước đó, người ta vẫn chứng kiến một Picasso đầy ắp sáng tạo. Trong số các kiệt tác cuối cùng của Picasso, có bức tự họa Đối mặt cái chết được vẽ bằng chì trên giấy chỉ hơn 7 tháng trước ngày ông ra đi mãi mãi. Theo Pierre Daix, một người bạn của Picasso, trong một lần ông đến thăm xưởng vẽ của nhà danh họa, Picasso đã “giữ bức tự họa bên cạnh khuôn mặt ông để cho thấy ông hoàn toàn có khả năng biểu đạt nỗi sợ hãi”.
Và rồi vài tháng sau khi Daix trở lại xưởng vẽ ấy, ông nhận thấy đã có thêm nhiều nét vẽ thô hơn trên bức tự họa. Daix đã viết như sau: “Picasso không lẩn tránh (cái chết). Bất chợt tôi có cảm giác rằng ông đang nhìn chằm chằm vào chính cái chết của ông lộ rõ trên nét mặt trong bức tự họa ấy, hệt như một người Tây Ban Nha chân chính”.
Bức tự họa Đối mặt cái chết sau khi được Picasso hoàn chỉnh gợi nhớ một cái mặt nạ của nỗi xao xuyến tinh khiết, ở đó đôi mắt mở rộng của chủ thể nhìn như xuyên thấu tâm hồn người xem, ít nhiều truyền đạt với họ sự chấp nhận của ông đối với cái chết sẽ phải đến.
Tự họa năm 2002 của Lucian Freud
“Tôi không muốn ngừng nghỉ, tôi muốn vẽ chính mình đến lúc chết”, họa sĩ người Anh Lucian Freud từng nói như thế. Mong ước đó hầu như được ông thực hiện. Lucian Freud đã vẽ đến tuần lễ cuối cùng của đời mình trước khi mất vào năm 2011.
Lừng danh với các tác phẩm hội họa biểu hình có bảng màu u ám, trong những năm cuối đời Freud lấy chính mình làm đề tài, mà gây tiếng vang nhất là cách ông khảo sát thời gian đã tác động thế nào đến chính cơ thể mình qua bức tranh khỏa thân suốt chiều dài có tên Họa sĩ đang vẽ, sự phản chiếu được sáng tác năm 1993. Còn trong bức tự họa năm 2002, sức nặng tâm lý của cái chết nhấn chìm ông. Freud như bị giằng xé, bất an với hình ảnh cái khăn quàng cổ. Những nhát cọ xám không kềm chế được càng đóng khung nỗi buồn chán, mệt mỏi của chân dung tự họa.