Bảo tàng Mỹ thuật Barnes Foundation ở Merion, bang Pennsylvania, có một bộ sưu tập lớn với 181 tác phẩm của họa sĩ Pierre-Auguste Renoir (1841-1919). Cũng ở đó có năm chiếc bình sứ màu xanh cobalt đặt bên dưới các bức tranh. Người chế tác các bình sứ đó chính là Jean Renoir (1894-1979) – con trai của nhà danh họa Pháp trào lưu Ấn tượng. Jean Renoir là một đạo diễn lớn của nền điện ảnh Pháp thế kỷ XX. Giữa những quan hệ về mặt nghệ thuật của hai cha con nhà Renoir còn có một bóng hồng và câu chuyện thật đặc biệt của bộ ba này đã được dựng thành một bộ phim, trình chiếu cách đây không lâu(*).
Trong cuốn tự truyện Đời tôi và những bộ phim của tôi (Ma vie et mes films) xuất bản năm 1974, Jean Renoir đã kể về cuộc đời của ông từ thuở còn là một cậu bé thường quẩn quanh bên người cha họa sĩ trong studio của ông ở khu Montemarte của Paris cho đến khi Jean thực hiện những bộ phim được coi là bất tử của điện ảnh Pháp. Tuy nhiên cuốn tự truyện không cho biết nhiều về một nhân vật nữ đã hiện diện trong các bức tranh cuối đời của cha ông.
Đó là Catherine Hessling (tên khai sinh là Andrée Madeleine Heuschling, 1900-1979), người mẫu cuối cùng và cũng là nàng thơ, nguồn cảm hứng của Pierre-Auguste Renoir để nhà danh họa vẽ nhiều tác phẩm. Vài tuần sau khi Pierre-Auguste Renoir qua đời vì già yếu và bệnh tật, nàng Andrée Heuschling trở thành vợ của Jean Renoir. Họ sống với nhau trong hơn mười năm, có chung một con trai. Andrée Heuschling cũng là nguồn cảm hứng trong nhiều bộ phim của chồng: kịch bản phim đầu tiên của Jean Renoir có tên Catherine, được ông viết năm 1924, đạo diễn là Albert Dieudonné, sau đó bà còn xuất hiện trong năm bộ phim của Jean Renoir trước khi chia tay với ông năm 1931.
Trong nhiều bức tranh được Pierre-Auguste Renoir vẽ những năm cuối cùng của một sự nghiệp hội họa lâu dài, nàng Hessling xinh đẹp và quyến rũ được thể hiện với mái tóc màu hung đỏ, làn da màu mật ngọt và cơ thể đẫy đà, căng mọng. Trong khi đó, Jean Renoir, người con thứ hai trong số ba con trai của Pierre-Auguste Renoir, có mặt trong khoảng 60 tác phẩm của nhà danh họa, được ông vẽ từ khi còn bé thơ đến tuổi thiếu niên. Thời trẻ, Jean có một khuôn mặt tròn trĩnh, hồng hào với những lọn tóc cũng màu hung đỏ như màu tóc nàng Andrée Heuschling. Chính cậu con trai cũng là một nguồn cảm hứng sáng tác của người cha họa sĩ.
Trong Thế chiến thứ I, Jean Renoir nhập ngũ, ra chiến trường và trở về với một chân bị thương tật. Chàng trai chống nạng thường ngồi cả ngày trong studio của cha ở khu dinh thự gia đình Les Collettes, gần thành phố Nice. Lúc đó lão họa sĩ đã phải ngồi xe lăn vì chứng viêm khớp hành hạ nhưng vẫn say sưa sáng tác. Jean chỉ im lặng, ngồi nghe cha kể chuyện quá khứ trong khi ông vẫn vẽ tranh, với cô người mẫu tóc hung đỏ. Em trai Jean là Coco theo lời cha mở một xưởng làm gốm sứ kế cận Les Collettes. Có lẽ cũng theo dẫn dắt của cha (Pierre-Auguste Renoir không chỉ vẽ tranh mà còn làm nhiều tác phẩm gốm mỹ thuật) nên Jean bắt đầu chế tác và trang trí đồ gốm vào khoảng những năm 1919-1923. Năm 1920, hai cha con từng có một triển lãm các đĩa, bình, chén bát gốm sứ với các màu chủ đạo là xanh cobalt, xanh mòng két và xanh lục.
Ngày đó, mỗi món đồ gốm sứ của Jean Renoir được bán với giá 100 franc Pháp, tương đương với 7 USD theo thời giá, nghĩa là chỉ khoảng 84 USD ngày nay. Trong kho của Bảo tàng Barnes Foundation còn có hơn 35 đồ gốm sứ do Jean Renoir thực hiện mà theo bà Margaret Little, chuyên gia của bảo tàng thì tất cả đều có giá trị nghệ thuật.
Dù cho thấy có năng lực trong lĩnh vực gốm sứ mỹ thuật, Jean Renoir đã chọn điện ảnh cho tương lai của mình. Trong tự truyện Đời tôi và những bộ phim của tôi, Jean Renoir cho biết ông trở thành đạo diễn phim chỉ để thực hiện các bộ phim với nàng Hessling đóng vai chính. Anh trai Jean là Pièrre Renoir cũng theo nghiệp điện ảnh, bắt đầu đóng phim từ năm 1911. Trong bộ phim Vòng xoáy của số phận (1925), đạo diễn Jean Renoir đã chọn Catherine Hessling và Pièrre Renoir vào các vai chính. Pièrre còn đóng trong nhiều phim của em trai và vào thập niên 1930, con trai Pièrre là Claude Renoir đã trở thành nhà quay phim của chú ruột, tham gia năm bộ phim của ông, đáng chú ý nhất là phim Dòng sông (1951), phim màu đầu tiên Jean Renoir làm đạo diễn.
Tự truyện của Jean Renoir cho thấy những ảnh hưởng của người cha họa sĩ đối với sự nghiệp điện ảnh của con trai, cũng như Jean thường “trích dẫn” tranh của cha trong nhiều bộ phim. Song có những sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa tác phẩm của họ. Chẳng hạn giữa bức tranh Đánh đu (La balançoire – 1876) của người cha với một cảnh trong bộ phim Ngày nghỉ trên cánh đồng (Partie de champagne – 1936) thật giống nhau. Nhiều mô-típ nghệ thuật được hai cha con cùng chia sẻ. Nói cách khác, xem một bức tranh của Renoir-cha là nắm bắt được ánh sáng, màu sắc và hình thái con người trong thiên nhiên; còn xem một bộ phim của Renoir-con là bị cuốn hút vào bản chất tự nhiên của bi kịch con người. Và, rất quan trọng là giữa họ còn có chung một nàng thơ cho nhiều tác phẩm.
Những mối quan hệ cha – con Renoir trong cuộc đời và trong tác phẩm được giải mã trong một triển lãm lớn có tên gọi “Renoir: Cha và con/ Hội họa và điện ảnh”, tổ chức tại Bảo tàng Barnes Foundation từ 6-5 đến 3-9-2018.
(*) Phim Renoir (2012) do đạo diễn Gilles Bourdos thực hiện, với các diễn viên Michel Bouquet (vai Pierre-Auguste Renoir), Thomas Doret (Catherine Hessling), Vincent Rottiers (Jean Renoir); đã đoạt giải Un certain regard (Một góc nhìn đặc biệt) tại Liên hoan phim Cannes 2012, đoạt giải thưởng César về trang phục và vào chung kết phim nước ngoài hay nhất của giải Oscar lần thứ 86. Phim được ca ngợi và thành công về doanh thu cả ở Pháp và nước ngoài