Thường thức y khoa khẳng định rằng trung bình mỗi lần làm “chuyện ấy”, đàn ông xuất khoảng 250 triệu tinh trùng. Ngay khi vừa “hạ cánh”, toàn bộ chúng lập tức lao vào cuộc đua “bơi nước rút” để đến vị trí của trứng.
Chỉ tinh trùng nhanh nhất thành công chạm đích mới được kết hợp với trứng để phát triển thành phôi. Về thực chất, cuộc đua của tinh trùng không gấp gáp như thế, mà thong thả giống bơi đua “vượt chướng ngại vật”. Tinh trùng chiến thắng là con sống sót, thoát khỏi mê cung bộ phận sinh dục nữ đầy cạm bẫy. Nó còn có thể phải mất cả 10 ngày hoặc hơn mới tới được vị trí của “mục tiêu”.
Sự lãng phí khủng khiếp
Bắt đầu từ khi bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng của phụ nữ sẽ khởi động khoảng 300.000 tế bào trứng sơ cấp. Tất cả đều có khả năng phát triển thành trứng và rụng, chờ được thụ tinh. Tuy nhiên trong suốt cả đời của một phụ nữ, chỉ có chừng 400/300.000 tế bào trứng được chuyển đổi thành trứng. Toàn bộ khoảng 299.600 còn lại (rơi vào là khoảng 99,87%) vẫn mãi chỉ là tế bào trứng. Không ít người đã cho rằng như thế là quá lãng phí. Nhưng nếu đem so sánh với sự “chuẩn bị” từ cánh đàn ông thì con số 0,13% này vẫn to tát chán.
- Xem thêm: Chất đường, thủ phạm làm yếu tinh trùng
Ước tính trung bình trong cuộc đời, một đàn ông sản xuất ra trên 2000 tỷ tinh trùng. Cho dù là tìm kiếm thông tin ở đâu, trên báo chí hay báo cáo khoa học, bạn cũng sẽ thấy bước khởi đầu của quá trình sinh sản ở con người được mô tả như một cuộc đua bơi tốc độ của tinh trùng, hướng về vị trí trứng rụng. Trung bình mỗi lần làm “chuyện ấy”, bộ phận sinh dục nam xuất khoảng 250 triệu tinh trùng. Chỉ 1 tinh trùng khỏe mạnh nhất là thành công khi chinh phục “đường đua”, tức là chiếm có 0,00000004%.
Lần đầu tiên tinh trùng được quan sát thấy nhờ kính hiển vi là vào năm 1677 bởi nhà nghiên cứu nghiệp dư Antonie van Leeuwenhoek của Hà Lan. Nhưng điều khôi hài là ở chỗ Leeuwenhoek lại cứ ngỡ cái mớ ngo ngoe ấy là ký sinh trùng sống trong tinh dịch. Phải mất cả 2 thế kỷ nữa, nhân loại mới biết đó là tinh trùng, cái không thể thiếu đối với quá trình sinh sản, duy trì nòi giống. Người đầu tiên có công chứng minh được vai trò của tinh trùng là nhà động vật học Oscar Hertwig của Đức. Vào năm 1876, ông thành công khi quan sát được sự hợp nhất giữa tinh trùng và trứng của nhím biển.
Con người không cạnh tranh tinh trùng
Từ trước đến nay, mọi người vẫn luôn tin rằng sức mạnh về “quân số” của tinh trùng quyết định thành bại của “sự hợp nhất”. Tinh trùng càng đông đảo, khỏe mạnh thì khả năng thụ tinh càng lớn. Khảo sát thực tế cũng cho thấy khi đàn ông chỉ có thể xuất dưới 100 triệu tinh trùng/lần, tỷ lệ mang thai của phụ nữ có xu hướng giảm.
Quan sát trong thế giới tự nhiên chỉ ra có một sự cạnh tranh gay gắt về tinh trùng, đặc biệt là ở loài tinh tinh, họ hàng gần nhất của con người. Trong một đàn tinh tinh luôn có vài con đực trưởng thành. Những con đực này không bao giờ chung tình mà “trăng hoa” với toàn bộ con cái. Ngược lại, các con cái cũng chẳng thủy chung với một chàng. Chúng chấp nhận giao phối với nhiều con đực. Rất dễ để nhận thấy “anh chàng” nào được “yêu” hơn cả. Đó là con có “của quý” ấn tượng nhất. Tinh hoàn lớn là biểu hiện của cơ quan sinh dục khỏe mạnh, giàu tinh trùng và tinh trùng to khỏe. Giống như chơi xổ số, càng mua nhiều vé thì khả năng trúng càng cao, các con tinh tinh cái chọn đặt cược vào con đực có tinh hoàn “khủng” nhất.
Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng chuyện càng nhiều tinh trùng thì càng “chắc ăn” này cũng tương ứng ở người. Tuy nhiên không có bằng chứng sinh học thuyết phục nào chỉ ra giữa những người đàn ông với nhau cũng có cạnh tranh tinh trùng. Trong “một nửa của thế giới” có không ít những chàng Sở Khanh, nhưng điều này chẳng liên quan gì đến chuyện tinh hoàn lớn hay nhỏ, tinh trùng nhiều hay ít. Thêm vào đó, ngay cả trong thế giới linh trưởng, phần lớn cũng theo kiểu đa thê, mỗi nhóm đơn chỉ có một con đực, chứ không phải là “quần hôn” như nhà tinh tinh.
Nếu đem so sánh thì tinh hoàn của người có kích thước tương đương với một quả óc chó, chỉ bằng khoảng 1/3 tinh hoàn của loài tinh tinh. Không như tinh dịch của tinh tinh gần như đặc n tinh trùng, tinh dịch của người còn pha lẫn các “tạp chất” khác. Thêm vào đó, “sản lượng” xuất tinh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố cảm xúc, chứ không phải mỗi lần đều y hệt nhau.
Bơi đua “vượt chướng ngại vật”
Mặc dù không có sự tranh đua tinh trùng giữa các cá thể đàn ông với nhau, song mật độ tinh trùng trong tinh dịch của người vẫn là rất lớn, từ 20-250 triệu/ml. Lý do có lẽ là vì nguyên nhân di truyền. Theo nhà sinh vật học Jack Cohen (Anh) thì có sự liên quan giữa số lượng tinh trùng và các bản sao nhiễm sắc thể. Như chúng ta đều biết, giới tính của con người được xác định bởi 2 nhiễm sắc thể X và Y. Nữ giới mang nhiễm sắc thể XX, còn nam giới mang nhiễm sắc thể XY. Trong quá trình phân bào chuẩn bị cho sự sinh sản, nhiễm sắc thể cha (XY) phân đôi (X và Y), sẵn sàng cho việc trao đổi kép. Qua quan sát và phân tích nhiều loài, Cohen phát hiện số lượng tinh trùng tỷ lệ thuận với khả năng trao đổi chéo. Chúng càng đông đảo bao nhiêu thì càng đảm bảo đủ “nguyên liệu” cho chọn lọc tự nhiên bấy nhiêu.
Nghiên cứu quá trình sinh sản ở động vật có vú cho thấy, tinh trùng không phải quá vất vả trong việc tìm đến trứng. Chúng được ống dẫn trứng và tử cung co bóp hỗ trợ, đẩy đi, giúp dễ bề di chuyển. Động vật có vú càng lớn thì tinh trùng càng ngắn. Nếu so sánh với tương quan cơ thể thì tinh trùng của chuột dài hơn tinh trùng cá voi. Đặc trưng này có lẽ là để thích nghi với “quãng đường” đến đích. Kích thước ngắn giúp chúng ít tốn sức hơn, gia tăng khả năng chạm tới mục tiêu.
Con người thực chất cũng là một động vật có vú. Chúng ta vẫn quen với thường thức toàn bộ tinh trùng phải cắm đầu vào cuộc đua như thi bơi Olympic nước rút, song thực tế có phần ngược lại. Nếu phải so sánh thì nó giống như đua bơi vượt chướng ngại vật trong “mê cung” hệ thống sinh dục nữ nhiều hơn.
Chính xác thì ngay từ khi vừa được giải phóng vào âm đạo, tinh trùng đã phải đối mặt với môi trường axit thù địch. Để không bị ăn mòn đến “chết mất xác”, chúng cần nhanh chóng phóng vào cổ tử cung. Rất nhiều tinh trùng đã thất bại ở “cửa ải” đầu tiên này. Song chỉ cần vào được cổ tử cung, chúng có thể tạm nghỉ ngơi trong những “hang hốc” trên thành cổ tử cung chứa đầy chất nhầy. Một hốc có thể giữ được khoảng 200.000 tinh trùng. Trước đây, người ta cứ tưởng tinh trùng chỉ sống được tối đa là 2 ngày trong đường sinh dục của phụ nữ. Kỳ thực thì chúng sống được cả từ 10 ngày trở lên. Chỉ trong vòng 2 giờ, chúng đã chia nhau đóng chiếm toàn bộ chiều dài cổ tử cung.
Từ cổ tử cung, tinh trùng cần phải “kinh qua” một đoạn ống chật hẹp nữa để vào được lòng dạ con, sau đó tiếp tục bơi lên ống dẫn trứng. Trong số trung bình 250 triệu tinh trùng/lần xuất tinh, có vài trăm con là thành công tới được vị trí cao nhất này. Chướng ngại vật cuối cùng trong “mê cung” là bề mặt ống dẫn trứng. Nó “tóm” dính đám tinh trùng, dán chặt vào thành ống, chỉ để con khỏe nhất thoát ra và “về đích”.
Càng nhiều… càng tệ
Không ít nhà nghiên cứu vẫn tin rằng, càng nhiều tinh trùng tham gia vào “đường đua” thì càng đảm bảo khả năng thụ tinh thành công. Tuy nhiên, sự đông đảo này lại dễ dẫn đến hiện tượng nhiều hơn 1 tinh trùng tiếp cận với trứng và đem đến hệ quả thảm khốc: Polyspermy (đa tinh trùng kết hợp 1 trứng).
Trường hợp hay xảy ra nhất là 2 tinh trùng thành công chui vào 1 trứng. Bình thường, sự kết hợp giữa 1 trứng và 1 tinh trùng sẽ tạo nên nhiễm sắc thể giới tính bao gồm 46 cặp. Sự dư thừa của 1 tinh trùng khiến số cặp nhiễm sắc thể của tế bào phôi tăng lên thành 69 cặp, dẫn đến hiện tượng sẩy thai hoặc qua đời ngay sau khi sinh. Tương tự với các trường hợp trên 2 tinh trùng vào 1 trứng.
Để tránh bị Polyspermy khi thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm trực tiếp tinh trùng vào tử cung, người ta giới hạn một lượng tinh trùng khoảng 20 triệu con, tức là còn ít hơn 1/10 số tinh trùng trung bình trong một lần xuất tinh. Riêng đối với thụ tinh trong ống nghiệm, số tinh trùng còn phải thấp hơn nữa, chỉ chừng 25.000 con. Ngay cả với thụ tinh tự nhiên, dù đàn ông xuất dưới 100 triệu tinh trùng/lần có nguy cơ khiến tỷ lệ mang thai của phụ nữ giảm, nhưng nếu là trên 100 triệu tinh trùng/lần thì vừa đủ, không cần thiết phải đến 200 triệu chứ đừng nói là trên cả 250 triệu.
Quay trở lại với loài tinh tinh ưa “lang chạ”, các nhà nghiên cứu phát hiện chiều dài của ống dẫn trứng ở con cái dài hơn tỉ lệ bình thường. Người ta cho rằng đặc trưng này là để đối phó với “sản lượng” tinh trùng “khủng”, hạn chế khả năng tiếp cận trứng của chúng. Có vẻ như dù là ở động vật ưa “chọn chồng” theo tiêu chí “sinh sản” thì nhiều tinh trùng quá vẫn là không tốt.