Khảo cổ học đôi khi được các nhà sử học xem là một tấm poster của lịch sử. Những khám phá của nó thường đánh cắp ánh đèn huy hoàng của sân khấu, thu hút sự chú ý của cộng đồng mà không có sách giáo khoa nào có thể làm được.
Một phát hiện khảo cổ học, giống như việc phát hiện thi thể của vua Richard III bên dưới một bãi đậu xe tại Leicester năm 2014, có thể khiến cả một thế hệ học giả trở nên lỗi thời chỉ trong một giây. Một số phát hiện này kỳ lạ đến nỗi chúng có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về lịch sử.
Cục phân hóa thạch tại ngân hàng Lloyds
Cục phân hóa thạch, một trong những khám phá kỳ lạ nhất của thời Viking không giống như bất cứ phát hiện nào khác từ thời điểm đó bởi vì nó là việc… đại tiện của người Viking.
Thật không thể không cảm thông cho người tội nghiệp nào đã cố gắng “thải” ra thứ này. Với chiều dài khổng lồ 19,5cm, nó là một cục phân người lớn nhất từng được phát hiện. Nó cũng được bao gói nhiều đến nỗi đã hóa thạch thay vì thối rữa như phân bình thường.
Các phát hiện như thế này là cực kỳ hiếm, nhưng mặt đất ẩm ướt của vùng Jorvik đã giữ được nó. Giờ đây, chúng ta có thể nhìn chằm chằm vào nó và nhăn mặt cảm thông đối với người đã tạo ra nó, không chỉ bởi vì nó chứa hàng trăm quả trứng thuộc về loài giun đũa, một loại giun sống ký sinh trong ruột già.
Bên cạnh sự hài hước, phát hiện này là vô cùng quan trọng bởi vì nó cho chúng ta cái nhìn chi tiết về chế độ ăn uống của người Viking, một chủ đề gần như không thể tìm thấy bằng chứng cụ thể. Từ cục phân này, chúng ta có thể thấy rằng bất cứ ai tạo ra nó đều sống bằng chế độ ăn uống, phần lớn được tạo thành từ các hạt phấn hoa và ngũ cốc mà họ sẽ ăn dưới dạng bánh mì và cháo. Cục phân hóa thạch này hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Viking Jorvik, một nhà bảo tàng ở York, Vương quốc Anh.
Chiếc khiên làm từ vỏ cây
Vào năm 2015, các nhà khảo cổ học làm việc tại Leicestershire, Vương quốc Anh, đã có một khám phá độc đáo trong lịch sử châu Âu: một chiếc khiên thời đồ sắt, được làm từ vỏ cây.
Chiếc khiên, được tạo ra vào khoảng năm 395 – 255 trước Công nguyên, đã làm đảo lộn thế giới khảo cổ. Trước khi có phát hiện này, người ta cho rằng khiên vỏ cây sẽ không đủ mạnh để sử dụng trong chiến đấu, và chiếc khiên đã bị hư hỏng nặng khi nó bị vứt bỏ trong một cái hố cho gia súc uống nước.
Kể từ khi phát hiện, các nhà khảo cổ thực nghiệm đã cố gắng tái tạo nó. Họ phát hiện ra rằng những chiếc khiên như vậy có thể mạnh mẽ đến mức kinh ngạc, thậm chí còn cản được tên và vũ khí tấn công, trong khi nó nhẹ hơn nhiều so với khiên gỗ hoặc kim loại. Mặt khác, nó có hình dạng và thiết kế tương tự như các chiếc khiên kim loại được phát hiện cùng thời kỳ. Chiếc khiên vỏ cây dường như đã được sơn bằng hoa văn ca rô đỏ và trắng.
Trước khi có phát hiện này, người ta đã giả định rằng các chiếc khiên vỏ cây, nếu chúng tồn tại, sẽ chủ yếu phục vụ như các vật hiến tế vì quá yếu để được sử dụng trong chiến tranh. Các nhà khảo cổ giờ đây tin rằng chúng có thể được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là các chiến binh nghèo hơn. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ không tìm thấy nhiều chiếc khiên khác vì đại đa số đã mục nát và hiện đã mất.
Tượng Phật ở Thụy Điển
Ngày nay, người ta biết rằng người Viking là những thương nhân sung mãn, duy trì các điểm giao thương từ Ireland đến Nga và thậm chí đã đi tới các thị trường ở Baghdad và Ai Cập. Tuy nhiên, không gì có thể định nghĩa tinh thần dám nghĩ dám làm của người Viking tốt hơn là một loạt các phát hiện gần đây trên đảo Helgo ở Thụy Điển.
Helgo là một điểm giao dịch của người Viking nhộn nhịp nhất vào thời Trung cổ, và vào thời điểm đó, các vật thể từ khắp nơi trên thế giới đã dừng chân tại đó. Trong số những phát hiện có một pho tượng Phật, gậy phép của một giám mục Ireland và một cái muôi có nguồn gốc từ Bắc Phi.
Người ta cho rằng cái muôi và gậy phép của giám mục đã bị lấy trong các cuộc đột kích vì người Viking thường đi cướp bóc ở Ireland và Ai Cập, nhưng bức tượng Phật hẳn là được trao đổi. Được chế tác tại Kashmir, Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 6, bức tượng có thể được mua ở đâu đó dọc theo tuyến thương mại giữa Trung Đông và Nga, nơi những người Viking phiêu lưu thường tìm đến để buôn bán, đột kích hoặc thậm chí tham gia lực lượng bảo vệ Varangian ở Constantinople. Bức tượng kỳ lạ này có khả năng được mang về Helgo và bán cho một người dân địa phương.
- Xem thêm: Sống lại những nền văn hóa cổ
Phát hiện này đã xác lập một sự thật mà các nhà sử học đã nghi ngờ từ lâu: các tuyến thương mại Viking trải xa hơn nhiều so với những gì người ta biết. Trong khi họ có thể đã không đi du lịch khắp các thị trường ở Ấn Độ, họ thường giao dịch với người Ả Rập và những người Ả Rập này sau đó sẽ giao dịch với các thương nhân Ấn Độ.
Thuốc lá Ai Cập cổ đại
Một trong những khám phá khảo cổ kỳ lạ nhất trong vài thập niên qua đã xảy ra ở Munich (Đức) vào năm 1992. Tiến sĩ Svetla Balabanova đang thực hiện một thử nghiệm hóa học trên một số xác ướp Ai Cập cổ đại từng thuộc sở hữu của vua Bavaria. Trước sự ngạc nhiên của cô, cô phát hiện ra dấu vết của nicotine và cocaine trên chúng. Vào thời cổ đại, cả hai loại thuốc này chỉ có thể được tìm thấy ở châu Mỹ.
Kể từ đó, nhiều giả thuyết đã xuất hiện để cố giải thích làm thế nào những dấu vết này lại xuất hiện ở đó. Điều đáng tin nhất là tổ tiên của các cây thuốc này tồn tại ở Á-Âu vào thời đó, nhưng đã tuyệt chủng trước thời hiện đại giống như loại thuốc Silphium của La Mã cổ đại.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã cho rằng, về mặt lý thuyết, người Ai Cập cổ đại có khả năng đã đến châu Mỹ. Các phát hiện khảo cổ và các mô tả từ thời cổ từ chuyến đi của Hatshepsut đến vùng đất của “Punt” đã tiết lộ một cơ sở hạ tầng hải quân bao gồm bến cảng, vật liệu xây dựng và xác của những con tàu đi biển lâu đời nhất từng được phát hiện.
Mô tả về các tàu Ai Cập thời ấy cho thấy chúng dài hơn 21m, chở hơn 200 thủy thủ cùng với hàng hóa chỉ có thể được tìm thấy dọc theo bờ biển châu Phi. Điều này cho thấy năng lực của Ai Cập cổ đại với thương mại đường dài.
Ngoài ra, còn có thêm một manh mối mơ hồ. Năm 1909, tờ công báo Arizona tuyên bố rằng có hai nhà thám hiểm do Viện Smithsonian tài trợ đã phát hiện ra các hang động ở Mỹ có chứa các cổ vật theo phong cách Ai Cập. Tuy nhiên, hiện nay không có bằng chứng nào về sự tồn tại này và Smithsonian không có hồ sơ về một khám phá như vậy từng được báo cáo bởi bất kỳ nhà thám hiểm nào của họ. Cho đến nay, khám phá khảo cổ của tiến sĩ Svetla Balabanova vẫn còn là một bí ẩn.
Những tảng đá Govan
Những tảng đá Govan là di tích kỳ lạ nhất còn sót lại của nước Anh thời Trung cổ. Phục vụ như một quan tài đá cho các nhân vật quan trọng như hoàng gia hoặc quý tộc giàu có, chúng chỉ tồn tại ở những nơi có cả văn hóa Na Uy và bản địa Anh. Chúng được tìm thấy ở Cumbria, miền Trung Scotland và một phần của Yorkshire.
Với nghệ thuật và trang trí là sự pha trộn của phong cách Celtic và Na Uy, chúng dường như đã được sử dụng để làm nổi bật tầm quan trọng của giới thượng lưu. Chúng có thể đã được sử dụng bởi các triều đại Na Uy để củng cố quyền lực của họ và liên kết quyền lực của họ với các vị vua Celtic trước họ, một nỗ lực nhằm xoa dịu các đối tượng mới bị chinh phục của họ.
Những tảng đá Govan là một nhóm gồm 31 quan tài đá được xây dựng ở Strathclyde vào khoảng năm 870. Chúng được xây dựng để tôn vinh những người cai trị Strathclyde trong thời kỳ các nhà lãnh đạo Celtic và Na Uy đang tranh giành quyền kiểm soát vương quốc.
Ban đầu, có 46 quan tài đá. Nhưng khi những quan tài đá cuối cùng được công nhận là có tầm quan trọng khảo cổ vào thế kỷ 19, chỉ có 31 viên đá được di chuyển bên trong nhà thờ giáo xứ cũ Govan. Phần còn lại được dựng vào tường nhà thờ.
Vào năm 1973, xưởng đóng tàu Harland và Wolff gần đó đã bị phá hủy cùng với một phần của khu nhà thờ. 15 viên đá được coi là bị mất, có thể đã bị phá hủy sau khi bị nhầm lẫn với các mảnh vỡ.
Tuy nhiên, vào năm 2019, 3 trong số những viên đá đã được tái phát hiện trong sân nhà thờ bởi một tình nguyện viên 14 tuổi đang tham gia vào cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên của mình. Quỹ tín thác di sản Govan hiện đang mở rộng hoạt động đào bới trong nỗ lực tìm kiếm phần còn lại của những viên đá bị mất.
Những tảng đá khắc chữ ở Gelt
Đầu những năm 200, một số binh lính La Mã đang làm việc tại một mỏ đá ở Cumbria thu thập đá để xây dựng bức tường Hadrian (bức tường do hoàng đế La Mã Hadrian cho xây dựng. Công trình này có chiều dài lên tới 120km, rộng 3m và cao khoảng 4,5m). Trong khi ở đó, họ quyết định khắc một số thông điệp vào đá.
Các bản khắc được chính thức phát hiện vào những năm 1500 bởi William Camden, một trong những nhà sử học hiện đại đầu tiên, và người bạn của ông tên Julius Cotton. Sau đó, khu vực này, được biết đến với cái tên Đá viết của Gelt, đã được ghi nhận nhiều lần trong những năm 1700 và 1800. Nhưng các chữ viết không bao giờ được ghi lại đúng. Kể từ đó, sự xói mòn đã phá hủy một số thông điệp, khiến một số không thể đọc được.
Khu vực này có thể dễ dàng truy cập bởi công chúng cho đến khi con đường bị sụp đổ vào những năm 1980. Bây giờ mỏ đá là tất cả nhưng không thể đến được. Gần đây, địa điểm này đã được các nhà khảo cổ từ Đại học Newcastle đến khảo sát; họ phải leo xuống 9m để đến được nó.
Lo sợ rằng họ sẽ mất địa điểm này khi nó bị xói mòn hoàn toàn, các nhà khảo cổ đã tạo ra các mô hình 3 chiều để các nhà sử học trong tương lai có thể nghiên cứu về nó. Các mô hình có thể được tìm thấy tại Sketchfab.
Trong số những thứ khác, những người lính viết tên của họ và của những sĩ quan. Một người nào đó thậm chí còn khắc một bức tranh biếm họa nhỏ về một trong những chỉ huy của họ. Họ cũng khắc một dương vật. Chuyện này cũng bình thường thôi.
Đền thờ Orkney
Từ kỷ nguyên Pictish (Pictish là một tử ngữ từng được người Picts sử dụng; họ sống ở phía Đông và Bắc Scotland từ cuối thời đồ sắt đến đầu thời trung cổ) trở đi, quần đảo Orkney đã trở nên thưa thớt dân cư. Tuy nhiên, trong thời đại Đồ sắt trước đó, Orkney là một khu định cư tiên tiến nhất ở Anh. Nhiều bí ẩn của nó tiếp tục làm đau đầu các nhà khảo cổ.
Theo tiêu chuẩn của thời đại Đồ sắt, cấu trúc ngôi đền này là khổng lồ có chiều dài 25m và rộng 20m. Các bức tường rất lớn, dày hơn 5m. Ngày nay chúng vẫn còn cao hơn 1m. Mặc dù kích thước tòa nhà to lớn, nhưng phòng bên trong chỉ rộng 6m. Điều này là do có một bức tường dày khác chiếm phần lớn không gian bên trong. Gian chính bị chi phối bởi một hố lửa lớn ở trung tâm và được trang trí bằng những mảnh đồ nội thất giống như tủ quần áo lớn, mục đích không rõ để làm gì.
Mái nhà được cho là phần ấn tượng nhất của cấu trúc này. Nó được tạo thành từ những viên ngói bằng đá để tạo thành những hình vuông hoàn hảo. Không gian giữa các bức tường bên trong và bên ngoài đã được lát cẩn thận và có thể đã được lợp, tạo ra một hành lang bên trong vòng quanh gian phòng.
Tòa nhà khác thường đã khiến nhiều người suy đoán rằng địa điểm này là một loại đền thờ, nhưng mục đích thực sự của nó vẫn chưa được biết. Sự hiện diện của những tảng đá được sơn, nằm rải rác ngẫu nhiên trên các tầng của hai trong số các tòa nhà của khu vực, chỉ làm tăng thêm sự bí ẩn. Giả thuyết phổ biến nhất là họ có một số ý nghĩa tôn giáo. Một trong những tảng đá được khắc hình ảnh mặt trời.
Một điều chắc chắn là mặc dù bị giấu kín trên một hòn đảo ở góc Đông Bắc xa xôi của quần đảo Anh, đây là một trong những địa điểm ấn tượng và tiên tiến nhất của thời đại đồ sắt Anh.
Ngôi mộ của vua Philip The Arab
Câu chuyện về một ngôi mộ thời La Mã được khai quật vào năm 2018 càng trở nên kỳ lạ khi bạn tìm hiểu về nó. Cảnh quan của Bulgaria hiện đại bị chi phối bởi các ụ chôn cất, một số cao như những ngọn đồi và có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa. Thời gian gần đây, những di tích này đã bị xâm phạm bởi những kẻ săn tìm kho báu; chúng lấy đi những đồ tùy táng bên trong, sau đó đem bán trên thị trường chợ đen – một ngành kinh doanh trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Do đó, các nhà khảo cổ ở Bulgaria đã tăng cường nỗ lực khai quật và bảo vệ các địa điểm cũ, di dời các vật khảo cổ có giá trị đã tìm được và đưa chúng đến bảo tàng, nơi chúng có thể được bảo tồn. Khi một đội bắt đầu khai quật Maltepe Mound, gò chôn cất lớn nhất ở Bulgaria, họ đã tìm thấy một thứ có giá trị hơn nhiều: một lăng mộ khổng lồ có từ thời La Mã. Nhóm nghiên cứu hiện đang khai quật gần như toàn bộ khu vực phía Nam.
Họ tin rằng mình đã phát hiện ra ngôi mộ của một hoàng đế La Mã, Philip the Arab. Họ dự định khai quật toàn bộ cấu trúc, một quá trình sẽ cần sự tài trợ của chính phủ. Do cấu trúc đã bị suy yếu theo thời gian, nó sẽ cần gia cố để tự đứng vững.
Khi khai quật nó, một số thành viên trong nhóm đã phấn khích trước viễn cảnh sẽ tìm thấy kho báu từ thời La Mã. Hy vọng của họ đã tan vỡ khi phát hiện ra phần còn lại của một đường hầm dài 40 mét do thợ săn kho báu đào dưới góc Đông Nam của tòa tháp.
Các người phụ trách cho biết họ hy vọng sẽ tìm thấy những thứ như tàn thuốc và pin bên trong các đường hầm như vậy. Tuy nhiên, trong đường hầm này, họ đã phát hiện ra phân động vật và tiền xu từ triều đại của vua Suleiman the Magnificent.
Những thợ săn kho báu đã đào đường hầm này vào những năm 1500. May mắn thay, những người này dường như đã thất bại trong việc cướp ngôi mộ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tiền xu và đồ gốm có niên đại từ những năm 200, nhưng chắc chắn đó là một phát hiện bất thường.
Loại keo dán của người Neanderthal
Trong một thời gian dài, người ta tin rằng người Neanderthal không thông minh hoặc tiến bộ như người Homo Sapiens, nhưng những khám phá gần đây đã chứng minh ngược lại. Vào tháng 6 năm 2019, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra bằng chứng người Neanderthal sử dụng một loại keo nguyên thủy trên các công cụ của họ. Phát hiện này nằm trong khoảng từ 55.000 đến 40.000 năm tuổi, khiến cho nó trở thành ví dụ lâu đời nhất về chất kết dính được sử dụng để lắp ráp các công cụ của con người.
Chất kết dính dường như được làm chủ yếu từ nhựa thông, nhưng đôi khi nó cũng chứa sáp ong. Nhựa được nấu ở nhiệt độ cao như là một phần của quá trình tạo ra một loại keo hữu cơ được sử dụng để phủ lên một vết khía chữ “V” trong một cán gỗ. Một lưỡi dao đá sau đó được gắn vào rãnh và keo giữ nó nằm yên tại chỗ.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta tìm thấy nó, và nó giúp củng cố niềm tin rằng thực tiễn đã lan rộng trong những người đầu tiên này. Điều đó cũng có nghĩa là bây giờ có nhiều bằng chứng cho thấy người Neanderthal có thể tạo ra các đám cháy khi họ cần chúng, một chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trong những năm qua.
Nhà tối cổ
Trong khảo cổ học kiến trúc, có một khái niệm gọi là “ngưỡng địa phương”, đó là thời đại lâu đời nhất mà nhà ở của một người bình thường có thể tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi các tòa nhà như lâu đài và tượng đài đã tồn tại hàng ngàn năm, nhà của người bình thường thì thường được làm bằng vật liệu dễ hỏng hơn và hiếm khi tồn tại đến thời hiện đại.
Trong nhiều năm, ngưỡng địa phương ở Anh được coi là nằm ở đâu đó vào cuối những năm 1600. Người ta tin rằng hầu hết các ngôi nhà được xây dựng trước năm 1660 không thể tồn tại đến thời hiện đại bởi vì chúng sẽ phải chịu quá nhiều hao mòn.
Một nghiên cứu toàn diện đã thổi bay giả định đó. Dự án tập trung vào khảo sát 86 trong số 3.000 ngôi nhà nông dân phổ biến ở miền Tây nước Anh và Xứ Wales. Họ phát hiện ra rằng gần như tất cả chúng đều được xây dựng trong một thời kỳ được gọi là “tái thiết vĩ đại”, những năm từ 1260 đến 1550, khiến chúng già hơn ít nhất 100 năm so với suy nghĩ trước đây.
Trái với những gì trước đây người ta tin, ngay cả nhà của nông dân bình thường ở nông thôn cũng được xây dựng để trường tồn. Một số ngôi nhà đã được xây dựng bằng gỗ của hơn 100 cây, cho thấy mức độ trồng cây gần như công nghiệp ngay từ những năm 1300 khi bệnh dịch hạch tàn phá châu Âu. Nhiều trong số những ngôi nhà này nằm ở Midlands, một khu vực nổi tiếng với một số khu rừng cổ bao gồm Cannock Chase và Sherwood Forest.