Mỗi buổi sáng, khi thức dậy và chuẩn bị đi làm, trong trạng thái tinh thần hưng phấn, hầu như ai cũng muốn cống hiến mọi năng lực của mình cho việc hiện thực hóa các mục tiêu mà họ đang đặt niềm tin.
Chẳng hạn, người làm việc trong quán ăn nghĩ mình sẽ góp phần vào việc đổi mới cách ăn uống của mọi người, hay nhân viên của hãng thiết kế thời trang tin rằng sẽ góp phần tạo ra các mẫu thiết kế mới mẻ, không chỉ đẹp, mà còn thân thiện với môi trường… Cũng từ đó, có thể thấy sứ mệnh của doanh nghiệp tác động lên cảm hứng làm việc của nhân viên mạnh mẽ như thế nào. Đó là nội dung được tác giả Haley Rushing đề cập trong bài báo Give Employees a Sense of Purpose” (tạm dịch: Trao cho nhân viên cảm nhận về sứ mệnh của doanh nghiệp, in trong tạp chí SHRM, năm 2010).
Rushing cũng cho rằng nhiều nhà quản trị đã bỏ qua sức mạnh của sứ mệnh doanh nghiệp khi nghĩ nếu cứ thường xuyên nhấn mạnh vào yếu tố này thì các mục tiêu quan trọng khác mà đội ngũ nhân viên cần tập trung thực hiện sẽ bị lu mờ. Họ không nhận thức được rằng hiệu suất làm việc của một tập thể người lao động luôn đồng hành với sứ mệnh của doanh nghiệp.
- Xem thêm: Cân bằng giữa chiến lược và sứ mệnh
Trên thực tế, khi một doanh nghiệp đạt được sứ mệnh mà đội ngũ nhân viên luôn đặt niềm tin vào đó thì mọi người đều có thêm cảm hứng làm việc. Tác giả đã chứng minh quan điểm trên bằng một ví dụ do mình ghi nhận được. Đó là lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm từng khẳng định: “Việc tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp có thể gây hào hứng cho các nhà đầu tư, nhưng tôi bảo đảm với bạn là hầu hết nhân viên không thấy hào hứng gì với điều đó. Các nhân viên có thể sẽ rất hào hứng khi doanh nghiệp hướng tới một sứ mệnh mang những ý nghĩa quan trọng”.
Theo Haley Rushing, sứ mệnh đơn giản là phát biểu rõ ràng về những khác biệt mà doanh nghiệp muốn thực hiện để cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội, thậm chí cho cả thế giới. Do vậy, sứ mệnh của doanh nghiệp có nhiều vai trò mạnh mẽ sau đây:
- Tác động lên mọi quyết định và trở thành tác nhân chính trong các việc quan trọng như phân bổ nguồn lực, tuyển dụng nhân viên, lập kế hoạch hoạt động và đánh giá sự thành công…
- Là kim chỉ nam hướng mọi người đến hiệu quả cao trong công việc, góp phần nâng cao hiệu suất của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh sự hình thành các ý tưởng đổi mới quan trọng nhằm phát triển doanh nghiệp bền vững lâu dài.
- Tập hợp lực lượng để giúp doanh nghiệp vượt qua các trở lực.
- Giúp tạo sự ổn định cho doanh nghiệp trên thương trường khi xuất hiện những khó khăn, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp chưa xác định được hướng đi rõ ràng.
- Làm cho thương hiệu gắn bó hơn với các hoạt động thực tế.
- Tạo một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài.
- Tạo động lực cho các nhân viên làm việc hết mình, mang lại sức sống mới trong doanh nghiệp.
- Góp phần làm phong phú cuộc sống của mỗi người vì trong suy nghĩ của mọi người, công việc không chỉ đơn thuần là công việc, mà là điều có ý nghĩa để đeo đuổi lâu dài.
Thông thường, trước khi xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp có bài bản và đẳng cấp, các nhà quản trị phải đầu tư tâm trí cho việc phác họa và định hình rõ sứ mệnh cơ bản của doanh nghiệp.
Ở đó, họ nêu nguyên nhân doanh nghiệp ra đời và tồn tại, cách mà doanh nghiệp hướng tới các mục đích của mình, sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong việc đạt được các mục tiêu đã đề ra, những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ đem lại cho cuộc sống của đội ngũ nhân viên, những điều doanh nghiệp muốn các nhân viên dồn mọi nỗ lực để thực hiện thành công…
Sứ mệnh là một động lực nên cũng có tác động rất linh hoạt. Do đó, nếu các nhà quản trị thấu hiểu điều đó thì họ sẽ phát huy được sức mạnh của sứ mệnh của doanh nghiệp ở nhiều chiều với hiệu quả hết sức phong phú.