Hoàn toàn đủ thuyết phục để gọi phiên đấu giá nghệ thuật vì mục đích thiện nguyện ngày 22/10/2016 là sự khác biệt quyến rũ.
Phiên này chia làm hai trạng huống: đấu giá trực tiếp (live auction), và đấu giá ngẫm ngợi (silent auction). Mỗi trạng huống có một thế đứng và sức hấp dẫn riêng, không phân biệt chính phụ.
Khác biệt rõ ràng nhất, tất cả tác phẩm đều được chủ động tuyển lựa theo tiêu chí nghệ thuật và thước đo từ lòng ưu chuộng của giới sưu tập. Vì tuyển lựa, nên phía tổ chức tránh được thế bị động, hoặc vị nể, kiểu như thiện nguyện mà, nhà sưu tập hoặc họa sĩ có ủng hộ tác phẩm là tốt rồi, chất lượng thế nào mà chẳng được. Phiên đấu này không có những tác phẩm như vậy.
Với trạng huống trực tiếp, người yêu mến nghệ thuật sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời, vì ở đó đúng nghĩa: không ai giống ai. Bùi Xuân Phái (1920-1988), Bùi Giáng (1926-1998), Lê Kinh Tài (1967), Đinh Thị Thắm Poong (1970) là những cá tính sáng tạo và riêng biệt của làng mỹ thuật. Trừ Bùi Giáng là “đặc sản quốc nội”, các tên tuổi còn lại đều đã quá quen thuộc với giới sưu tập quốc tế.
Tại hạng mục này đặc biệt giới thiệu tượng Phật Dược Sư – “vị Phật thầy thuốc”, hay còn gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Phật. Nguyên liệu quý hiếm, tạo tác tinh xảo, đã được những vị chân tu gia trì đạo pháp.
Với trạng huống ngẫm ngợi, chúng ta có các thế hệ kế cận đầy tài năng và tự tin. Nếu ai đã dõi theo thị trường mỹ thuật quốc tế thì Lim Khim Katy (sinh 1978) và Nguyễn Thị Châu Giang (1975) hẳn nhiên thuộc những tên tuổi Việt Nam đang được ưa thích bậc nhất hiện nay. Song hành đó, sự trữ tình, xúc cảm với phong cảnh của Nguyễn Văn Đức (1976); sự ẩn dụ, mỉa mai mang với lịch sử của Lê Hào (1980); sự liên nối nghệ thuật truyền thống của Nguyễn Ngọc Vũ (1991); tính hương xa của Đào Xuân Tình (1981)… càng tạo nên sự khác biệt quyến rũ.
Vì tuyển lựa khắt khe như đã nói, phiên đấu này đã hiển nhiên vượt qua sự thiện nguyện, đã góp được một tiếng nói tích cực vào việc xiển dương những cá tính sáng tạo của Việt Nam. Đặc biệt, nó còn bắc thêm một nhịp cầu lành mạnh, sáng sủa, để giới yêu thích sưu tập nghệ thuật đến gần hơn những tác phẩm đích thực.
Đấu giá trực tiếp (live auction)
Danh họa Bùi Xuân Phái (1920 – 1988)
Nổi tiếng trên thị trường quốc tế từ 30 năm nay, ngay khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới lần đầu năm 1986. Về Bùi Xuân Phái, thật khó để bao quát trong vài dòng, vì khía cạnh nào của ông cũng xứng đáng để viết cả chương sách. Nhưng vượt lên tất cả, niềm thương yêu, nhớ nhung và ca ngợi phố cổ Hà Nội đã là “đặc sản” khó thay thế, nên mới được gọi Phố Phái. Một giải thưởng mang tên ông – “Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội” – vừa trao giải lần thứ 9 (năm 2016) đã chứng thực cho sự sinh động và bền vững của Phố Phái, mặc cho những thị phi của cuộc đời.
Tác phẩm “Phố cổ Hà Nội” tại phiên đấu này xứng tầm là một bảo vật, không chỉ vì chất lượng nghệ thuật ở tầm cao, tiêu biểu cho phong cách Phái – phố Phái – tâm hồn Phái. Nó còn có kích thước thuộc vào nhóm tác phẩm to nhất của Bùi Xuân Phái; được bảo chứng rõ ràng; được khởi động ở mức giá lý tưởng. Đây đúng nghĩa là cơ hội lý thú, có một không hai của những ai yêu thích danh họa Bùi Xuân Phái.
Thi sĩ Bùi Giáng (1926 – 1998)
Thi sĩ cuồng điên Bùi Giáng để lại một dấu ấn lớn với lịch sử thơ ca và tư tưởng Việt Nam thế kỷ 20. Ông là mẫu người của tự học, về ngoại ngữ, ông có thể đọc và dịch các thứ tiếng như Đức, Pháp, Anh… và cả chữ Hán. Trước tác, dịch thuật và di cảo của ông để lại hơn 100 đầu sách, hiện này vẫn liên tục được tái bản.
Sinh thời Bùi Giáng vẽ khá nhiều, lên đến hàng trăm bức, nhưng do nhiều người nghĩ ông “điên vẽ bậy” và tâm hồn lạc điệu khi cảm nhận nên ít người lưu giữ lại. Riêng họa sĩ Phạm Cung (sinh 1932) thì lưu giữ hơn 20 bức, vẽ trong khoảng 1982 đến 1994, do giai đoạn này Bùi Giáng hay lui tới xưởng vẽ chơi. Có vẻ như Bùi Giáng làm gì cũng dễ dàng, nhưng chưa bao giờ dễ dãi, tranh của ông cũng vậy, vẽ như chơi, nhưng đủ đầy về bố cục, hòa sắc và ý tưởng.
Riêng với những ai yêu thích nghệ thuật, đang muốn mở lối đi mới cho bộ sưu tập của mình, thì Bùi Giáng là một chọn lựa “khó đụng hàng”. Thế nhưng, điều khó khăn duy nhất là trên thị trường hiện nay tranh Bùi Giáng còn lại quá ít, chỉ vài chục bức, mà không phải lúc nào chủ nhân của nó cũng hào phóng… “buông tay”.
Lê Kinh Tài (1967)
Rời Đà Nẵng vào TP.HCM học mỹ thuật từ đầu thập niên 1990, rồi chọn nơi này để định cư dài lâu. Lê Kinh Tài đã làm nhiều nghề để tồn tại, đã mất hơn 20 năm để tìm kiếm lối đi cho riêng mình. Từ khoảng 2005 – 2007, khi những tác phẩm “nghệch họa” của anh mới được một số nhà sưu tập chuyên nghiệp chú ý. Con đường mà Lê Kinh Tài đi qua có thể nói bằng một ý ngắn: Kiên trì một cách tự tin, và tự tin một cách kiên trì.
Tại phiên đấu này, giới thưởng lãm được chiêm ngưỡng tác phẩm “Tôi – diều gió”, hoàn tất từ năm 2010, nhưng gần như được giấu kín ở trong xưởng vẽ. “Tôi nghĩ rằng trói cũng do mình và mở cũng do mình, nên tôi tạo ra tác phẩm này với thông điệp: Sự thăng hoa cũng từ gió, mà buông xuôi cũng từ gió. Và không một cơn gió nào tác động mạnh hơn gió ở bên trong chính mình”, Lê Kinh Tài chia sẻ.
Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong (1970)
Thời báo Time từng xếp Đinh Thị Thắm Poong vào nhóm những họa sĩ có tranh bán chạy nhất thị trường châu Á. Bố người Mường, mẹ người Thái Trắng, Thắm Poong sinh ra tại Lai Châu, hiện sống ở Hà Nội. Ngay sau khi tốt nghiệp mỹ thuật năm 1993, các tác phẩm mang hồn cốt xứ sở Tây Bắc của chị đã hớp hồn giới sưu tập xa gần.
“Với tôi, tính chân thực lại là nơi nuôi dưỡng cho trí tưởng tượng bay xa nhất. Cái hiện thực đang diễn ra, cái thực nhất mà mình đang có và mình không hài lòng, hoặc do ước muốn cái gì đó khác với hiện thực và chính những cái đó, lại qua phương pháp thể hiện của mỗi người, trải lên tác phẩm”, đây là tôn chỉ sáng tạo của Đinh Thị Thắm Poong.
Tượng Phật Dược Sư
Tượng được tạo tác làm bằng lưu ly và vàng 24K với đường nét uyển chuyển, thanh thoát. Chứng đắc tâm nguyện của ngài là “cứu độ tất cả chúng sinh trước mọi bệnh tật”, nên ngài còn có tên là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.
Tượng này đã được đảnh lễ và gia trì (blessing) bởi Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa, Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa, Nhiếp chính vương Thuksey Rinpoche và ni sư Jetsunma Tenzin Palmo.
Đấu giá ngẫm ngợi (silent auction)
Nguyễn Thị Châu Giang (1975)
Với khoảng 10 triển lãm cá nhân và hơn 25 triển lãm nhóm, Nguyễn Thị Châu Giang là đại diện cho nghệ sĩ chuyên tâm làm việc. Trước khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1998, Châu Giang đã xuất bản khoảng 7 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết. Đến năm 2004, khi thực hiện triển lãm cá nhân Return to Love tại Columbia University, Newyork, Mỹ, Châu Giang cũng xuất bản một tập truyện ngắn cùng tên tại Việt Nam. Từ năm này trở về sau, gần như Châu Giang tập trung nhiều hơn cho mỹ thuật. Học sơn dầu, nhưng Châu Giang dành nhiều công phu cho lụa, và cả hai chất liệu đều khá thành công. Tranh Châu Giang được nhiều nhà sưu tập tại Mỹ, Pháp, Đức, Brazil, Argentina, Singapore, Thái Lan… ưu thích.
Lim Khim Katy (sinh 1978)
Xét ở mức độ tìm kiếm của giới yêu mến nghệ thuật, tại TP.HCM hiện nay, sau Nguyễn Thanh Bình, thì Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lim Khim Katy, Phương Quốc Trí, Bùi Tiến Tuấn… là những cái tên luôn được nhắc tới.
Lim Khim Katy sinh tại An Giang, dân tộc Khmer, cha gốc Campuchia, mẹ gốc Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2001, Lim Khim Katy nhanh chóng trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, theo nghĩa sống thong thả bằng tác phẩm. Năm 2010, Lim Khim Katy bảo vệ thành công thạc sĩ mỹ thuật, điều này cho thấy nữ họa sĩ không chịu ngủ yên trong danh vọng, mà muốn hiểu rõ hơn công việc mình đang làm.
Họa sĩ Nguyễn Văn Đức (1976)
Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2000, nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật năm 2009, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Anh vẽ nhiều chủ đề trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, bột màu…, nhưng trong giai đoạn 2011 – 2016, ấn tượng nhất là các loạt tranh phong cảnh Tây Bắc. Cũng bằng cái nhìn có tính hương xa, du lịch, nhưng nhờ vào con mắt có phê phán, Nguyễn Văn Đức đã vượt qua tính bề mặt để gởi gắm chuyện đời, nơi mà cái đẹp cũng đồng nghĩa với nỗi buồn.
Họa sĩ Lê Hào (1980)
Xét về nội tại tác phẩm của những họa sĩ cùng thế hệ và cùng thời, Lê Hào (tên đầy đủ: Lê Quý Anh Hào) thuộc nhóm số ít xem việc vẽ là cách chuyên chở ý niệm, bày tỏ tư tưởng. Hoạt động như một nghệ sĩ đa phương tiện tại một số nước, trước khi quay trở lại với giá vẽ, Lê Hào đã chắt lọc, tích hợp được nhiều cách nhìn riêng.
Như tác phẩm “Bông dại” tại phiên đấu này, nó là câu chuyện liên nối về nửa thế kỷ trước, khi mà những đứa trẻ vùng bom đạn, tản cư – cũng như những bông hoa dại kia – đã sinh tồn một cách kỳ diệu, xót xa. Nhìn lại lịch sử bằng cách nhìn này đã làm cho tác phẩm của Lê Hào mở được lối đi hiếm thấy trong cộng đồng nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Họa sĩ thiết kế Nguyễn Ngọc Vũ (1991)
Học chuyên ngành thiết kế tại một trường danh tiếng của Malaysia, khi tốt nghiệp, được trường đề nghị ở lại giảng dạy, nhưng Nguyễn Ngọc Vũ muốn trở về với các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, với hy vọng có thể kể thêm một câu chuyện nào đó. Bằng nghệ thuật cắt dán giấy và nhuộm màu, vài tác phẩm của Cậu bé thỏ (nghệ danh của Vũ) đã được trưng bày tại một số nước ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Nguyễn Ngọc Vũ đang ôm ấp một triển lãm cá nhân về việc tái hiện các giá trị truyền thống trong ngôn ngữ thiết kế đương thời.
Họa sĩ Đào Xuân Tình (1981)
Đào Xuân Tình sinh ra tại Thái Bình, tốt nghiệp trường nghệ thuật trưng ương năm 2004 và mỹ thuật Việt Nam năm 2009. Năm 2013, dưới sự tài trợ của ArtBlue Studio (Singapore), anh đã tham gia một triển lãm nhóm tại Hong Kong, Malaysia. Những tác phẩm vẽ các bộ tộc miền núi, đặc biệt các sơn nữ vùng sâu vùng xa của Đào Xuân Tình đã nhanh chóng thu hút người xem. Những ai yêu thích sức sống mộc mạc, khỏe khoắn, nhiều sắc màu thì dễ cảm thấy gần gũi với tranh của Đào Xuân Tình.
- Lý Đợi – Nhà báo. Nghiên cứu nghệ thuật