Là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup, chúng ta hẳn đã quá quen với những sự kiện networking (sự kiện để xây dựng các mối quan hệ), nơi có thể giúp doanh nghiệp tạo dựng mối quan hệ, giao lưu và giới thiệu công ty, giới thiệu sản phẩm của mình… đến với những đối tác tiềm năng khác trên thị trường.
Về lý thuyết, networking luôn là một trong những công việc được ưu tiên hàng đầu đối với doanh nghiệp startup. Một công việc có thể chiếm gần hết thời gian của những CEO tràn đầy nhiệt huyết.
Thế nhưng, theo Derek Coburn, người sáng lập và CEO của Công ty tư vấn Cadre, tác giả quyển Networking is not working (tạm dịch: Xây dựng mạng lưới quan hệ hiệu quả), quyển sách nằm trong danh mục #1 Amazon Bestseller, thì sự thật mọi thứ không phải màu hồng như vậy.
- Xem thêm: Khởi nghiệp thất bại, đâu là lý do thật?
“Tôi có cơ hội để gặp gỡ, trò chuyện và tư vấn trực tiếp cho hơn 100 doanh nghiệp khác nhau. Và hầu hết họ đều thành thực rằng, họ không có được kết quả như mong đợi khi tới với những buổi networking. Dù sự kiện đó lớn hay nhỏ, dù họ đã tương tác, trò truyện, tỏ ra thú vị và có sức cuốn hút với nhiều người hay với ít người, dù họ phát hết 100 tấm business card (danh thiếp) mang theo hay chỉ phát được một vài tấm, thì thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra để tham dự những sự kiện đó, luôn là không tương xứng”.
Tại sao sự kiện networking thiếu hiệu quả?
Derek Coburn cho rằng, vấn đề cơ bản nhất khiến những buổi networking trở nên lãng phí, là bởi mỗi người tới đó với quá nhiều lý do và mục đích khác nhau.
“Có người tập trung vào việc tìm được khách hàng nhằm bán được hàng, người thì mong tìm đối tác, cộng sự cùng hợp tác kinh doanh, có người lại chỉ đến để xả stress, được nói chuyện với những người giống như mình. Và thế là, một hỗn hợp những mục tiêu như thế, cứ va chạm và chen lấn nhau, trong khoảng vài ba giờ đồng hồ ít ỏi, để rồi sau cùng, chẳng mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.
Vậy tại sao họ không thể dừng những buổi networking vô nghĩa?
Với Allen Gannett, CEO của TrackMaven, một công ty chuyên về marketing, người vừa được vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30: Marketing and Advertising 2016, thì có hai lý do chính khiến anh cũng như những người bạn trong giới startup của mình, dù biết những buổi networking thường không mấy hiệu quả, nhưng vẫn “chết” vì nó, là bởi cái bẫy tâm lý FOMO (sợ mất một thứ gì đó sẽ xảy ra), cộng với cái bẫy của sự tâng bốc, cảm giác được đồng cảm và được sẻ chia từ những người như mình.
“Khi tôi bắt đầu dự án startup đầu tiên, những sự kiện networking đối với tôi giống như chìa khóa dẫn tới thành công cho tôi và công ty của mình. Là doanh nghiệp startup, bạn luôn thiếu mọi thứ, kinh nghiệm, tiền bạc, mối quan hệ, danh tiếng… – những thứ có thể tìm thấy được ở những sự kiện networking. Và thế là hằng tuần, tôi đều bỏ thời gian và công sức tham dự những sự kiện ấy, với hy vọng người tiếp theo tôi gặp, cuộc trò chuyện tiếp theo tôi tham gia, sẽ giúp tôi có được điều mình muốn. Tôi sợ mình sẽ bỏ lỡ điều tuyệt vời phía trước và thế là tôi cứ không ngừng networking.
Bên cạnh đó, networking còn khiến tôi nghiện, bởi ở đó tôi còn được thoải mái chia sẻ, kể lể và nhận được sự ngưỡng mộ của những người xung quanh. Một cách tạo động lực thật tuyệt vời cho bản thân, nhưng lại tăng gánh nặng cho công ty, vì tôi đang đốt thời gian, tiền bạc của công ty cho những việc kém hiệu quả. Và quả thật, dự án startup đầu tiên của tôi, sớm phá sản cũng là vì thế”.
Giải pháp để networking trở nên hiệu quả
Derek Coburn cho rằng, để có được một buổi networking thỏa mãn mọi mục tiêu mà doanh nghiệp startup của bạn chờ đợi, bạn có thể thực hiện hai chiến lược cụ thể sau:
Trở thành tâm điểm mọi ánh nhìn
Có hai đối tượng luôn mặc nhiên là người “bảnh” nhất trong các sự kiện networking thông thường, đó là chuyên gia, những người nổi tiếng, được mời đến để phát biểu hoặc để làm nền cho sự kiện, và người tổ chức sự kiện đó. Theo Derek Coburn, nếu bạn là doanh nghiệp startup, hãy cố gắng trở thành “người” thứ hai.
“Khi là chủ nhà của sự kiện networking, bạn không chỉ tự nhiên sẽ là tâm điểm của mọi người, mà quan trọng là bạn có toàn quyền trong mọi việc. Bạn tạo ra chủ đề thảo luận, tạo ra nội dung chương trình, tạo ra đối tượng tới dự sự kiện, tạo ra các mối quan hệ bạn muốn tiếp cận…
Ngoài ra, nếu bạn có thể duy trì các sự kiện networking đều đặn, liên tục hằng tuần, chủ đề đa dạng và giúp những người cùng mục tiêu gặp gỡ nhau, đó sẽ còn là cơ hội tuyệt vời để tạo nên những nhóm, câu lạc bộ, tổ chức thu nhỏ, những cộng đồng hỗ trợ cho nhau rất tốt trong công việc sau này”.
Hẹn hò đôi
Nếu bạn không dư giả thời gian và công sức để làm điều như trên, hãy thực hiện cách hẹn hò đôi (Double Date).Nghĩa là mời thêm những khách hàng, đối tác của bạn cùng đến sự kiện và khuyến khích họ mời thêm một vài người nữa.
“Hãy mời một khách hàng, đối tác và khuyến khích người đó mời thêm ít nhất một người khác tới sự kiện. Trường hợp xấu, nếu khách hàng, đối tác của bạn mang tới một người không như bạn mong muốn, bạn vẫn có thể sử dụng buổi networking để thắt chặt thêm mối quan hệ với khách hàng, đối tác của mình.
- Xem thêm: Nghệ thuật networking
Còn trường hợp tốt, bạn sẽ có thêm một mối quan hệ hứa hẹn tiềm năng và bền vững khác. Điều quan trọng, là bạn phải chọn cho đúng sự kiện networking phù hợp, bởi dù bạn không tổ chức nó, nhưng khi bạn mời ai đó đến dự, bạn coi như đã trở thành người đồng tổ chức cho sự kiện. Mà tham dự một sự kiện thất vọng, thì không ai có thể đánh giá cao người tổ chức ra nó cả”.