Các công ty khởi nghiệp đối mặt với nhiều thử thách, nhưng không có thách thức nào có thể đe dọa đến sự sống còn như là chuyện “làm thế nào để còn tiền hoạt động”.
Bị mắc kẹt trong thế phải luôn cân đối tài chính để tồn tại, hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp đều bỏ qua những khoản đầu tư mà họ xem là không cần thiết, chẳng hạn như tiếp thị và quảng cáo. Nhưng trớ trêu thay, nếu bỏ qua hoàn toàn hoạt động tiếp thị thì lại dập tắt sự tăng trưởng của doanh nghiệp, hệ quả là doanh thu ít đi và ngân sách lại càng eo hẹp.
Thế nhưng, tiếp thị hiệu quả không hẳn cần phải tốn quá nhiều tiền. Dĩ nhiên, các chiến lược tiếp thị với ngân sách cao sẽ mang lại sự hiện diện mạnh hơn và một kết quả tương xứng. Nhưng vẫn có những chiến lược chi phí thấp, hiệu quả tốt mà các công ty startup có thể sử dụng để tăng trưởng nhanh hơn.
1. Tiếp thị qua giới thiệu của khách hàng (referral)
Một trong những cách tốt nhất để tiếp thị là tạo ra một hệ thống để khách hàng làm tiếp thị cho doanh nghiệp. Qua các cuộc nghiên cứu, kết quả cho thấy khách hàng có khả năng mua sản phẩm cao hơn nếu họ được một người bạn, người quen giới thiệu. Thực tế là ngày nay mọi người vẫn tin vào những lời giới thiệu cá nhân hơn bất cứ điều gì khác.
Hơn nữa, chi phí để thiết lập một chương trình tiếp thị qua lời giới thiệu của khách hàng thì không quá tốn kém. Tùy thuộc vào cách cấu trúc chương trình, nó có thể hoàn toàn không tốn phí. Chẳng hạn, doanh nghiệp dành cho khách hàng một mức chiết khấu, đổi lại họ sẽ giới thiệu một khách hàng mới.
2. Thông cáo báo chí
Mọi người vẫn đọc tin tức thường xuyên và nếu doanh nghiệp có điều gì đó đáng để đưa tin thì sẽ có những đơn vị truyền thông chào đón thông tin này. Đây là cơ hội để thương hiệu được đề cập trên những kênh truyền thông lớn và thông tin có thể được chia sẻ, lan rộng từ một nguồn tin uy tín. Nếu không có chi phí để thuê một công ty dịch vụ, doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu danh sách những phóng viên, cây bút liên quan đến ngành kinh doanh của họ.
3. Tiếp thị nội dung
Tiếp thị nội dung có nhiều dạng nhưng không có dạng nào đòi hỏi mức đầu tư lớn. Cách tiếp cận đơn giản nhất là tạo một “blog” trên trang web của doanh nghiệp, mỗi tuần đều bổ sung nội dung mới vài lần để cung cấp thông tin và giúp người đọc giải trí một cách thực tế nhưng độc đáo, sáng tạo.
Các hình thức như infographic (thông tin được thiết kế dưới dạng đồ họa) hay video đều thuộc lĩnh vực tiếp thị nội dung. Tất cả các phương tiện nội dung này đều giúp cải thiện danh tiếng của thương hiệu, tăng lượng khách thăm trang web và bổ sung cho các chiến lược tiếp thị khác.
4. SEO
Nếu bạn dành thời gian để viết bài cho chiến dịch tiếp thị nội dung thì cũng nhớ đầu tư để cải thiện khả năng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).
SEO dường như phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng nếu thực sự quan tâm và dành chút thời gian đọc thì chúng ta có thể hiểu được những điều căn bản. Bạn có thể sử dụng các công cụ trực tuyến để tìm từ khóa phù hợp nhằm thu hút đối tượng đến thăm trang web và tiếp tục cải thiện hiệu quả của trang. Bạn cũng cần điều chỉnh cấu trúc bài viết, đầu tư nội dung có chất lượng và có phong cách viết nhất quán. Việc này cần nhiều thời gian nhưng lợi ích lâu dài là rất lớn.
5. Tiếp thị truyền thông xã hội
Nếu được đầu tư thời gian, tiếp thị mạng xã hội là một kênh tốt, phù hợp cho nhà khởi nghiệp. Với truyền thông mạng xã hội, chúng ta không thể tiếp cận một cách thất thường, khi có khi không. Đầu tiên, hãy tạo hồ sơ về doanh nghiệp trên các kênh như Facebook, tiếp tục bổ sung, làm phong phú thông tin và bắt đầu cung cấp những nội dung mà đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp ưa thích.
Hãy luôn giữ sự kết nối với đối tượng mục tiêu. Lượng người theo dõi trang sẽ tăng lên hàng ngàn và cũng sẽ là một nguồn truy cập đến trang web của doanh nghiệp.
6. Tiếp thị email
Tiếp thị bằng email vẫn là một trong những chiến lược tiếp thị hiệu quả nhất về mặt chi phí. Để có được hiệu quả mong muốn, danh sách email cần được tuyển chọn (chứ không phải mua hàng loạt từ một nguồn nào đó). Hơn nữa, đối tượng tiềm năng nên được tiếp cận một cách đều đặn nhưng không quá “hung hăng” và làm cho khách hàng cảm thấy khó chịu.
7. Quảng cáo Pay-per-click (PPC)
Quảng cáo Pay-per-click có thể tốn kém nếu nhắm vào những từ khóa hàng đầu có lượng truy cập cao, nhưng vẫn có những thị trường ngách và ứng dụng phù hợp với các nhà khởi nghiệp có túi tiền eo hẹp.
8. Thương hiệu cá nhân
Nhà khởi nghiệp có thể quảng bá hình ảnh và chuyên môn của chính họ qua truyền thông xã hội và cũng có thể là trên blog nhằm thu hút lượng người theo dõi và tạo ra nguồn khán giả riêng.
Mọi người vẫn có xu hướng tin người khác hơn là tin một doanh nghiệp nào đó và một doanh nhân khởi nghiệp có thể cung cấp nội dung hoặc thu hút khách hàng mới từ lượng khán giả riêng này.
9. Diễn đàn và nhóm cộng đồng
Tại những nơi thế này, chúng ta có thể bắt gặp một câu hỏi của ai đó và có thể trả lời bằng chuyên môn của mình hoặc phát hiện một sự kiện nào đó, cũng là cơ hội có thể tận dụng để quảng bá sản phẩm.
Nếu một công ty khởi nghiệp quá chật vật với ngân sách và buộc lòng tạm thời đưa tiếp thị ra khỏi bài toán tài chính thì vẫn nên tìm những cách sáng tạo để xây dựng sự nhận biết cho thương hiệu và sản phẩm. Một khi có được doanh thu ổn định và tốt hơn, họ có thể đầu tư vào những chiến lược lớn hơn, đắt tiền hơn hoặc tập trung nguồn lực vào những chiến lược hiệu quả nhất đã được thử nghiệm trước đó.
– Theo Entrepreneur