Đây chính là một hình thức mới trong nghệ thuật tiếp thị hiện đại mà chúng ta nên quan tâm để vận dụng tốt trong các dịp gặp gỡ, dự hội nghị với đối tác… Những hành vi và cử chỉ nhỏ sau sẽ giúp nâng cao khả năng networking của bạn.
Loại bỏ ngay suy nghĩ đến trễ
Xuất hiện tại các sự kiện tiệc tùng đúng giờ ghi trên thiệp mời là phép lịch sự thông thường, nhưng đến sớm tại một sự kiện networking luôn là việc nên làm. Nếu là người đầu tiên đặt chân đến buổi tiệc, bạn sẽ dễ dàng chủ động hơn quan sát và tiếp xúc với người muốn gặp gỡ. Bạn sẽ có thời gian để trao đổi với đối tác rất thoải mái.
Đưa ra những câu hỏi dễ trả lời
Đừng tốn nhiều thời gian đứng vòng ngoài buổi tiệc để suy nghĩ điều phải nói để gây sự chú ý hay ấn tượng với các khách mời khác hoặc chỉ để đợi người khác tiếp cận bạn trước.
Để khởi động cuộc đối thoại, chỉ cần đơn giản tiến tới nhóm khách nào đó và ngỏ lời “Cho phép tôi tham gia cuộc trò chuyện nhé!” hoặc “Anh chị thấy bữa tiệc tuyệt không?”, sau đó chăm chú lắng nghe câu trả lời của họ.
Nếu không có tài diễn thuyết hay có khả năng giao tiếp nhuần nhuyễn, hãy là người có tài lắng nghe. Biết lắng nghe luôn là cách tốt để tìm hiểu về người khác.
- Xem thêm: Trở thành chuyên gia, không khó!
Không màng đến việc mua bán
Cần nhớ rằng networking nhằm hướng đến việc xây dựng các mối quan hệ nên làm cho cuộc trao đổi trở nên dí dỏm, hài hước, trong sáng và chứa đựng nhiều thông tin bổ ích là điều rất quan trọng. Không nên quá để tâm vào việc giới thiệu hàng hóa chỉ trong vài phút gặp gỡ và giao tiếp với một người mới quen.
Mọi người thường có khuynh hướng mua hàng, hợp tác hoặc làm việc với những ai mà họ có cảm tình và cảm nhận được sự gắn kết, chứ không hẳn là sẵn sàng chào đón doanh nhân nào đến từ doanh nghiệp nào.
Trong trường hợp khách hàng tiềm năng hỏi thăm đến sản phẩm và dịch vụ của bạn, hãy đưa ra câu trả lời miêu tả ngắn gọn về doanh nghiệp của bạn.
Trước khi đến sự kiện, hãy kiểm tra lại ai là những khách hàng mới nhất của bạn hoặc dự án nào mà bạn mới hoàn tất. Bằng cách đó, bạn sẽ có thêm những yếu tố để bổ sung cho nội dung cuộc trò chuyện.
Chia sẻ niềm đam mê
Hãy lôi cuốn người khác bằng chính niềm đam mê của bạn đối với các sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang kinh doanh. Nên để lại trong người nghe một ấn tượng lâu dài bằng cách kể một câu chuyện lý giải vì sao bạn được tạo niềm cảm hứng với sản phẩm, dịch vụ hoặc với doanh nghiệp nơi bạn đang làm việc.
Nói về những gì bạn yêu thích luôn tạo được hiệu ứng lan truyền cảm giác và khi ấy, mọi người sẽ cùng bạn sẻ chia niềm hưng phấn, góp phần thúc đẩy việc trao đổi thông tin hai chiều.
Cười tươi
Điều này rất đơn giản, song lại dễ bị lãng quên trong mối quan hệ với người đối diện. Với nụ cười thân thiện, bạn sẽ làm tan đi sự căng thẳng trong suy nghĩ của bạn, cũng như tạo được cảm giác thân thiện khi tiếp cận với người khách mới.
Hãy nhớ cười tươi trước khi bước vào gian phòng họp và trước khi bạn bắt đầu cuộc trò chuyện.
Đừng cố ý làm chủ hay khống chế cuộc trò chuyện
Đừng quên rằng người có nghệ thuật networking luôn rất giỏi trong việc làm cho người khác trở nên đặc biệt trong mắt của mọi người xung quanh. Hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện, lặp lại tên của họ, lắng nghe những gì họ nói và đề xuất các chủ đề thú vị, dễ dàng thảo luận.
- Xem thêm: Tạo sự thân thiện và lôi cuốn khách hàng
Theo dõi
Networking là nơi cuộc trò chuyện bắt đầu chứ không phải kết thúc. Nếu bạn đã có được một cuộc trao đổi thông tin thú vị, hãy hỏi thăm người khách mới làm quen cách tốt nhất để giữ liên hệ giữa hai người.
Một số người thích sử dụng email hoặc điện thoại, số khác thích các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn LinkedIn.
Hãy kết nối với họ trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau sự kiện networking để thể hiện sự quan tâm của bạn. Sự có mặt đúng lúc như vậy sẽ nhắc nhở lại những gì bạn và đối tác đã thảo luận, từ đó mối quan hệ giữa hai người lại có dịp gắn bó chặt chẽ hơn.