Chín họa sĩ thuộc ba thế hệ thầy và trò khoa Sơn mài – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đang có một triển lãm chung bề thế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 1-7 đến 9-7).
Với 51 tranh sơn mài nhiều kích thước, triển lãm một lần nữa cho thấy sự biến ảo của sơn ta – chất liệu thuần Việt rất kén người dùng này.
Như để khẳng định sự độc đáo, quý giá cũng như khả năng thể hiện mọi ý muốn sáng tạo của chất liệu, nhóm họa sĩ đã lấy tên triển lãm thật đơn giản: “Sơn ta”. Cho dù bút pháp và chủ đề tác phẩm rất khác nhau, nhưng cả chín tác giả, từ bậc thầy quá cố Nguyễn Kim Đồng (1922-2009) cho đến học trò của ông là Phạm Chính Trung (sinh năm 1955) và lớp trẻ tiếp nối thuộc thế hệ 7X, 8X gồm Đặng Phương Thảo, Phí Văn Công, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Đức Đàn, Trần Ngọc Hưng, Nguyễn Xuân Lục và Hà Huy Mười đều gặp nhau ở một điểm chung là tìm thấy ở chất liệu sơn ta một nguồn cảm hứng bất tận. Chính thuộc tính của “một cô gái con nhà gia giáo” (chất liệu truyền thống) nhưng lại đỏng đảnh như “cô gái mới lớn” của sơn ta đã cho phép người nghệ sĩ say mê sáng tạo. Nếu như tác phẩm của hai họa sĩ Kim Đồng và Phạm Chính Trung toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, vàng son nhưng thật tình tứ, tinh tế thì tác phẩm của các họa sĩ trẻ lại gây ấn tượng bởi đường nét, bố cục mạnh mẽ cũng như sự tối giản về màu sắc. Và “Sơn ta” mang đến cho người xem những bất ngờ.
Trong số ba tác phẩm của họa sĩ Kim Đồng treo ở triển lãm, hai bức Mai Châu và Được mùa có thể coi là mẫu mực về mặt kỹ thuật, thủ pháp sơn mài cũng như năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Phong cảnh miền núi và Ô Quan Chưởng của Phạm Chính Trung cho thấy ông là một học trò xuất sắc của thầy Kim Đồng. Hơn 30 năm mê đắm với sơn mài cùng nhiều thế hệ học trò, Phạm Chính Trung đã tạo được cho mình một lối đi riêng. Cũng với bút pháp dung dị, chân thực như thầy Kim Đồng nhưng tranh sơn mài của ông gần hơn với mỹ thuật đương đại. Với các học trò của ông có mặt tại triển lãm này, phần lớn tác phẩm của họ được sáng tác trong năm nay.
Dù là tranh biểu hình hay ngả sang biểu hiện, trừu tượng thì những gì mà Nguyễn Văn Bảy, Hà Huy Mười, Trần Ngọc Hưng, Phí Văn Công, Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Xuân Lục và Đặng Phương Thảo đem đến triển lãm “Sơn ta” cho thấy khả năng làm chủ chất liệu truyền thống của thế hệ tiếp nối những người đi trước trong nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc trong lĩnh vực mỹ thuật.
Đã khá lâu rồi trong sinh hoạt tạo hình tại thủ đô Hà Nội mới lại có một triển lãm thu hút được nhiều người trong giới cũng như những người yêu hội họa đến thế. Rõ ràng, ngoài việc phòng tranh đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình là đem lại cảm xúc thẩm mỹ cho người xem, nó còn chứng tỏ một điều: sơn ta vẫn luôn là một “mảnh đất” bí ẩn và đầy tiềm năng cho sự sáng tạo nghệ thuật.
- Diễm Vân