Đó là một thực tế “đắng chát” sẽ đến với bất cứ ai. Lúc nhỏ, đứa trẻ bám bà, bám mẹ tưởng không rời nửa bước, nhưng rồi lớn lên, tâm tính thay đổi, có lúc nào đó trong đời, nảy ra mâu thuẫn kịch liệt với mẹ, tưởng như khó còn có thể nói được chuyện gì với nhau.
Thậm chí, lập gia đình, đứa con nhiều khi “biến hẳn thành người khác”, cha mẹ không thể nhận ra nữa. Nhiều cô gái ngày nay có cá tính, tự tin, ít tôn trọng kỷ luật cá nhân. Nếu là dân ở tỉnh, thì học xong trung học, “lên thành phố” học đại học, cao đẳng là xa gia đình, ở nhà thuê, thành người độc lập (nhưng đa phần thì tài chính vẫn… xin nhà). Nếu có công việc làm thêm thì chỉ là trải nghiệm chứ tiền chẳng được bao nhiêu, mua cái áo cái túi cái váy đầm là hết.
Tiền nhà, điện nước, mua điện thoại hay “nâng cấp” laptop là chuyện phải tính kỹ lắm. Cuộc sống số lại thay mốt xoành xoạch và người Việt ta lại thuộc hàng “top” trong chuyện khoái dùng iPhone, giúp cho thương hiệu Apple vững vàng phát triển ở Việt Nam chỉ trong ít năm.
- Xem thêm: Khó tính như… người trẻ
Chỉ cần Facebook trục trặc một chút là la lối om sòm, “sao tui không vào được, ôi cái xứ này định chặn hay sao, chặn làm sao được mạng xã hội”, nào là “tui phải trèo tường mới vào được đây nè”, làm như không có Facebook là chết liền.
Sống phụ thuộc vào vật chất quá rồi, trở thành sản phẩm của công nghệ, của các trào lưu xã hội, của truyền thông… thì làm sao đứng vững nổi. Và tình yêu gia đình, ông bà cha mẹ (chẳng ai dám nói là “không sâu sắc”, vì coi chừng bị “ném đá”) rõ ràng là đã lùi xa tít, lâu lâu mới nhớ ra.
Đó là hình ảnh cô con gái và cậu con trai cưng mà bà xã tôi vẽ ra để cảnh báo tôi. “Ông liệu mà lo thân, chẳng trông chờ gì vào con cái được đâu”. Cô ấy vẽ ra chân dung thế hệ sắp thay thế để mà “dọa” ông chồng, mong ông bỏ đi cái hy vọng là sẽ trông chờ ở con cái. Chúng đã là của người khác, chúng đã là người khác cả rồi. Đã yêu người khác, mà “người” ở đây phải hiểu rất thoáng mới được.
Bà xã nói, kể ra vô lý thật. Con mình rứt ruột đẻ ra, nuôi nấng như một công trình vĩ đại nhất, thu hút toàn bộ của cải và sức lực, đùng một cái thành con của người khác, chẳng nuôi ngày nào. Giống như dành dụm cả đời xây cất, vay nợ được căn nhà mơ ước thì bỗng nhiên kẻ khác vào đó ở, lấy làm nhà của họ. Xót lắm.
Thế mới biết chẳng cái gì là của mình hết. Tài sản lúc ra đi không đem theo được, chồng vợ hóa thành những ông bà lão sống bên cạnh gây phiền hà, đau ốm, lo âu. Đến đứa con mình cũng chẳng có quyền gì. Hóa ra, con người “trăm năm cô đơn” không phải là chuyện do nhà văn bịa ra.
Cái cảm giác bị ông chồng bà vợ, người yêu ruồng bỏ để đến với người khác thì con người “nhận diện” ra rồi. Nhưng con cái mình bỗng dưng yêu người khác, gọi người khác là cha mẹ anh chị em cô chú bác (cả một “phái đoàn” núp ở đâu đó trong đời, nay xuất hiện).
Mình phải theo họ, khổ sở vì họ, phải làm những việc xưa nay ở nhà chẳng bao giờ phải làm. Thế nên mới có “mối thù truyền kiếp” giữa mẹ chồng – nàng dâu, giữa chị em gái “giặc bên Ngô” không bằng bà cô bên chồng…
Bà mẹ đẻ đã vậy, đến bà mẹ chồng – người có vẻ “thu chiến lợi phẩm” chưa chắc đã hơn gì! Bà sẽ nhiều phen phải nhìn cậu quý tử của mình chịu sự chỉ huy của một cô đỏng đảnh, uy quyền.
Cậu con trai ấy chưa bao giờ sợ cha mẹ như ngày nay phải sợ vợ, răm rắp nghe lời, đi chơi về trễ phải lấm la lấm lét, xin phép… “Cô ta” là cái gì mà lắm uy quyền vậy. Thôi rồi, con mình đã biến thành người khác!
- Xem thêm: Lệnh của con
Thế nên, cha mẹ cũng phải thay đổi. Phải nghĩ nhiều hơn cho bản thân, dành tiền bạc đi du lịch, sống riêng rẽ một mình, có khi cả quãng đời dài chẳng gặp mặt con. Phương Đông thì phê phán “nhạt tình ruột thịt”, trong khi người phương Tây nhìn thấy “sự can thiệp quá sâu vào riêng tư” đầy phiền toái của người phương Đông.
Thế là, cuối cùng chẳng ai giống ai, tình thương sút giảm, tội phạm tăng lên. Cái mà nhà văn Murakami gọi là “sự trống rỗng trong lòng thịnh vượng”.