Theo đề án, việc huy động vàng sẽ thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói cách khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho Ngân hàng Nhà nước trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua trung gian là các tổ chức tín dụng.
Tuy hiện nay không có số liệu chính xác, nhưng số vàng cất giữ trong dân rất lớn. Ước tính của Ngân hàng Nhà nước, dựa trên số liệu vàng xuất nhập chính ngạch trong nhiều năm qua, thì con số này khoảng từ 300 đến 500 tấn, tương đương 30 tỉ USD theo thời giá hiện nay.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, số vàng trong dân có thể lên đến 1.000 tấn, dựa trên lượng vàng nhập lậu qua biên giới do nhu cầu nắm giữ vàng của người dân Việt Nam luôn đứng ở mức cao và giá vàng Việt Nam thường cao hơn thế giới.
Giả sử con số thực tế là 500 tấn và cả nước có 15 triệu hộ gia đình thì trung bình mỗi gia đình cất giữ khoảng tám chỉ vàng – một con số khá lớn, lâu nay ít người nghĩ đến.
Đề án huy động vàng từ trong dân là một ý tưởng rất thực tế và cần thiết, thế nhưng việc triển khai đề án này không hề dễ dàng cho dù nhiều phương án, nhiều cách thức đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến.
Trước tiên, đối với đa số người dân, vàng là phương tiện bảo toàn giá trị tài sản hơn là phương tiện kinh doanh. Từ những người nông dân cho tới người làm công ăn lương, thậm chí một số chủ doanh nghiệp, hễ chắt chiu được một khoản tiền là tìm cách mua vàng làm của để dành. Thực tế hàng chục năm qua cho thấy vàng chưa bao giờ mất giá mà còn tăng mạnh liên tục. Hầu hết những người nắm giữ vàng đã tìm được lợi nhuận cao, trong khi đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản… thường gặp nhiều rủi ro, tính thanh khoản kém, quy đổi ra tiền mặt chậm. Gửi tiền mặt vào ngân hàng có những lúc lãi suất khá cao nhưng xem ra vẫn không bằng vàng, bởi lạm phát có khi vọt lên 18 – 20%. Đây có thể là thách thức lớn nhất đối với đề án huy động vàng trong dân.
Thách thức thứ hai là liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động vàng như thế nào, với lãi suất bao nhiêu? Hiện đang có suy nghĩ rằng huy động vàng với lãi suất sẽ không cao, có thể bằng hoặc hơn USD một chút. Nếu vậy thì gửi USD vẫn hơn nhờ chuyển đổi thuận lợi khi cần.
Không phải đợi đến khi có đề án huy động vàng thì Ngân hàng Nhà nước hay các ngân hàng thương mại mới nhìn thấy tiềm lực của nguồn tài sản khổng lồ này trong dân. Thời gian qua, một kênh đầu tư được nhiều người biết đến, đó là gửi tiết kiệm vàng. Thế nhưng trên thực tế kênh huy động này đã không cho thấy độ hấp dẫn, bởi các ngân hàng huy động vàng với lãi suất thấp hơn lãi suất tiết kiệm tiền đồng hàng chục lần nên số vàng gửi tiết kiệm không nhiều.
Khi huy động vàng trong dân, Ngân hàng Nhà nước đã biến vàng tài sản thành vàng hàng hóa, nghĩa là bị chi phối bởi yếu tố thị trường. Vậy khi giá vàng lên cao, người dân ồ ạt rút vàng ra thì chắc sẽ gây khó khăn không ít cho ngân hàng. Ngay cả khi đáo hạn, phải mua vàng để trả theo giá cao lại đặt ra cho ngân hàng một trở ngại nữa.
Ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu ViệtNam(Eximbank) cho rằng: Cần phải dự báo trước khó khăn khi triển khai đề án. Chẳng hạn như khi người dân muốn rút vàng trước hạn thì xử lý thế nào? Ngân hàng thương mại có được chiết khấu các tín phiếu vàng đã mua Ngân hàng Nhà nước trước hạn không? Nhu cầu mua bán vàng của người dân được đáp ứng ra sao…
Thách thức thứ ba là việc huy động vàng, ngoài các yếu tố rủi ro về giá, các ngân hàng cũng phải trả lãi cho người gửi vàng và điều này đặt ra yêu cầu phải có cơ chế rõ ràng về việc chuyển đổi vàng thành vốn đầu tư.
Với những thách thức trên đây thì việc huy động vàng trong dân sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào khả năng hấp thu số vốn này của nền kinh tế. Khi người dân bán đi của cải – vàng, USD, đất đai… – để đầu tư hay tăng tiêu dùng, có thể vì họ lạc quan hơn về tình hình kinh tế phát triển lành mạnh chứ không phải đơn thuần nghe theo lời kêu gọi “huy động vốn trong dân” của nhà nước, thì tác động cuối cùng phụ thuộc vào năng lực sản xuất thực của nền kinh tế vào thời điểm đó.
Bày tỏ quan điểm về đề án này, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, hiện đang quản lý danh mục đầu tư ngoại hối, Quỹ phòng hộ của Tactical Global Management cho rằng: Việc huy động vàng sẽ không quá khó nếu tạo được lòng tin trong dân. Tuy nhiên, việc huy động vàng để sử dụng vào mục đích gì và hiệu quả ra sao lại là điều phải hết sức cân nhắc.
Mặt khác, tuy vàng trong dân là nguồn vốn lớn, nhưng chưa phải là quá quan trọng nếu so với các nguồn vốn khác của xã hội. Trong gần 20 năm qua, chỉ riêng kiều hối, FDI, ODA chảy vào nền kinh tế đã vượt nhiều lần giá trị của 500 tấn vàng.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng cùng lúc với việc cho ra đời biện pháp huy động vàng trong dân, Chính phủ cần ban hành nhiều sách lược thông thoáng để qua đó người dân tin cậy và tự chọn lựa cách ứng xử đồng vốn của mình. Khi ấy họ sẽ tự tìm đến ngân hàng để bán vàng vì biết chắc đồng tiền đưa vào kinh doanh sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn giữ vàng làm của. Sự ổn định vĩ mô, các biện pháp kiềm chế lạm phát, chính sách lãi suất và tỷ giá kích thích hoạt động kinh tế có khả năng đưa vàng ra khỏi những nơi cư trú như lâu nay.
Vì vàng không bị cấm sử dụng như một hình thức trung gian trao đổi, việc lượng vàng được giao dịch hằng ngày tăng lên tương đương như cung tiền tăng. Việc tăng cung tiền này nằm ngoài ý chí của ngân hàng trung ương, hoàn toàn vì người dân thay đổi mong muốn của mình khi họ thấy lạc quan về tương lai.
Dù sao đi nữa, việc huy động vàng trong dân được xem là sự khơi thông dòng chảy của vàng, có lẽ vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước đang rất cân nhắc các biện pháp thực hiện trước khi trình đề án lên Chính phủ. Sẽ không thừa nếu đề án này được tham khảo rộng rãi với các tổ chức tín dụng, các chuyên viên đầu ngành, thậm chí tiếp thu góp ý của người dân là đối tượng chủ yếu, để có được phương thức huy động phù hợp với thực trạng.
Nếu không có được sự tham khảo rộng rãi, việc huy động sẽ rơi vào tình trạng mệnh lệnh hành chính, hạn chế tác dụng trong thực tế.
- Hoàng Hải tổng hợp, Ảnh Thành Công