Nếu mỗi cặp vợ chồng tiết kiệm 1,8-2 triệu/đồng/tháng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30m2.
Tại hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 24.9 tại TP.HCM, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng hầu hết các KCN tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động.
Số lượng công nhân tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các KCN chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ và các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho người lao động, nhất là vấn đề vốn và đất đai.
Để tháo gỡ bài toán an cư cho người lao động, theo ông Văn Anh, Tổng LĐLĐ đã triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đây là chủ trương lớn, kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích về nhà ở và giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho các gia đình công nhân lao động, siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho công nhân lao động làm việc tại KCN, KCX.
“Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 – 45m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng tiết kiệm 1,8-2 triệu đồng/tháng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30m2. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế” – ông Anh chia sẻ.