Hầu như tất cả mọi việc chúng ta đang làm nhằm mục đích kinh doanh đều liên quan đến một loại rủi ro nào đó: thói quen của khách hàng thay đổi, sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh mới, những yếu tố mới nằm ngoài tầm kiểm soát…
Nếu biết cách phân tích và quản lý rủi ro, doanh nghiệp có thể quyết định nên thực hiện những gì để giảm thiểu những nhân tố làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, qua đó doanh nghiệp cũng đánh giá được cách thức quản lý rủi ro của mình có hiệu quả hay không.
- Xem thêm: Xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro
Một rủi ro được xem là nhỏ đối với doanh nghiệp này lại có thể làm phá sản một doanh nghiệp khác.
Một trong những cách để lượng hóa tác động của rủi ro là sử dụng công thức: Mức độ rủi ro bằng khả năng xảy ra sự kiện nhân với chi phí phát sinh liên quan đến sự kiện. Để phân tích rủi ro, doanh nghiệp có thể thực hiện những bước sau:
1. Nhận diện các nguy cơ
Giai đoạn đầu tiên trong phân tích rủi ro là xác định các mối đe dọa mà doanh nghiệp đang đối đầu. Các mối đe dọa này có thể là:
- Con người: Những tác động từ cá nhân hay tổ chức như đau bệnh, tử vong…
- Tác nghiệp: Những sự kiện dẫn đến sự đình trệ trong hoạt động, mất tài sản quan trọng, xáo trộn trong hệ thống phân phối.
- Uy tín: Mất các đối tác kinh doanh, lòng tin của nhân viên sụt giảm, người tiêu dùng hay khách hàng không còn trung thành.
- Quy trình: Những sai lầm, thất bại trong hệ thống tổ chức của nội bộ, cách phân chia trách nhiệm và quyền hạn, các quy trình, thủ tục xử lý công việc.
- Dự án: Chi phí thực hiện dự án vượt mức dự toán, thời gian thực hiện dự án quá dài, sản phẩm hay dịch vụ không đủ chất lượng.
- Tài chính: Thua lỗ trong kinh doanh, thị trường chứng khoán biến động, lãi suất tăng, tình trạng thất nghiệp.
- Công nghệ: Công nghệ đang sử dụng trở nên lạc hậu, lỗi thời hay thường xuyên bị các lỗi kỹ thuật.
- Môi trường tự nhiên: Những mối đe dọa do thiên tai, thời tiết xấu, bệnh dịch…
- Chính trị: Những thay đổi trong các chính sách của chính phủ, sự ảnh hưởng của nước ngoài.
- Những rủi ro khác: Cạnh tranh trong nội bộ ngành, sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế, thay đổi trong nhu cầu khách hàng, khả năng thâm nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới.
Việc nhận diện các rủi ro rất quan trọng. Doanh nghiệp có thể sử dụng một số phương pháp sau đây để phát hiện hết các rủi ro:
- Đầu tiên, đi theo danh sách nói trên để xác định những nhóm rủi ro có liên quan đến hoạt động của mình.
- Tiếp theo, xem xét lại các hệ thống, cơ cấu tổ chức mà doanh nghiệp đang vận hành và phân tích các rủi ro có liên quan. Tìm hiểu xem có những điểm dễ bị “tổn thương” nào khác trong các hệ thống này.
- Tham khảo ý kiến của người khác để có cái nhìn toàn diện.
2. Ước tính rủi ro
Sau khi đã nhận diện tất cả những mối nguy mà doanh nghiệp đang gặp phải, ở bước tiếp theo, phải tính toán khả năng (xác suất) xảy ra những nguy cơ này và đánh giá tác động của nó. Tác động của rủi ro được lượng hóa bằng cách lấy chi phí phát sinh khi xảy ra một sự kiện nhân với xác suất xảy ra sự kiện đó.
3. Quản lý rủi ro
Sau khi đã ước tính được rủi ro, phải nghiên cứu những cách để quản lý các rủi ro này. Khi làm việc này, doanh nghiệp phải cố gắng chọn lựa những cách quản lý rủi ro đỡ tốn chi phí nhất. Rủi ro có thể được quản lý bằng một số cách sau đây:
- Cải tiến nguồn lực hiện tại: Phương pháp này có thể liên quan đến một số việc như cải tiến các hệ thống, quy trình làm việc hiện tại, thay đổi trách nhiệm, cải tiến các hoạt động kiểm soát nội bộ…
- Lên kế hoạch giảm thiểu tác động của rủi ro: Có thể quyết định chấp nhận một loại rủi ro nào đó nhưng xây dựng một kế hoạch để giảm thiểu những tác động của rủi ro đó khi nó xảy ra.
Kế hoạch ấy bao gồm những hành động mà doanh nghiệp cần thực hiện ngay khi xảy ra rủi ro và là một phần của kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. - Đầu tư vào những nguồn lực mới: Việc phân tích rủi ro sẽ là cơ sở để doanh nghiệp quyết định có nên đầu tư thêm vào những nguồn lực mới để phòng tránh rủi ro hay không.
Phương pháp này có thể bao gồm bảo hiểm rủi ro, nghĩa là doanh nghiệp trả cho một người khác một số tiền để họ cùng chia sẻ một phần rủi ro của doanh nghiệp. Bảo hiểm thường được áp dụng cho những rủi ro lớn, đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp.
4. Xem xét lại thường xuyên
Sau khi đã phân tích xong các rủi ro và đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro, phải thường xuyên phân tích lại môi trường xung quanh cũng như kiểm tra lại tác dụng của những biện pháp quản lý rủi ro.
Chẳng hạn ít nhất mỗi năm một lần, doanh nghiệp phải chạy thử các kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh liên tục để đánh giá tác dụng của nó và đưa ra những điều chỉnh cần thiết và kịp thời.