Bạn đã bao giờ đủ tự tin để nghĩ bị sa thải chỉ là sự bắt đầu cho một tương lai tốt đẹp hơn chưa? Tại Thụy Điển, đó là chuyện đương nhiên. Đa phần người lao động đột ngột bị mất việc, có việc làm trở lại chỉ trong vòng 6 tháng. Mức lương mới của họ còn luôn bằng hoặc cao hơn tiền công ở chỗ làm cũ. Tất cả là nhờ tổ chức bảo vệ việc làm Trygghetsradet.
90% sớm có công việc khác
Thụy Điển là quốc gia theo chế độ quân chủ nằm ở khu vực Bắc Âu, có diện tích khoảng 450,295km2 và dân số khoảng 10-12 triệu người.
Đối với hầu hết người đi làm, bị sa thải không phải là trải nghiệm hạnh phúc. Chỉ cần trong chỗ làm thoáng có tin đồn “cắt giảm công-nhân-viên”, ai nấy đều nhấp nhổm không yên. Trừ khi bạn thuộc top “lắm của, thừa tiền”, còn không thì công việc chính là sinh kế. Mất việc đồng nghĩa với mất “cần câu cơm”. Nếu lại có gia đình, con cái phải chu cấp thì bị đuổi việc chẳng khác nào “toang thật rồi”.
Chỉ riêng tại Thụy Điển, công-nhân-viên bị sa thải không phải quá lo lắng. Chậm nhất là sau một năm, họ đã có chỗ làm mới, lương cao. Tỷ lệ tái sử dụng lao động tại đất nước này cao tới 90%. Phần lớn lao động bị sa thải sớm trở lại với công việc mới. “Chúng tôi đều nghĩ bị đuổi việc chỉ đơn giản là sự khởi động cho một tương lai tốt đẹp hơn”, Erica Sundberg, một người dân Thụy Điển, cho biết.
Tất nhiên, điều tuyệt vời này không phải may mắn từ trên trời rơi xuống. Thụy Điển sở hữu một hệ thống chuyển đổi lao động độc đáo và “siêu năng suất”. Đó là dịch vụ phúc lợi tư nhân dành riêng cho người thất nghiệp. Nó được hỗ trợ bởi Liên hiệp các công ty và công đoàn trên toàn đất nước có tên là Trygghetsradet.
Đổi việc siêu năng động
Trygghetsradet là một tổ chức bảo vệ công việc. Nó có trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ đào tạo kỹ năng bổ sung và tìm việc làm mới cho lao động bị mất nghiệp. Khác với các hội đồng bảo vệ việc làm trên khắp thế giới đều là quỹ hỗ trợ của chính phủ, Trygghetsrådet của Thụy Điển hoàn toàn của tư nhân. Nó được thành lập và điều hành bởi sự hợp tác giữa các chủ lao động và công đoàn lao động. Các chủ lao động có nghĩa vụ đóng 0,3% thu nhập. Công đoàn sử dụng tổng số tiền này cho việc thành lập các Trygghetsradet, thuê chuyên viên, tổ chức khóa đào tạo kỹ năng bổ sung, hỗ trợ người bị sa thải tìm việc làm khác.
Lấy ví dụ trường hợp của Eva, 24 tuổi, nhà thiết kế đồ họa làm việc ở thành phố Stockholm. Vào năm 2016, Eva tốt nghiệp đại học và xin được việc làm. Đang yên lành thì đầu năm 2019, Eva nghe đồn công ty có dự định cắt giảm nhân viên. Cô lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Đúng lúc ấy, Eva được giới thiệu về Trygghetsradet. Vì nằm trong danh sách cắt giảm nhân viên, cô được tự động đưa vào chương trình huấn luyện nâng cao của Trygghetsradet.
Khi vừa bị sa thải vào tháng 6-2019, Eva được gửi tới Trygghetsradet. Chuyên viên tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng kiểm tra, phát hiện các kỹ năng cần thiết nhưng còn thiếu của cô, sau đó đưa đi đào tạo cấp tốc. Khóa học bổ sung kỹ năng của Eva kéo dài 8 tuần. Mọi chi phí đều do Trygghetsradet phụ trách thanh toán. Ngoài ra, Eva còn được huấn luyện thêm về nghệ thuật trả lời phỏng vấn. Trygghetsradet cử riêng nhân viên giúp cô thử tình huống, thực tập nhập vai. Kết thúc khóa đào tạo, Eva nộp CV xin việc. Sau 15 lần bị từ chối, cô xin được việc mới. Sang tháng 1-2020, Eva đi làm trở lại. Vì có thêm kỹ năng, mức lương cô được trả cũng cao hơn.
Tương tự như Eva, mọi lao động bị sa thải ở Thụy Điển đều được quyền truy cập, yêu cầu sự trợ giúp từ Trygghetsradet. Nhờ có hội đồng bảo trợ việc làm này, 90% lao động bị sa thải sớm tìm được việc làm mới phù hợp, lương cao hơn.
Tiện cho các “boss”
Tại Thụy Điển, có tổng cộng 16 Trygghetsradet. Mỗi tổ chức phụ trách một mảng lĩnh vực ngành nghề kinh tế khác nhau. Thời gian hỗ trợ người thất nghiệp tối đa là 5 năm, tính từ ngày nghỉ việc. Tuy nhiên, phần lớn mọi người sẽ tìm được việc mới trong vòng 6 tháng, chậm lắm thì 1 năm.
Ngoài hỗ trợ lao động thất nghiệp, Trygghetsradet còn mang đến nhiều lợi ích cho các công ty, doanh nghiệp. Các ông chủ thoải mái sa thải khi cần thiết. Cứ thấy “bộ máy nhân viên” có phần cồng kềnh, hiệu suất kém hoặc cần cắt giảm chi phí, họ lại đuổi bớt lao động. Người Thụy Điển thường hay ví Trygghetsradet giống như “dầu bôi trơn” nâng cao hiệu suất vận hành của các công ty. “Gã khổng lồ công nghệ” Ericsson của đất nước này cũng liên tục sa thải nhân viên, nhiều đến hàng ngàn lần.
Hiện tại, lực lượng của Trygghetsradet bao gồm khoảng 950.000 nhân viên. Mỗi năm, họ giúp khoảng 130.000 lao động vừa thất nghiệp thành công tìm việc làm mới. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu ngày nay, lượng lao động bị sa thải tại Thụy Điển cũng gia tăng chóng mặt. Thống kê quý III.2019 của Trygghetsradet cho thấy tăng hẳn 30% so với cùng kỳ năm 2018. Dẫu vậy, công-nhân-viên Thụy Điển vẫn hết sức lạc quan. Dù thị trường việc làm có khắc nghiệt hơn đi nữa, đã có Trygghetsradet gánh vác.
Tuy nhiên, Trygghetsradet cũng không lo tất. Họ từ chối hỗ trợ những lao động thất nghiệp quá lâu năm, thiếu kỹ năng trầm trọng hoặc mới xin việc lần đầu (thường là lao động trẻ không có bằng cấp tốt nghiệp giáo dục trung học và lao động nhập cư).
Mô hình đáng học hỏi
Có thể nói, Trygghetsradet chỉ cho và vì người lao động bị sa thải. Nó hoàn toàn thờ ơ với lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có việc làm. Một số người đã chỉ trích sự thiên vị này. Song nói đi cũng phải nói lại. Trygghetsradet nhận vốn đầu tư, quỹ điều hành từ các chủ lao động. Mục đích của các chủ lao động là xoa dịu công-nhân-viên bị sa thải và tạo cơ hội cho họ tìm được việc làm khác thay thế. Trách Trygghetsradet không tạo điều kiện cho các thế hệ lao động mới là vô lý.
So với các hội đồng bảo vệ việc làm khác ở châu Âu, ví dụ như Transfermaßnahmen của Đức, Trygghetsradet hoạt động hiệu quả hơn. Tại các quốc gia như Pháp hay Phần Lan, tỷ lệ tái sử dụng lao động chỉ chiếm 30% lao động thất nghiệp. Mặc dù hầu hết các nước đều có bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống này không hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Nhiều quốc gia đang tích cực xem xét, học hỏi mô hình Trygghetsradet của Thụy Điển.
“Cho dù là quốc gia nào cũng có thể tạo ra một hệ thống bảo vệ việc làm kiểu như Trygghetsrådet”, Lars Walter, giáo sư Đại học Gothenburg, khẳng định. “Nó cũng không nhất thiết phải là sự hợp tác song phương giữa các chủ lao động và công đoàn, mà có thể từ các cá nhân, tổ chức khác”.
Với người lao động, không gì quan trọng hơn là tìm được việc làm khác thay thế sau khi bị sa thải. Chưa nắm được “cần câu cơm” mới là còn vất vả, đau đầu. Một tổ chức hỗ trợ như Trygghetsrådet” là cứu cánh. Nó không chỉ giảm nhẹ cú sốc “bị đuổi việc”, mà còn giải tỏa tâm lý căng thẳng, mở ra những lựa chọn mới tốt đẹp hơn.
“Bị sa thải là một cú sốc”, Eva chia sẻ. “Nhưng bây giờ, tôi lại có chỗ làm mới và đồng lương cao hơn”. Cơ hội của cô cũng chính là sự mong mỏi của tất cả người đi làm trên thế giới.