Với nhiều phụ nữ Hàn Quốc thời nay, câu cửa miệng là “4 không”: Không hẹn hò, không tình dục, không kết hôn và không nuôi con. Dù vậy, họ không ghét đám cưới và muốn trải nghiệm mặc áo cô dâu ít nhất một lần. “Hôn lễ không chú rể” đột ngột thịnh hành. Các chị em thoải mái chi hàng triệu won để “cưới chính mình”, làm album ảnh lưu giữ khoảnh khắc tuổi trẻ tươi đẹp nhất trong trang phục váy cưới.
Từ bỏ hôn nhân
Hàn Quốc là xã hội bảo thủ. Dù đang trong thế kỷ XXI bình đẳng giới, họ vẫn xem đàn ông là trung tâm, còn phụ nữ chỉ như “hoa trang trí”. Từ gia đình cho đến các công ty đều không thích phụ nữ đã kết hôn đi làm. Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp, các chị em phải chấp nhận từ bỏ 3 thứ: yêu đương, hôn nhân và con cái.
Trọng trách “vợ đảm, mẹ hiền” của luật tục Hàn Quốc rất nặng nề. Người vợ phải chăm lo chu toàn từ miếng ăn, giấc ngủ đến quan hệ nội – ngoại cho chồng. Người mẹ phải giáo dưỡng con cái và gánh vác tất tần tật các công việc nội trợ. Trái lại, đàn ông Hàn Quốc được “cưng như trứng mỏng”. Ở nhà, họ không phải động chân tay vào việc gì. Ở chỗ làm, họ được ưu tiên thăng cấp, được trả lương cao hơn đồng nghiệp nữ.
“Tôi thừa nhận, Hàn Quốc hiện giờ vẫn xem trọng và đặt quyền lợi của nam giới lên đầu”, Giáo sư Shin Gi Wook cho biết. Trước thập niên 1950, nữ giới Hàn Quốc vừa bước vào tuổi trưởng thành là gấp rút lo lấy chồng, sinh con.
Tỷ lệ sinh ở quốc gia này luôn trên con số 5, tức là trung bình mỗi chị em đều sinh sản hơn 5 lần trong đời. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 1950 trở đi, tỷ lệ sinh giảm dần. Vào năm 2020, Hàn Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất:1,1, tức là trung bình, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở đây chỉ sinh con có 1 lần.
- Xem thêm: Mong được lên sân khấu
Theo báo cáo thống kê từ Hàn Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình của nữ giới cũng ngày càng tăng. Nếu vào năm 1990, nó là 24,8 tuổi thì sang năm 2000 đã lên tới 26,5 tuổi. Vào năm 2015, con số này còn tăng vọt lên 30 tuổi (cao nhất châu Á). Trên khắp nước, phụ nữ Hàn Quốc trì hoãn thời gian lên xe hoa.
Thay vào đó, họ tập trung phát triển sự nghiệp và ngày càng độc lập về mặt tài chính. Nếu vào năm 2015, tỷ lệ phụ nữ dưới 50 tuổi chưa kết hôn là 3,8% thì vào năm 2020 đã tăng lên 7,1%. Dự đoán đến năm 2025, con số này sẽ chạm mức 10,5%.
Cũng theo báo cáo từ Hàn Quốc, tỷ lệ các chị em độc thân xem kết hôn như mục tiêu tương lai ở năm 2008 là 46,5%. Bước sang năm 2014, con số này giảm xuống 38,7%. Vào năm 2018, nó chỉ còn 22,4%. “Tôi là người thẳng thắn nên sẽ nói thật.
Ở đất nước này, phụ nữ lấy chồng chỉ gặp lắm thiệt thòi chứ không được lợi gì cả”, Bonnie Lee, 40 tuổi, bức xúc bày tỏ. “Nực cười một điều nữa là phụ nữ càng học cao thì càng bị chê. Đàn ông chỉ quan tâm, người anh ta định cưới có khả năng chăm sóc cho cha mẹ chồng cả đời hay không mà thôi”.
Theo đuổi “4 không”
Ngày nay, phụ nữ Hàn Quốc thậm chí buông bỏ luôn nghĩa vụ lấy chồng. Họ rủ nhau “4K”: Không hẹn hò, không tình dục, không kết hôn và không nuôi con. Giữa làn sóng YOLO (욜로) – Bạn chỉ sống một lần trong đời, các chị em tuyên bố: “Độc thân là nhất”.
Vào giữa năm 2020, Hàn Quốc thống kê nhân khẩu. Họ báo cáo có đến 3,09 triệu khẩu là hộ phụ nữ đơn thân. Trên toàn quốc, Hàn Quốc có tổng cộng 6,14 triệu hộ đơn thân. Tính ra, lượng phụ nữ trưởng thành “ở nhà một mình” chiếm hẳn 50,3% các khẩu một người.
Thống kê dân số Hàn Quốc cũng dự đoán số lượng hộ khẩu nữ đơn thân sẽ tiếp tục tăng. Nó có thể đạt con số 3,23 triệu hộ vào năm 2025; và 3,65 triệu hộ vào năm 2035.
Năm 2019, điện ảnh Hàn Quốc giới thiệu bộ phim bom tấn tình cảm Kim Ji Young, Born 1982 được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên kể về cuộc sống ngột ngạt và đầy bất hạnh của nhân vật Kim Ji Young – người phụ nữ ngoài 30 đã kết hôn, phải nghỉ việc vì sinh con và làm nội trợ.
Nội dung bộ phim phơi bày toàn bộ thực trạng phân biệt giới tính trong gia đình và giữa xã hội thời nay ở Hàn Quốc. Nó được các nữ khán giả đánh giá 9,5/10 sao, trong khi các nam khán giả chỉ chấm 2,8/10 sao.
Trên nhiều trang mạng xã hội ở Hàn Quốc, các content creator (nhà sáng tạo nội dung) đang thiết lập nhiều kênh nữ quyền. Họ kêu gọi đạp đổ các nguyên tắc phụ quyền, áp đặt nữ tính, tẩy chay kết hôn… Chính phủ Hàn Quốc rất lo lắng vì sự phản kháng đối với truyền thống trọng nam sẽ khiến tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh giảm mạnh hơn nữa. Dự đoán đến năm 2067, tổng dân số Hàn Quốc sẽ chỉ còn 39 triệu người, trong đó có đến 50% dân số là người từ 62 tuổi trở lên.
Và cưới chính mình
Sau việc theo đuổi 4K, phụ nữ Hàn Quốc còn hình thành một xu hướng văn hóa khác biệt nhất thế giới: đám cưới một mình. Họ tuyên bố kết hôn với chính mình, tự bỏ tiền làm album ảnh cưới.
Một ngày đẹp trời năm 2017, Kim Yi Seul, 26 tuổi, bước vào hiệu chụp ảnh cưới Sarang Snap ở Thủ đô Seoul. Jeong Kyu Jin, chủ tiệm, niềm nở chào đón, mời cô ngồi trước bàn trang điểm và bắt đầu make-up theo phong cách cô dâu. Xong phần đầu tóc, Seul thay bộ váy cưới trắng muốt sang trọng. Hôn lễ của cô bắt đầu, nhưng không có chú rể hay khách mời.
Người duy nhất có mặt chỉ là thợ chụp ảnh. Phó nháy này nhiệt tình hướng dẫn Seul tạo dáng, chụp những tấm ảnh cưới đẹp mê hồn. “Tôi không biết sau này mình có kết hôn hay không, nhưng chắc chắn bây giờ là thời điểm mặc váy cưới đẹp nhất”, Seul chia sẻ. “Tôi muốn lưu lại khoảng khắc này, để ghi nhớ mãi”.
Về thực chất, đám cưới một mình chỉ là một buổi chụp hình cưới. Cô dâu đơn thân tự bỏ tiền túi thuê trang điểm, chụp hình và làm album ảnh cưới. Sau buổi chụp hình, họ cũng có thể “tuần trăng mật độc thân” tại khu nghỉ dưỡng lãng mạn nào đó nếu muốn. Chi phí make-up và thuê váy cưới từ 350.000 won (khoảng 7 triệu VNĐ) trở lên, chụp ảnh và đóng album thì rẻ nhất cũng cỡ 1 triệu won (khoảng 20 triệu VNĐ).
Phần lớn các cô dâu đơn thân là phụ nữ trong độ tuổi từ 20-30. Giống như Seul, họ không quan tâm chuyện hôn sự trong tương lai, mà chỉ muốn mặc áo cưới và chụp ảnh cô dâu trong thời gian mình xinh đẹp nhất. “Chúng ta chỉ sống có một lần trong đời”, Jin thổ lộ. “Nếu bạn có tiền và muốn thử làm cô dâu, vậy thì tiếc gì mà không chi để tận hưởng?”. Với Sarang Snap, cô dâu độc thân chiếm 10% lượng khách hàng. Đó là một con số không hề nhỏ.
- Xem thêm: Phụ nữ độc thân và các mối quan hệ
Bắt nhịp sở thích “kết hôn với bản thân” của phụ nữ, thị trường đám cưới Hàn Quốc nô nức sáng tạo và giới thiệu các gói dịch vụ tương ứng. Một số chị em trẻ còn đi xa đến mức thuê lễ đường, tổ chức đám cưới thật không có chú rể và mời quan khách. “Tôi đã đi 300.000 won/đám cưới (khoảng 6 triệu VNĐ) suốt nhiều năm nay”, Jeong Un, 36 tuổi, giải thích. “Trong số những người tôi từng mừng cưới, có nhiều người đã ra nước ngoài sinh sống hoặc mất liên lạc. Vì thế, tôi quyết định cưới mình để ‘hồi vốn’ trước khi quá muộn”.
Sau đám cưới chỉ có cô dâu, Un “thu hồi” được 3 triệu won (khoảng 60 triệu VNĐ). Cô dự định sẽ thêm vào tiền tiết kiệm, tậu chiếc xe Sedan màu đỏ đã nhắm từ lâu mà chưa đủ tài chính.