Khái niệm “kết nối” khá thịnh hành trong thời buổi công nghệ phát triển hiện nay. Từ kết nối internet toàn cầu, đến kết nối các thành viên trong công ty, gia đình… với nhiều hình thức mà các phương tiện truyền thông hiện đại luôn đề cao.
Thế nhưng về mặt kiến trúc, theo văn hóa phương Đông thì “kết nối khí” là quan niệm đã có từ lâu và là giải pháp phong thủy hết sức cơ bản, với nhiều ứng dụng phong phú trong bài trí nhà cửa, sân vườn, nội thất… để đem lại tiện nghi cao, trường khí tốt cho nơi cư ngụ.
Kết nối tăng tiện nghi trên mặt bằng
Trước tiên cần hiểu “kết nối” không chỉ tạo sự liên thông một cách chung chung, tràn lan. Thói quen thời công nghệ ưa “băng thông tốc độ cao”, mở rộng tương tác đa chiều khiến nhiều gia chủ trẻ ngày nay khá chuộng kiểu nhà thẳng tắp từ trước ra sau, liên kết một cách thoải mái mọi khu chức năng theo kiểu “từ giường ngủ ngắm đủ khu vệ sinh”, hay “vào nhà là sà ngay miệng bếp”.
Thói quen tạo nên ứng xử, thoáng mở quá cũng khiến nhiều vấn đề về riêng tư và nội khí phong thủy bị ảnh hưởng. Do vậy, quan niệm kết nối khi quán chiếu từ góc độ văn hóa phương Đông sẽ định vị hài hòa hơn cách thức tổ chức không gian sao cho giữ được riêng tư và nối kết hiệu quả. Cụ thể như sau:
– Giữ riêng tư: ngôi nhà càng hiện đại thì càng cần lưu tâm đến sự tôn trọng riêng tư, cá nhân. Riêng tư do khác biệt thế hệ, do góc nhìn về lối sống và văn hóa khác nhau, và cũng có thể do nhịp sinh học, giờ giấc sinh hoạt khác biệt. Ngôi nhà hợp phong thủy là dung hòa được các thế hệ và giúp các thành viên đều có “chỗ đứng” trong cấu trúc không gian, cho dù thuộc nhóm mệnh Tây hay mệnh Đông, là chủ nhà hay là thành viên phụ thuộc.
- Xem thêm: Tiện nghi đi cùng đa năng
Đã qua rồi cái thời phụ nữ chỉ biết “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”, giờ đây mệnh chồng hay vợ đều cần được đặt lên xem xét với vai trò như nhau khi xây nhà. Con cái cũng vậy, cần bố trí nội thất hợp độ tuổi, giới tính, tạo môi trường an toàn và sáng tạo cho trẻ, giúp các thành viên nhí phát huy khả năng định hình tính cách từ thuở nhỏ, tránh phụ thuộc thụ động và mất cá tính riêng.
– Đủ ngũ hành: các hành trong không gian sống cũng như trong cơ thể người, cần hài hòa tránh thiên lệch, do đó đủ ngũ hành là hiểu tính chất Hỏa thăng thì Thủy giáng, Kim ẩn thì Mộc lộ, còn Thổ cần trung dung. Tức là bốn hành mang tính động, một hành giữ thế tĩnh, trung dung ở giữa (Thổ), có thể áp dụng triết lý kết nối ngũ hành trong thiết kế nội thất.
Kim ẩn nghĩa là bộ khung xương của nhà hiện đại ngày càng nhẹ, dùng kim loại và liên kết ráp nối mang tính công nghiệp nhiều hơn để giảm thời gian thi công tại chỗ và gây ô nhiễm do kiểu xây thủ công. Hệ vách ngăn thạch cao khung nhôm, trần khung thép nhẹ, cửa trượt nhẹ… đều là dạng Kim ẩn.
Còn Mộc lộ thì nên dùng các bề mặt gần gũi thiên nhiên, hoặc giảm thiểu lớp che phủ độc hại, dùng gỗ tận dụng, gỗ rừng trồng, kết hợp với vải và cây xanh hợp với môi trường, tăng bề mặt mềm mại… nhằm góp phần kết nối xúc cảm, gần gũi thiên nhiên hơn trong không gian sống. Các công năng thiên về tâm linh, có tỏa nhiệt nhiều cần cấu trúc vươn cao, tạo khoảng thoát khí tốt cho Hỏa thăng.
Đồng thời, chớ quên tính chất thư giãn, xóa mờ ranh giới tại các vị trí nghỉ ngơi, giải trí, khai thác trục giao thông và chênh lệch cao độ, quan tâm cầu thang và giếng trời… là những vị trí thuận lợi cho hành Thủy phát huy lợi điểm lan tỏa, tuôn chảy về nhiều nghĩa (thông gió, điểm nhìn, tạo không gian).
Kết nối tốt để tạo mát âm, giảm bức xạ
Về cơ bản khí hậu nước ta luôn thừa nắng, nhất là khu vực phía Nam, nên hầu như nhà cửa truyền thống đều phải làm mái vươn rộng che nắng, vào nhà qua hiên như qua một lớp đệm chuyển tiếp, cái nóng được giảm thiểu khi đi sâu vào nội thất, ánh sáng huyền ảo, dịu mát, mà theo chuyên gia phong thủy GS-TS Nguyễn Tiến Đích thì đó là giải pháp tạo “mát âm” rất hiệu quả, thể hiện qua năm tiêu chí cần đạt được:
- Cách nhiệt tốt nhờ bố trí tường bao và mái đủ dày, vươn rộng và chắn được nắng xiên, nhất là tại các hướng thường chịu bức xạ cao như Nam và Tây Bắc.
- Không làm kết cấu bít bùng đặc kín, mà dùng cấu trúc vật liệu thoáng (gạch lỗ, khe, lam, cửa chớp…) cũng như tường và mái nhiều lớp rỗng để tạo sự đối lưu giữa nội và ngoại khí.
- Tỷ lệ mở cửa đủ lấy sáng và thông thoáng chứ không mở toang, trên bề mặt tường ngoài nhà với điều kiện nhiệt đới ở Việt Nam thì diện tích trổ cửa không nên vượt quá 25%, và cửa kính nếu ít ngăn được bức xạ mặt trời trực tiếp thì dễ trở thành dạng “bẫy nhiệt” nung nóng nội thất.
- Giữ được đất tự nhiên hoặc thảm cỏ quanh nhà để không bị hiện tượng tích nhiệt và đảo nhiệt từ các bề mặt bị bê tông hóa tỏa ra.
- Dẫn khí vào nhà theo lối Khúc (uốn lượn, quanh co) chứ không nên theo kiểu Trực (xông thẳng, trực diện). Cách kết nối này cũng hợp với văn hóa truyền thống có sự uyển chuyển linh hoạt trong ứng xử, bài trí nhà cửa.
Đa số kiểu nhà làm theo phong cách hiện đại thường viện dẫn lý do môi trường đô thị ô nhiễm, ồn ào, khói bụi nên không thể làm thoáng. Từ đó dẫn đến kiểu làm nhà theo khối hộp Tây phương, mặt dựng nhiều kính, không gian mở rộng hết cỡ rồi lại kéo rèm che kín mít, bật điều hòa chạy suốt. Điều này đi ngược lại với các giải pháp rất khôn khéo mang đậm tính văn hóa bản địa của cha ông đã đúc kết qua bao thế hệ.
Tuy gọi chung là chắn nắng, nhưng thực chất có đến ba thành phần cần xử lý khi bố trí chắn nắng, đó là giảm trực xạ của mặt trời, tránh tán xạ của bầu trời, và hạn chế phản xạ nhiệt, giảm chói của mặt đất và công trình lân cận tác động vào nhà.
- Xem thêm: Để house thành home
Để che nắng đi cùng với đón gió tốt thì nên học hỏi giải pháp khôn ngoan, tiết kiệm của cha ông, như làm tấm liếp, phên tre chắn nắng, hàng hiên và mái đua, làm tường xây dày hai đầu hồi đông tây tránh nắng chói. Rồi lợp mái bằng tranh rạ hay ngói đều rất dày, nhiều lớp, vài năm thay đổi, làm mới lại bộ mái, đảo ngói… đều rất khoa học và giúp nhà luôn mát mẻ.
Hiện nay, nhiều kiến trúc đương đại đã khéo dùng gạch bông gió, gạch không nung, lam bê tông hoặc gỗ nhân tạo… vừa hợp khí hậu vừa có nét thẩm mỹ nhiệt đới đương đại rất đáng tham khảo. Cách kết nối khí qua cấu trúc và vật liệu xốp rỗng, thoáng hở này là giải pháp phong thủy hợp với tiêu chí kiến trúc bền vững, hiện đại, tiết kiệm năng lượng đáng kể.
Kết nối khí qua xử lý đồ nội thất
Khi nội thất nhiều đồ đạc, hoặc cấu trúc phần cứng ngăn chia nhiều sẽ làm Nội khí tù hãm, gọi là nhà Hỏa vượng, bức bối, khó đạt tính tiện nghi trong không gian. Nếu không thể thay đổi cấu trúc (vì lý do nhà xây sẵn, căn hộ chung cư…) thì cần “làm dịu” bằng xử lý kệ tủ, hạn chế vật dụng bừa bộn và tích hợp công năng sao cho gia tăng được khoảng trống.
Gia chủ cũng nên lưu tâm đến các không gian phụ để giảm áp lực cho không gian chính, bằng cách tận dụng gian áp mái, dạ dưới gầm cầu thang, khoảng trống trên nóc vệ sinh… làm phòng kho, đồng thời tích hợp hệ thống tủ với vách ngăn để tránh tạo ra những vùng “vô dụng” trên mặt bằng, góp phần nâng cao tiện nghi khi sử dụng.
Tăng tiện nghi cho nhà còn là giảm bớt các khu chức năng, vị trí đồ đạc bố trí bị “cứng” tại một chỗ cố định, để thay thế bằng các giải pháp “mềm” hơn. Công nghệ kết nối không dây, kết nối điều khiển nhờ cảm ứng, cảm biến, nhận dạng nhân trắc học… trở thành điều kiện quá thuận lợi giúp ứng dụng vào ngôi nhà hiện đại sao cho vừa tiện nghi lại vừa hợp phong thủy.
- Xem thêm: Nhận dạng chốn an cư
Ví dụ như hệ thống cửa là thành phần đóng vai trò quan trọng về mặt bảo vệ, giao tiếp trong – ngoài và kết nối các khu vực trường khí khác nhau. Cửa thông minh chắc chắn sẽ giảm thiểu các rủi ro khi sử dụng tiện ích mỗi lúc ra vào, đóng mở, kiểm soát an toàn… Nhưng không phải cứ dùng bộ điều khiển hiện đại gắn vào cửa là không gian nhà sẽ thoải mái, vì yếu tố môi trường biến đổi luôn cần gia chủ và người thiết kế phải đảm bảo các nguyên tắc bài trí cơ bản trước khi ứng dụng công nghệ kết nối.
Cùng với câu nói nổi tiếng Less is More, kiến trúc sư lừng danh Ludwig Mies Van der Rohe còn có phát biểu kinh điển để lại cho các nhà thiết kế “God is in the detail” (Chúa trời ngự trị ở chi tiết) để nhấn mạnh vai trò của việc thiết kế giản dị, tinh lọc nhưng dùng chi tiết phải hoàn chỉnh, đẹp đẽ.
Thị trường nội thất hiện nay đang đi theo tinh thần đương đại này: giảm chi tiết mà vẫn tiện dụng, hướng đến vẻ đẹp nhã nhặn và sử dụng chất liệu thân thiện môi trường. Đó cũng chính là tinh thần văn hóa phương Đông xưa nay hướng đến nhằm đáp ứng tốt nhu cầu, tránh mê tín dị đoan và giảm xâm hại tự nhiên.