Trong khi cả thế giới than vãn, bức bối vì bị cách ly xã hội, cư dân Thụy Điển không một lời kêu ca. Với họ, sống hay làm việc một mình là chuyện bình thường, dễ chịu nhất. Có đến trên ½ cư dân ở Thụy Điển là người sống đơn thân. Giữa cơn sốt Coranavirus, văn hóa sống ưa đơn độc, ngại hòa đồng của họ hóa ra lại là phương pháp ngăn cản sự lan truyền bệnh dịch hiệu quả.
½ cư dân là người đơn thân
Thụy Điển là quốc gia ở châu Âu có diện tích khoảng 450.295km2 và dân số khoảng 10,18 triệu người. Họ nổi tiếng với văn hóa sống tự lập, ưa thích ở một mình. Thanh thiếu niên Thụy Điển chỉ 14-15 tuổi đã muốn ra ở riêng. Hiếm có người nào đã vào tuổi 20 mà vẫn còn ở chung với cha mẹ. Theo số liệu thống kê của Thụy Điển, độ tuổi tự lập của thanh thiếu niên trong nước là 18-19 tuổi, sớm hơn hẳn 7-8 năm so với độ tuổi tự lập trung bình của thanh thiếu niên châu Âu (26 tuổi).
Ở Thụy Điển, có đến hơn ½ cư dân là người đơn thân. Tỷ lệ số hộ một nhân khẩu của họ cao nhất toàn châu lục. Trong khi không ít người trên khắp thế giới đang bất chấp quy định cách ly, trèo tường trốn ra ngoài để được tiếp xúc, chuyện trò với người khác, người Thụy Điển vẫn thản nhiên “bình chân như vại”. “Chúng tôi rất giỏi ở nhà một mình”, Swede Cajsa Wiking, 21 tuổi, cho biết. “Vốn dĩ, chúng tôi đã không quen kiểu sống hòa đồng như các nền văn hóa khác. Thế nên dù bị hạn chế tiếp xúc với xã hội, tôi cũng chẳng thấy có vấn đề gì”.
Như hầu hết các nước ở châu Âu, Thụy Điển cũng không tránh khỏi bị virus Covid-19 xâm nhập và đe dọa. Vào ngày 31-1-2020, họ phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên. Nhưng khác với phần lớn các nước, cư dân Thụy Điển dễ dàng tiếp nhận yêu cầu cách ly. Wiking đang sống trong căn hộ một phòng ngủ ở thành phố Uppsala. Sau khi nghe khuyến nghị nên ở yên trong nhà, cô không bất ngờ hay khó chịu chút nào. “Tôi vẫn sinh hoạt như cũ thôi, sắp xếp đồ đạc, làm việc từ xa và đọc sách khi rảnh rỗi”.
Chỉ thích một mình
Không có ở bất cứ đâu, mọi người lại ưa xa cách nhau, ghét tụ tập thành đám đông hơn tại Thụy Điển. Ngay cả giữa cha mẹ và con cái cũng có khoảng cách. Các bậc phụ huynh Thụy Điển hiếm khi gần gũi, tâm tình với con em. Có đến 55% thanh thiếu niên Thụy Điển từ 16-24 tuổi cả năm không gặp gỡ, nói chuyện với người than một lần nào.
Trên các phương tiện giao thông công cộng, người Thụy Điển luôn ý thức ngồi cách nhau một khoảng nhất định và tránh bắt chuyện với người khác. Trong các cửa hàng hoặc quán cà phê, họ không bao giờ vô cớ đến gần, chào hỏi hay nói chuyện với người lạ. Bạn bè, người yêu khi cùng nhau đi lại trên đường cũng tự giác cách xa 1m.
Văn hóa làm việc ở Thụy Điển không đặt nặng việc nhân viên phải có mặt ở chỗ làm. Có tới 2/3 công nhân viên Thụy Điển thỉnh thoảng làm việc từ xa, và 1/3 luôn làm việc từ xa hàng ngày hoặc hàng tuần. Họ cũng được phép linh hoạt về thời gian, miễn là hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Trong bối cảnh đại dịch Coronavirus hiện tại, các công ty Thụy Điển càng dễ dãi với vấn đề cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Họ thậm chí nhắc nhở người lao động, nếu thấy bị ho hay cảm cúm phải lập tức nghỉ việc, tránh đến công ty rồi lây cho người khác. Cũng tại Thụy Điển, trợ cấp đau bệnh cho nhân viên cao hơn hầu hết các nước khác.
Không cần gay gắt, vẫn chống dịch hiệu quả
Ngay khi phát hiện trường hợp Covid-19 đầu tiên, chính phủ và ngành y tế Thụy Điển đã đề cao vấn đề phòng chống dịch. Họ hành động rất bình tĩnh, không sử dụng bất cứ biện pháp gay gắt nào và tập trung bảo vệ những nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất.
Nhóm đầu tiên được quan tâm là học sinh dưới 16 tuổi. Các trường học được lệnh tạm đóng cửa. Các phụ huynh được nhắc nhở hãy chú ý đến sức khỏe của con em nhiều hơn. Kế đến là những cư dân đang bị ốm và trên 70 tuổi. Họ được đề nghị tự giác cách ly tại nơi cư trú, hủy tất cả các cuộc họp mặt, đi lại không quá quan trọng.
Đối với các nhà hàng, cửa tiệm ăn uống, chính phủ Thụy Điển giới hạn chỉ phục vụ dưới 50 người một lúc. Với các công ty, doanh nghiệp, họ đề nghị tăng cường chuyển đổi, hỗ trợ làm việc từ xa. “Chúng ta là những người trưởng thành”, Thủ tướng Stefan Stefan L#fven phát biểu trên kênh truyền hình. “Đừng hoảng loạn hay lan truyền tin đồn vô căn cứ. Không có ai phải một mình đối phó bệnh dịch, nhưng mỗi người đều nên tự ý thức trách nhiệm của mình”.
Quan sát gần đây cho thấy ¾ người Thụy Điển luôn cách người khác ít nhất 1m. Tại thủ đô Stockholm, 1/3 nhân viên đang làm việc từ xa. Theo báo cáo của công ty vận tải công cộng Stockholm – SL, số lượng hành khách đã giảm 50%. Toàn dân Thụy Điển tuân thủ quy định cấm đi ăn, uống chung trên 50 người/nhóm. Họ chỉ đến quầy bar theo nhóm 2-3 người và luôn tránh những nơi đã đông thực khách. Mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại, đất nước này đã và đang thực hiện công tác phòng chống dịch rất tốt. Một phần của điều tốt đẹp ấy đến từ thói quen, niềm vui thích sống một mình.
Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn còn một mối lo ngại. Đó là lối sống ưa tự cô lập sẽ nâng lên một cấp mới. Người Thụy Điển vốn đã ngại hòa đồng, có khả năng sẽ càng xa cách nhau hơn nữa. Với tương lai, nó không phải là một chuyện đáng mừng.