Chọn cách làm khác với các nước láng giềng Scandinavia và nhiều nơi khác trên thế giới trong việc cân bằng giữa phong tỏa và lợi ích kinh tế, giữa cứu người và giữ việc làm, Thụy Điển rốt cuộc được gì?
“Thụy Điển đã trở thành câu chuyện cảnh tỉnh của thế giới” là tít bài viết trên tờ New York Times hôm 7-7. Các câu chuyện dân gian, ngụ ngôn chủ đề này thường có công thức chung: nhân vật chính phớt lờ cảnh báo về một vấn đề nào đó và nhận cái kết đắng, trở thành bài học cảnh tỉnh để rút ra.
Trong câu chuyện cảnh tỉnh thời COVID-19, Thụy Điển “đi ngược dòng” khi từ chối áp đặt phong tỏa, và kết quả là hàng ngàn người chết mà lợi ích kinh tế – tưởng là thu được vì không hạn chế kinh doanh – chẳng thấy đâu.
Phe phê phán các lệnh phong tỏa để ngăn sự lây lan của COVID-19 thường cảnh báo coi chừng bài thuốc – tức các biện pháp giới hạn đi lại, kinh doanh – còn tệ hơn bản thân căn bệnh mà nó cần ngừa. Ngay từ khi dịch bệnh lan đến châu Âu, Thụy Điển đã khiến cả thế giới chú ý khi không phong tỏa, để các quán bar, nhà hàng, hiệu cắt tóc, phòng gym, các cửa hàng và đa số trường học hoạt động như bình thường.
Cách làm của Thụy Điển như một cuộc thí nghiệm, giúp thế giới biết được nếu một chính phủ không áp lệnh phong tỏa trong đại dịch thì điều gì sẽ xảy ra. Và đây là điều đã xảy ra: không chỉ hàng ngàn người mất mạng vì COVID-19 mà kinh tế Thụy Điển, dù không có lệnh giãn cách xã hội nào, cũng chẳng tốt lên được mấy.
Tính đến ngày 13-7, quốc gia này có hơn 74.800 ca nhiễm xác nhận và hơn 5.500 người chết. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Thụy Điển có 50,7 ca tử vong trên 100.000 dân, so với Đan Mạch 10,4 người chết/100.000 dân và Na Uy là 4,7 người chết/100.000 dân.
Jacob F. Kirkegaard, chuyên gia Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington, Mỹ), cho rằng Stockholm chẳng thu được gì từ cuộc thử nghiệm trả bằng mạng người nói trên. “Đó là một vết thương tự gây ra và họ cũng chẳng thu được lợi ích kinh tế nào” – Kirkegaard nói với New York Times.
Stockholm cứ nghĩ không hạn chế chuyện làm ăn thì sẽ không bị thiệt hại về kinh tế, nhưng kết quả là ảnh hưởng lên doanh nghiệp và sự thịnh vượng của quốc gia này cũng có quy mô gần như các nước láng giềng có áp đặt các lệnh giới hạn. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển dự kiến kinh tế sẽ giảm 4,5% trong năm nay, trái ngược với dự báo “tăng 1,3%” trước đó. Tỉ lệ thất nghiệp từ 7,1% hồi tháng 3 đã tăng lên 9% trong tháng 5.
Thực tế cho thấy biện pháp “để nguyên mọi thứ” của Thụy Điển có vẻ đã giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế so với các nước láng giềng trong 3 tháng đầu năm nay, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ thế giới. Song ảnh hưởng đó đã biến mất khi đại dịch quét khắp kinh tế toàn cầu và người Thụy Điển tự nguyện cắt giảm chi tiêu.
Nói với trang Market Watch, Dhaval Joshi, trưởng chiến lược gia về đầu tư châu Âu của Hãng nghiên cứu BCA Research, giải thích rằng chuyện thay đổi hành vi khi có dịch bệnh là đương nhiên, bất kể có phong tỏa như Na Uy hay không phong tỏa như Thụy Điển. Vì lo sợ, người ta sẽ dừng sử dụng phương tiện công cộng, đi mua sắm, đến chỗ đông người, thậm chí cho con nghỉ học, trong khi đó ngành sản xuất kinh doanh còn bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu – có mình ta thì chơi với ai?
Bài toán khó cho các chính phủ thời dịch bệnh là làm sao cân bằng giữa cứu người và giữ việc làm. Nếu đóng cửa quyết liệt thì kinh tế không chịu nổi, còn gỡ bỏ giãn cách xã hội có thể làm tăng rủi ro về y tế, nhưng dù sao cũng được an ủi là kinh tế được kích thích. Đó chỉ là lý thuyết chung.
Những gì diễn ra cho thấy, “bài học rút ra” từ câu chuyện cảnh tỉnh mang tên Thụy Điển sẽ là: lựa chọn giữa mạng sống và tiền lương ngay từ đầu đã là sai, không áp dụng giãn cách xã hội có thể tước mất cả mạng người và việc làm cùng lúc.