Nếu bạn đang than trời vì phải ôm công việc về nhà tăng ca, hãy đến Đức! Tại quốc gia ở châu Âu này, đã hết giờ hành chính thì dù chỉ mở email công việc hay gọi điện thoại với đồng nghiệp cũng bị cấm! Luật giờ giấc lao động của Đức quy định rõ: công nhân viên có quyền lợi và nghĩa vụ nghỉ liên tục đủ 11g/ngày. Các ông chủ nào dám cố ý làm gián đoạn sẽ lập tức bị trách phạt nghiêm khắc.
Feierabend: Buông bỏ công việc triệt để
Mọi quốc gia đều có luật lao động, quy định rõ thời gian làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện tăng ca… Có điều, đất nước nào cũng chỉ tuân thủ một cách phiên phiến. Chẳng chủ lao động nào lại muốn lúc cần công nhân viên ngoài giờ mà gọi điện thoại không ai nghe. Ngay bản thân người lao động cũng thích tranh thủ khoảng thời rảnh rỗi ở nhà, đổi lại sự cho phép linh hoạt giờ giấc trên công ty. Công việc và đời sống riêng tư nói tách biệt thì tách biệt, mà nói không tách biệt cũng không tách biệt.
Riêng tại Đức, quốc gia châu Âu có diện tích khoảng 357.000 km2 và dân số 82,79 triệu người, công việc và đời sống riêng tư hoàn toàn tách biệt. Điều này bắt đầu từ năm 2003, khi Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các nước trong nhóm hãy đề xuất và hợp pháp hóa luật thời gian làm việc và nghỉ ngơi. “Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh đề xuất của EU”, David Markworth, nhân viên Viện Luật Lao động và Thương mại Đại học Cologne (University of Cologne’s Institute of Labour and Commercial Law), cho biết. “Người Đức chúng tôi lúc nào cũng muốn công-tư rạch ròi”.
Luật lao động của Đức chào đời, trong đó quy định rõ: sau giờ làm việc, người lao động có quyền lợi và trách nhiệm nghỉ ngơi liên tục đúng đủ chí ít là 11g. Suốt 11g này, cho dù là chủ lao động, đồng nghiệp hay chính bản thân người lao động cũng không được phép làm gián đoạn. Ngôn ngữ Đức gọi khoảng thời gian này là “Feierabend”, có nghĩa “nghỉ ngơi triệt để”+“buông bỏ công việc hoàn toàn”. Mọi công ty, tập đoàn, cơ quan, nhà máy của Đức đã hết giờ làm là vắng tanh vắng ngắt. Chỉ cần người đi làm có thể chứng minh, chủ lao động gây phiền hà cho Feierabend là được liên đoàn lao động đứng ra bênh vực. Các ông chủ không chỉ bị khiển trách, mà còn phải bồi thường.
Tất nhiên là quy định giờ giấc lao động của Đức cũng chừa một ít ngoại lệ. Nó rơi vào các trường hợp nhân viên bệnh viện, người chăm sóc, người làm việc trong các ngành nghề như khách sạn, vận tải, truyền thông và nông dân. Tuy nhiên, ngay cả các ngoại lệ cũng có quyền lợi và nghĩa vụ nghỉ ngơi đúng đủ chí ít 10g.
Bảo vệ người lao động
Với các nền văn hóa làm việc khác trên thế giới, quy định giờ giấc của Đức quá cứng nhắc. Đành rằng nên tách biệt công việc và đời sống riêng tư, nhưng cần gì đến mức quan tâm một chút cũng không cho? Luật lao động Đức trả lời: sự cứng nhắc đó là cần thiết để bảo vệ người lao động.
Thường thì chúng ta chỉ thấy có nguy cơ bị chủ lao động bóc lột mà quên mất khả năng bị “giết” bởi chính thói tham công tiếc việc của mình. Hãy nhìn vào nền văn hóa “làm việc đến chết” ở Nhật Bản đi nào! Trong khi hầu hết các quốc gia chỉ làm việc từ 40-48g/tuần, người Nhật đẩy lên tới 80g/tuần. Mặc dù luật lao động Nhật Bản cho phép công nhân viên nghỉ 20 ngày/năm, 35% không nghỉ đủ. Một phần vì họ sợ làm phật lòng chủ, dẫn đến mất việc, phần khác lại do bản thân người đi làm quá say công việc, không tự buông bỏ được.
Feierabend của Đức một mặt bảo vệ người lao động khỏi các chủ lao động, một mặt bảo vệ họ khỏi chính mình. Cho dù là ai cũng có đời sống riêng tư cần quan tâm. Ngay cả khi không bị vợ/chồng, con cái bìu ríu cũng còn bản thân để lo nghĩ. Feierabend cho phép người lao động Đức đặt ranh giới rõ ràng, nghỉ ngơi triệt để trước khi bắt đầu một ngày lao động khác. Họ nghiêm ngặt tuân thủ bởi nếu nới lỏng quy tắc, sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ người lao động bị lạm dụng. Một khi đã đụng tới chủ đề công việc, chúng ta không cách nào thôi nghĩ ngợi về nó được. Sự căng thẳng từ chỗ làm theo luôn về nhà, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe tinh thần, cuối cùng tạo gánh nặng lên thể chất. Theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp (Federal Institute for Occupational Safety and Health – BAUA) của Đức, rất nhiều lao động không nghỉ đủ 11g/ngày trở lên báo cáo bị mệt mỏi, đau nhức lưng-vai…
Chiến đấu với số hóa
Nhờ có Feierabend, người lao động Đức khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng khi cuộc cách mạng kỹ thuật số diễn ra, tình yêu của họ đối với Feierabend lại bị dao động. Mặc dù nó mang đến cho họ hẳn 11g riêng tư mỗi ngày, khoảng thời này lại quá dài. Một số người phát chán vì không có gì làm, bắt đầu “phá luật”, tự ý mở đọc email công việc, xem tài liệu giết thời gian bằng điện thoại thông minh, máy tính.
“Feierabend đã bị lách”, Adél Holdampf-Wendel, một chuyên gia luật lao động, khẳng định. “Công nhân viên Đức đang ngày càng vi phạm quy định giờ giấc nghỉ ngơi. Một số người vi phạm vì muốn nghỉ việc sớm, tiện đón con cái, làm việc vặt rồi bù giờ sau. Một số khác lại vì thích được đi làm muộn, cố ý liên lạc, trao đổi về công việc với đồng nghiệp trong đêm trước”.
Cái lợi của thời đại số hóa là nó cho phép làm việc từ xa. Khi có thể thực hiện nghĩa vụ làm việc ở đâu cũng được, người ta quan tâm hoàn thành chỉ tiêu hơn có mặt tại chỗ làm. Feierabend thành ra cản trở. “Quy định về giờ giấc nghỉ ngơi đang bị vi phạm trên diện rộng”, Claudia Knuth, luật sư thuộc công ty luật Lutz Abel, nhận định. Theo khảo sát năm 2019 của Hiệp hội Kỹ thuật số Bitkom, Đức, 96% người tham gia đồng tình rằng Feierabend trong thế giới số hóa là không cần thiết. Các chủ lao động cũng muốn liên hệ được với người lao động ngoài giờ làm việc khi cần.
Nới lỏng Feierabend là chuyện đơn giản, nhưng không có gì đảm bảo nới lỏng rồi vẫn bảo vệ được lợi ích cho người lao động. Khảo sát năm 2017 của BAUA chỉ ra: có tới 20% công nhân viên đã nghỉ ngơi ít hơn 11g/ngày chí ít là 1 lần/tháng. Tổ chức này nghi ngờ, nhiều lao động đã bị ép làm thêm giờ bất hợp pháp. “Chúng tôi lo ngại sự linh hoạt về mặt thời gian về thực chất chỉ là chiêu bài bóc lột mới”, Nils Backhaus, chuyên gia của BAUA, phân tích. “Mọi người cứ nghĩ thời gian làm việc vẫn vậy, mà không hay mình đã tốn nhiều giờ giấc hơn khi chuyển sang làm việc ở nhà”.
“Ban đầu, Feierabend được đặt ra để đảm bảo công nhân phục hồi thể chất giữa các ca”, Backhaus nói thêm. “Nghỉ ngơi triệt để là cần thiết để lấy lại sức khỏe thể chất và tinh thần. Mọi người cứ tưởng, đọc và trả lời một cái email công việc cũng chẳng tốn mấy sức. Nhưng hầu hết những ai đã đọc và trả lời đều vô thức suy nghĩ về nó lâu hơn, khiến sự thư giãn đầu óc bị ảnh hưởng”.
“Trong thế giới số hóa ngày nay, việc bảo vệ người lao động lại càng thêm cần thiết”, Markworth nhấn mạnh. Với điện thoại thông minh, máy tính xách tay luôn bên người, công nhân viên Đức đang dễ dàng truy cập, trao đổi về công việc ngoài giờ và ngoài chỗ làm. Điều này có khả năng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. “Câu hỏi được đặt ra bây giờ là làm thế nào, trong cái thế giới bị số hóa rộng khắp này, tiếp tục bảo vệ người lao động khỏi sự lạm dụng của các chủ lao động và chính họ”, Markworth kết luận.
Có thể thấy, kẻ thù của Feierabend chính là công nghệ kỹ thuật số. Ngoài việc cướp bóc thời gian rảnh rỗi, nó còn phá luôn giờ giấc nghỉ ngơi hoàn hảo của người Đức. Muốn giữ vững Feierabend trở thành một cuộc chiến. Bạn có thể thấy Đức “làm quá” chuyện này, nhưng hãy đặt tay lên ngực và trả lời: Bạn thật sự không muốn được phân định rạch ròi giữa công việc và đời sống riêng tư ư?