Về mặt y học, chứng kích động hàng loạt xảy ra khi con người mắc chứng rối loạn chuyển biến, còn gọi là rối loạn triệu chứng thần kinh chức năng. Khi điều này xảy ra, nỗi sợ hãi hoặc căng thẳng tồi tệ, về tinh thần hoặc cảm xúc, biến thành một vấn đề y khoa.
Có hai loại rối loạn chuyển biến: kích động lo lắng và kích động vận động. Mọi người phát triển các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và buồn nôn, điển hình là sau khi nhận thấy thứ gì đó đe dọa, chẳng hạn như mùi hôi hoặc vết bẩn bất thường. Hàng trăm trường hợp như vậy đã xảy ra hàng năm ở Hoa Kỳ.
Sự kích động hàng loạt đã xảy ra trên khắp các nền văn hóa. Dưới đây là một cái nhìn theo trình tự thời gian của một số những biến cố như thế.
Các nữ tu kêu “meo meo” và cắn (thời Trung Cổ)
Trong thời trung cổ, nhiều nữ tu bị cha mẹ ép buộc đi tu và thường bị căng thẳng bởi lối sống không phải do họ lựa chọn: họ buộc phải độc thân, nghèo đói và lao động chân tay nặng nhọc. Có hai vụ việc đặc biệt kỳ quái về sự kích động hàng loạt liên quan đến tiếng kêu meo meo và các nữ tu cắn người.
Trong vụ đầu tiên, một nữ tu trong một tu viện lớn ở Pháp bắt đầu kêu meo meo. Chẳng bao lâu, những người khác cũng tham gia, và cuối cùng các nữ tu trong tu viện đều kêu meo meo. Tiếng ồn trở nên có tổ chức; tất cả các nữ tu cùng hè nhau kêu như mèo trong vài giờ đồng hồ mỗi ngày. Những người ở lân cận có thể nghe thấy tiếng ẩu đả tập thể và rất khó chịu. Cuối cùng, các nữ tu phải im lặng sau khi bị đám lính đe dọa sẽ đánh họ.
Ở Đức, vào thế kỷ 15, một nữ tu bắt đầu cắn các chị em khác trong nhà tu dòng kín của cô. Không bao lâu sau, tất cả các nữ tu đã cắn nhau. Tin tức lan truyền về vụ các nữ tu cắn nhau, được cho là sẽ gây một số loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, và chẳng mấy chốc, chứng “nhiễm trùng” này đã lan sang các nữ tu viện khác trên phần lớn của Đức, chủ yếu là ở Sachsen và Brandenburg. Nhưng nó không dừng lại ở đó; các tu viện nữ ở Hà Lan và ngay cả Rome cũng bị ảnh hưởng. Rốt cuộc các nữ tu cuối cùng đã ngừng cắn vì kiệt sức.
Bệnh dịch nhảy múa năm 1518
Bất chấp cái nóng của tháng 7.1518, Frau Troffea bắt đầu âm thầm nhảy múa trên các đường phố ở Strasbourg, Pháp. Cô đã tiếp tục cuộc nhảy kỳ quái của mình trong gần một tuần rồi đột nhiên những người dân khác bắt đầu tham gia cùng cô. Chẳng mấy chốc đường phố đã chật kín với khoảng ba chục người nhảy múa. Đến tháng 8, con số đã lên tới 400 người, họ nhảy nhót không ngừng trên khắp thành phố.
Bất ngờ và bối rối, tuy nhiên các bác sĩ tuyên bố sự cố này là do bởi chứng sốt gây ra và khuyên những người nhảy cứ việc tiếp tục cho đến khi hết sốt. Thành phố đã cố gắng giúp đỡ, xây dựng một sân khấu khiêu vũ, đưa vào một ban nhạc với các vũ công chuyên nghiệp, để giải trí cho các nạn nhân trong quá trình xoay tròn không thể kiểm soát của họ.
Nhưng người ta bắt đầu suy sụp vì kiệt sức và cái nóng. Thậm chí một số người đã chết. Chứng cuồng loạn này được lịch sử ghi lại, đã không kết thúc cho đến khi các người nhảy cuối cùng được đưa ra khỏi đường phố (họ được chuyển đến một ngôi đền để cầu nguyện xin xá tội).
- Xem thêm: Những phong tục tập quán lạ mắt
Điều gì đã gây ra bệnh dịch nhảy múa? Có thể do căng thẳng. Bệnh tật và nạn đói đang quét qua Strasbourg vào thời điểm đó. Nhiều người cho rằng sự việc đã giảm bớt nhờ cầu xin. Đó cũng là một thời kỳ mê tín; những người Công giáo tin rằng Thánh Vitus có thể nguyền rủa bạn bằng một bệnh dịch nhảy múa.
Nỗi sợ Bọ Hôn (1899)
Bọ hôn (kissing bugs), một phân họ của bọ sát thủ, chúng uống máu các động vật có vú, bao gồm cả con người. Chúng thường xuyên có mặt trong nhà hoặc ở ngoài nhà, chúng thích cắn vào chỗ da mỏng hơn trên khuôn mặt hoặc đôi môi của nạn nhân, vì sẽ dễ dàng hơn. Khi những con bọ hôn cắn, nạn nhân có thể khá đau đớn và một số người bị mắc bệnh.
Năm 1899, một trận dịch bọ hôn bùng nổ ở vùng đông bắc Hoa Kỳ. Hơn 60 bài báo trên toàn quốc đã đưa tin về tình trạng khó thở của những người thức dậy với mí mắt và môi bị sưng vù. Mặc dù nạn sưng viêm giảm xuống thường trong hai hoặc ba ngày, các bài báo ghi nhận một vài trường hợp tử vong vì những con bọ này. Cư dân của các thành phố từ Boston đến Atlanta trở nên khiếp sợ tất cả các loài côn trùng bay và bắt đầu gửi mẫu vật bọ đến các nhà côn trùng học, hỏi liệu mẫu vật của họ có phải là loài con bọ hôn chết người kia không.
Khi các nhà côn trùng học kiểm tra những con bọ này, họ đã tìm thấy nhiều loại côn trùng khác nhau, từ ruồi nhà đến bọ cánh cứng hoặc ong. Leland Howard, trưởng bộ phận côn trùng học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, gọi sự sợ hãi này là “một bệnh dịch trên báo, vì mỗi vết côn trùng cắn, người ta vẫn không nhận ra được loài côn trùng đã cắn và sinh vật đó vẫn là một bí ẩn”. Sự hoảng loạn dường như dần dần lắng xuống khi các tờ báo đã ngừng đưa tin.
Đại dịch ngất xỉu ở Bờ Tây (1983)
Mùa xuân năm 1983, gần 1.000 thanh niên Ả Rập ở Bờ Tây đột nhiên bị mắc một căn bệnh bí ẩn có các triệu chứng đặc trưng như đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, đau bụng, suy nhược và ngất. 70% bệnh nhân là nữ sinh từ 12 đến 17 tuổi.
Khi một số nạn nhân ban đầu nói rằng họ ngửi thấy một thứ mùi lạ gợi nhớ đến những trái trứng thối trong lớp học trước khi ngã bệnh, các nhà lãnh đạo Palestine đã cáo buộc người Israel sử dụng chiến tranh hóa học để xua đuổi người Ả Rập; một số thậm chí còn tuyên bố đó là để triệt sản các phụ nữ Ả Rập. Về phía các quan chức Israel cho biết, người Palestine đang sử dụng hóa chất trên chính người dân của họ để khuấy động rắc rối.
Sau khi các trường học đóng cửa ở Bờ Tây, không có thêm bệnh tật nào xảy ra. Cũng không có bất kỳ dấu vết của các lượng hóa chất dư thừa trong các tòa nhà. Các cơ quan y tế xác định rằng nhóm ban đầu bị bệnh có thể đã bị ảnh hưởng bởi mùi khí hydro sulfide ở mức thấp thoát ra từ nhà xí. Nhưng phần lớn các bệnh nhân đã bị bệnh vì các yếu tố tâm lý, cụ thể là căng thẳng và lo lắng, có khả năng mắc bệnh hoặc tăng cao bởi các nguồn tin cho rằng thủ phạm là một loại khí độc.
Những trái dâu tây có virus đường
Tháng 5.2006, hơn 300 học sinh Bồ Đào Nha bắt đầu phàn nàn rằng họ bị bệnh. Nhiều em bị khó thở. Một số bị chóng mặt. Những em khác bị phát ban. Những đứa trẻ thuộc 14 trường khác nhau trên khắp đất nước và một số trường buộc phải đóng cửa. Phải chăng có một loại virus chết người đang hoành hành ở Bồ Đào Nha?
Đây là phần đáng chú ý: Những sự cố này đã bùng phát chỉ vài ngày sau khi một vở kịch opera nổi tiếng dành cho thiếu niên tựa đề “Những trái dâu tây có đường” (Straw Strawries with Sugar) phát sóng một tập phim nói về một loại virus bí ẩn, đe dọa đến tính mạng. Nội dung tập trung vào cuộc sống của những đứa trẻ Bồ Đào Nha, và trong tập phim, virus đã tấn công các trẻ em tại một trường học.
- Xem thêm: Những cuộc đấu giá kỳ lạ
Sau nhiều cuộc nghiên cứu, các quan chức y tế quyết định chương trình TV là một phần của vấn đề. Sau khi xem chương trình một số trẻ bị dị ứng hoặc phát ban trở nên sợ hãi vì nghĩ rằng căn bệnh của chúng thực sự là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Những đứa trẻ khác đã phát “bệnh” vì chúng bị căng thẳng về kỳ thi cuối năm học sắp tới. Còn một số đơn thuần chỉ là bị ảo tưởng tập thể. Làm thế nào các chuyên gia có thể đoan chắc như vậy? “Tôi biết không có loại bệnh nào chọn lọc đến nỗi nó chỉ tấn công vào các học sinh mà thôi,” bác sĩ Mario Almeida nói với tờ nhật báo địa phương Correio de Manha như thế.
Chứng co giật ở trường trung học William Byrd
Các chuyên gia đổ lỗi cho cả một đống thứ gây ra căn bệnh đã tấn công nhiều học sinh và một giáo viên tại trường trung học William Byrd ở Virginia: Carbon dioxide từ lớp học nhiếp ảnh. Sơn chì. Thuốc. Hội chứng mệt mỏi mãn tính. Kể cả khí đầm lầy và các hormones hoành hành.
Tháng 9.2007, một học sinh trung học bị ốm với các triệu chứng run, co giật, chóng mặt và đau đầu. Chẳng mấy chốc, gần chục người đã bị ảnh hưởng, gây ra báo động trong nhà trường và cộng đồng. Các quan chức nhà trường được đề nghị đóng cửa trường; tại một thời điểm, có khoảng 300 trong số 1.200 học sinh của trường đã ở nhà.
Bộ Y tế Virginia đã thực hiện rất nhiều xét nghiệm để xem liệu có vấn đề môi trường gây ra các triệu chứng hay không. Nhưng sau một số tuần nghiên cứu, tất cả các kết quả đều âm tính. Kết luận: đó là một vấn đề xã hội học (tức là một vấn đề được tạo ra bởi các sự cố xã hội). Nói cách khác, là chứng kích động tập thể. Nguyên nhân của sự kích động này được cho là do căng thẳng. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường vẫn không chắc chắn, họ nói rằng những học sinh này cũng không căng thẳng hơn bất kỳ ai khác.