Năm nay, Triển lãm lưỡng niên Gwangju (Gwangju Biennale 2018) diễn ra tại TP. Gwangju của Hàn Quốc, từ 7-9 đến 11-11 có những “khách mời” đặc biệt: các tác phẩm mỹ thuật đến từ Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cấp phép cho nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật đương đại tầm cỡ lớn nhất châu Á này được triển lãm 22 bức tranh của các họa sĩ Bình Nhưỡng, một động thái tiếp nối các nỗ lực nhằm hòa giải xung đột giữa hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên.
Triển lãm được coi là cơ hội hiếm hoi để công chúng Hàn Quốc và du khách nước ngoài thưởng lãm một số lượng không ít các tác phẩm hội họa Bắc Triều Tiên. Còn đây là nhận định của bà Kim Jung-sook, phu nhân của lãnh tụ Kim Jong Un: “Thông qua nghệ thuật, triển lãm có ý nghĩa này đã nối liền 70 năm chia cắt. Ý thức về sự khác biệt sẽ dần dần được hóa giải bằng những kênh đa dạng như thế này”. Thật ra, phần lớn trong số 22 bức tranh này đã thuộc về các sưu tập cá nhân tại Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, để ngăn ngừa các hành vi cực đoan của những người vẫn chống đối mạnh mẽ chính sách hòa giải với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, tất cả các “khách mời đặc biệt” tại Gwangju Biennale 2018 đều được đặt sau một lớp kính bảo vệ trong suốt. Ông B.G. Muhn, giám tuyển của mảng tranh Bắc Triều Tiên cho biết vẫn có nhiều cuộc điện thoại gọi đến, giận dữ phản đối sự góp mặt này. Họa sĩ B.G. Muhn – giáo sư mỹ thuật tại Đại học Georgetown (Washington, D.C) từng đến Bắc Triều Tiên chín lần để nghiên cứu về mỹ thuật ở một xứ sở vẫn còn kín cửa. Theo ông, dù tranh các họa sĩ Bắc Triều Tiên được thể hiện theo khuynh hướng “hiện thực xã hội chủ nghĩa” song ở nhiều bức trong triển lãm tại Gwangju mang những yếu tố của nghệ thuật hiện đại.
- Xem thêm: Vườn hoa muôn sắc đến từ Gyeongju
Bức Hân hoan tham gia hoàn tất công trình đập thủy lợi được vẽ năm 2015 là tác phẩm tập thể của sáu họa sĩ, những người mà theo lời ông B.G. Muhn đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với các công nhân trong quá trình tiến hành một dự án xây dựng khổng lồ tại Bắc Triều Tiên. Cách sáng tác tập thể này còn được thấy trong bức Những người dũng cảm ở Gajin, được bốn họa sĩ vẽ trong năm 1999. Hai bức tranh khổ lớn này cùng nhiều tác phẩm khác đều được thực hiện tại Xưởng mỹ thuật Mansudae, một trại sáng tác tập thể trực thuộc nhà nước, nơi tập trung hơn 1.000 họa sĩ cùng khoảng 3.000 người phục vụ cho việc sáng tác. Tranh ra đời từ xưởng vẽ này mới được triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn.
Trong tổng số 22 bức tranh đem đến Gwangju Biennale, ông B.G. Muhn đã chọn các đề tài khác nhau. Thứ nhất là loại tranh đậm tính cổ động như hai bức sáng tác tập thể nêu trên, kế đến là tranh sinh hoạt đời thường của người dân Bắc Triều Tiên và tranh phong cảnh, muông thú thể hiện cảnh sắc núi non hùng vĩ phía bắc bán đảo Triều Tiên cũng như các loài thú được tôn vinh theo truyền thống phương Đông, chẳng hạn mãnh hổ chúa sơn lâm. Ông Muhn cho biết sự chọn lựa này nhằm giúp người xem biết được nhiều hơn về hội họa Bắc Triều Tiên mà lâu nay được coi chỉ thuần mang tính tuyên truyền. Dễ nhận thấy trong các tranh mang tính cổ động luôn có nụ cười trên gương mặt rạng rỡ của các nhân vật. Ông Muhn lý giải: những nụ cười bắt đầu xuất hiện trong tranh Bắc Triều Tiên sau khi cố lãnh tụ Kim Jong Il (cha của chủ tịch Kim Jong Un) động viên mọi người dân trong nước hãy cười lên, bất chấp những khó khăn lớn lao đang diễn ra tại xứ sở này vào thập niên 1990 do kinh tế khủng hoảng, dẫn tới nạn đói đe dọa. Tất nhiên, theo ông B.G. Muhn, cũng là nhà nghiên cứu lâu năm về mỹ thuật Bắc Triều Tiên thì yếu tố quan trọng hàng đầu đối với tác phẩm hội họa xứ này là phải dễ hiểu với người bình thường. Không có thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật” ở Bắc Triều Tiên.
Chính vì thế, khu vực triển lãm tranh của các họa sĩ Bắc Triều Tiên hoàn toàn khác biệt với sáu khu vực khác ở Gwangju Biennale vốn là một sự kiện nghệ thuật đương đại – một thế giới của nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nơi các ý tưởng của người nghệ sĩ sáng tạo mới đóng vai trò quyết định về giá trị hơn là những mối quan tâm có tính cách truyền thống về mặt kỹ thuật cũng như thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Park Young-jeong – chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Văn hóa và Du lịch Triều Tiên ở Seoul, tranh của nhiều họa sĩ Bắc Triều Tiên đang ngày càng được săn tìm bởi các nhà sưu tập, những người đang tiên đoán về sự cởi mở có thể diễn ra ở một đất nước đã kín cửa rất nhiều năm; và nếu như vậy sẽ có sự đổi thay ở các tác phẩm hội họa lâu nay do nhà nước độc quyền bảo trợ. Ông Park Young-jeong nói: “Bắc Triều Tiên là vùng đất cuối cùng trên Trái đất, nơi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại ở mức độ cao nhất như một loại hình mỹ thuật đương đại. Có thể đây là cơ hội cuối cùng để lưu giữ thể loại tranh này ở dạng thuần túy nhất, trước khi diễn ra những thay đổi về mặt chính trị ở quốc gia này”.
- Xem thêm: Xem tranh các họa sĩ Hàn Quốc
Hai mươi hai bức tranh Bắc Triều Tiên tại Gwangju Biennale được vẽ với phong cách hội họa có tên là chosunhwa, một hình thái mỹ thuật đặc trưng của Bắc Triều Tiên được hình thành dưới thời chủ tịch Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong Un). Đây là sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và hiện đại với chất liệu màu nước và mực nho, vẽ trên giấy dó. Có thể coi đây là một loại hình tranh thủy mặc nhưng với đề tài đương đại.
Năm nay là lần thứ 12 Gwangju Biennale được tổ chức tại một khu vực rộng lớn phía nam TP. Gwangju. Với chủ đề chung “Các biên giới được tưởng tượng” (Imagined Borders), có bảy triển lãm nhưng có tới 11 giám tuyển. Trong số những gương mặt nổi bật có Clara Kim, nữ giám tuyển nghệ thuật quốc tế của Bảo tàng Tate Modern ở London, với lĩnh vực mà bà tập trung là những di sản của trào lưu kiến trúc hiện đại; Christine Y. Kim và Rita Gonzalez, hai nữ đồng giám tuyển của Bảo tàng Mỹ thuật quận Los Angeles với sự tìm kiếm nghệ thuật hậu – internet ở những nơi mà mạng lưới thông tin toàn cầu World Wide Web bị kiểm duyệt hay bị hạn chế. Giám tuyển các triển lãm khác là Gridthiya Gaweewong, Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Mỹ thuật Jim Thompson ở Bangkok; Chung Yeon Shim, phó giáo sư Đại học Hongik ở Seoul; Yeewan Koon, phó giáo sư Đại học Hongkong; David The, phó giáo sư Đại học Quốc gia Singapore; Man Seok Kim, nhà giám tuyển độc lập người Hàn Quốc; Sung Woo Kim, giám tuyển của Không gian nghệ thuật Amado ở Seoul; Chong-Ok Paek, giám tuyển tại Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Sinh thái Hàn Quốc; và giáo sư B.G. Muhn, giám tuyển triển lãm tranh Bắc Triều Tiên.
Ngoài sáu triển lãm chính, tại Gwangju Biennale còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú khác. Đây cũng là triển lãm lưỡng niên có sự tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay của các nghệ sĩ đến từ châu Á. Trong một vài kỳ Gwangju Biennale trước đây, đã có sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ Việt Nam.