Đánh dấu bước khởi đầu tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương với nhiều đối tác, dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực. Quá trình này đã tạo ra môi trường kinh doanh trong nước thuận lợi và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1-2007 và tham gia tám Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) khu vực và song phương với nhiều nước như Trung Quốc (2004), Hàn Quốc (2006), Nhật Bản (2008), Australia và New Zealand (2009), Ấn Độ (2009)…
Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán sáu Hiệp định Thương mại Tự do FTA khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU), với Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazactan, với Khối thương mại Tự do châu Âu (EFTA), với Hàn Quốc và FTA giữa khối ASEAN với Hongkong (Trung Quốc). Ngoài ra, chúng ta cũng tích cực chủ động tham gia sâu vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đã đăng cai năm APEC 2006 và tiến tới sẽ đăng cai APEC năm 2017 với hàng trăm cuộc họp từ cấp chuyên viên đến cấp cao.
Với việc mở rộng thị trường và quan hệ hợp tác như vậy, chúng ta đã ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, ngày càng có tiếng nói quan trọng với ý thức trách nhiệm cao trong các diễn đàn khu vực và thế giới. Do đó đã góp phần mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện cho mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu, mở rộng thị trường hàng nhập khẩu, góp phần phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời từng bước khẳng định được hình ảnh và vị thế của một quốc gia thành công trong quá trình đổi mới.
Thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục phát triển cả về tổng vốn, cả về số dự án, cả về quy mô vốn/dự án… Giai đoạn 1991-1997 đã diễn ra làn sóng FDI vào Việt Nam lần thứ nhất với 2.230 dự án và vốn đăng ký là 16,244 tỉ USD. Việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là cam kết gia nhập WTO đã giúp hoàn thiện và làm minh bạch hệ thống pháp luật, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vốn FDI trong năm 2007 đã có mức tăng trưởng 75,3% và năm 2008 là 42,6%.
Trong năm 2014, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã đạt 20,23 tỉ USD là thành quả có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư còn gặp khó khăn. Khu vực doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động trực tiếp, và hàng chục triệu lao động gián tiếp, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần tăng vốn đầu tư phát triển xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội.
Dự báo thu hút đầu tư nước ngoài năm 2015 vẫn tiếp tục khả quan, do các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đồng vốn vào các khu vực và quốc gia năng động.
Minh Trí tổng hợp (DNSGCT)