Làm cha mẹ có lắm nỗi lo. Với những người cầu toàn, nỗi lo càng tăng. Con lanh lẹ quá cũng lo mà con khờ quá cũng mệt! Có phải vậy không?
Một chị kể, con gái chị đi du học từ năm mười sáu tuổi. Gia đình cứ thế lo tiền. Mười năm nay chỉ có cháu về thăm cha mẹ chứ hai vợ chồng chị không biết đất nước con mình học như thế nào; không phải không có tiền đi thăm con mà vì… tiếc tiền, để dành gửi cho con.
Về con trai nhỏ, chị cho biết nếu đứa con gái đầu lanh lẹ, có nhiều bạn bè bao nhiêu thì con trai lại “co cụm” bấy nhiêu. Cháu không có bạn và không muốn có bạn. Đi học về thui thủi, rút vào phòng riêng chơi đàn, hát, hay làm gì đó một mình. Theo chị, lý do có thể cháu đã quen một mình từ lúc chị cháu đi học xa.
Có một lần, năm đó con trai chị học lớp 10, tiếc là khi ấy chị vắng nhà. Lần đầu tiên cháu có bạn đến chơi. Người lúng túng và hồi hộp ở đây là chồng chị. Anh lăng xăng đi ra đi vô nói chuyện, mời nước bạn của con, hỏi han gia đình, học hành…
- Xem thêm: Làm mẹ thời nay sướng không?
Chị thì tự trách mình vì vắng mặt trong lần “trọng đại” ấy! Nghe chồng kể hai bạn trai kéo nhau vào phòng đàn hát, bên ngoài chồng chị ngồi yên lắng nghe rất chăm chú trong tâm trạng sung sướng vô cùng, chị càng thấy tiếc! Chỉ lần duy nhất đó, đến giờ cháu học lớp 12, lo học hành, càng ít bạn.
Vợ chồng chị rất rầu vì sợ con trai ít giao tiếp, sau này vào đời sẽ lúng túng, bị động. Trong khi đó mỗi năm con gái về nghỉ hè, nhà chị lúc nào cũng chật ních bạn bè của con, ăn uống, đàn hát… Suy nghĩ về hai tính cách, hai thái cực của con cái, vợ chồng chị vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nào khiến con trai thụ động như vậy!
Trường hợp con trai chị kia lại khác. Cháu không có bạn bè nên chị phải thường xuyên rủ con đi chơi, ngồi cà phê hay đi dã ngoại vào cuối tuần. Do hoàn cảnh gia đình chồng công tác xa nhà nên chị phải gánh vác trách nhiệm làm bạn với con. Chị luôn khuyến khích con có bạn nhưng cháu tỏ vẻ thờ ơ. Hiện cháu đang là sinh viên năm thứ tư.
Chị kể, một lần ngồi ăn cơm, con chị nói: “Chắc con phải tập uống bia. Bạn con mỗi lần họp mặt lại không còn đứa nào uống nước ngọt hay nước khoáng!”. Nghe con nói câu đó chị tự hỏi, muốn con có bạn bè bù khú rượu chè, cà phê cà pháo hay là cứ sống khép kín như hiện nay? Không có câu trả lời!
Nhiều người cho rằng thanh niên bây giờ đều như vậy, không biết uống bia rượu sau này ra đời không thể làm việc được!
Cứ nhìn tầng lớp công chức thì thấy, có người còn nói vui rằng: “Đi làm việc thì nói chuyện nhậu, đi nhậu thì nói chuyện làm việc” cơ mà! Nên nhiều phụ huynh mới có quan niệm rằng, con cái cứ phải lanh lợi mới thành công.
Một ông kể chuyện thằng con đầu đi làm được một năm, thấy trưởng thành hẳn nhờ biết nhậu nhẹt, tiếp khách, nói chuyện làm ăn, hợp đồng… “chém gió” rào rào. Thấy con bắt đầu biết… “hư hỏng” mà cha mẹ lại… mừng. Nghe không biết nên vui hay buồn.
- Xem thêm: Lo cho con
Tập cho con biết thế nào là chừng mực khi cha mẹ sinh ra con nhưng đâu kiểm soát được “nồng độ cồn” trong gien của con thế nào! Con sống khép kín ra đời bị người ta chèn ép, ngu ngơ như bò đội nón giữa chợ đời tham sân si hỉ nộ ái ố. Lanh lẹ còn chưa ăn ai huống chi đứa chậm chạp, khờ khạo. Nhưng lanh quá thành… lưu manh lúc nào không hay, liệu con mình có biết dừng lại ở mức “lanh” hay không?
Đành phải an ủi rằng, có vấp ngã rồi sẽ đứng dậy. Có khờ rồi sẽ lanh. Đời dạy rồi đến lúc sẽ biết làm… người tử tế. Tập cho con tự lực được để phù hợp quy luật chọn lọc… không tự nhiên mà tồn tại, để cha mẹ còn chút an ủi vui sống cho hết cuộc đời mình trong cái xã hội đa dạng giàu, nghèo, tham lam, hiền lành, khờ khạo, thụ động, tích cực. Còn muốn an tâm nữa thì cứ thở hắt ra câu: “Đời có số” cho lành, vì chẳng ai dài tay mà ôm trọn cuộc đời con cái cả!