Mâu thuẫn ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng ở vùng Vịnh đã dẫn tới tình trạng gián đoạn thương mại, chia cắt gia đình, và có nguy cơ làm thay đổi vĩnh viễn những liên minh địa chính trị lâu đời trong khu vực.
Hãng tin Bloomberg cho biết, kể từ khi bị một loạt quốc gia láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao, chính phủ và các doanh nghiệp Qatar đã xoay xở để khắc phục những thách thức mà cuộc khủng hoảng này mang lại.
Trong đó, một doanh nhân Qatar đã lên kế hoạch vận chuyển bằng máy bay 4.000 con bò mua từ Úc tới sa mạc vùng Vịnh để tạo nguồn sữa tươi thay thế cho nguồn cung gián đoạn từ các nước lân cận.
Theo dự kiến, Hãng hàng không Qatar Airways sẽ phải mất 60 chuyến bay để vận chuyển những con bò nặng tới 590kg mà ông Moutaz Al Khayyat, Chủ tịch Công ty Power International Holding, mua từ Australia và Mỹ.
Một loạt nước vùng Vịnh, dẫn đầu bởi Saudi Arabia, đã cáo buộc Qatar ủng hộ các tổ chức phiến quân Hồi giáo. Đến nay, Qatar vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc này.
Những nỗ lực nhằm cô lập Qatar từ hồi đầu tháng 6 đã buộc quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới phải mở những tuyến thương mại mới để nhập khẩu thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị cho ngành công nghiệp khí đốt. Ngân hàng Trung ương Qatar cho biết các giao dịch trong nước và quốc tế vẫn diễn ra bình thường.
Các sản phẩm sữa từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được vận chuyển bằng máy bay tới Qatar, trong khi rau quả từ Iran cũng đang trên đường tới nơi.
Qatar cũng đã khởi động một chiến dịch kêu gọi người dân tiêu dùng các sản phẩm sản xuất trong nước. Những tấm biển nhỏ với màu cờ Qatar được đặt bên những sản phẩm sữa nội địa bán trong các siêu thị. Một tấm băng-rôn treo trong siêu thị viết: “Hãy cùng nhau ủng hộ hàng trong nước”.
Cách đây một tuần, phần lớn sữa tươi và các sản phẩm từ sữa mà dân số hơn 1 triệu người của Qatar tiêu thụ vẫn được nhập khẩu từ Saudi Arabia. Nhưng nguồn sữa này đang ngày càng trở nên khan hiếm sau khi Saudi Arabia, cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và hai đồng minh khác cắt các tuyến giao thông nối với Qatar – vốn đang chi 500 triệu USD/tuần xây dựng sân vận động và một dự án tàu điện ngầm để chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022.
An ninh lương thực là một phần trong chiến lược mang tên “Tầm nhìn 2030” của chính phủ Qatar nhằm đưa nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa và khí đốt.
- Đ.N
Xem thêm:
- Qatar – đất nước giàu sang đang rơi vào khủng hoảng
- Mỹ và Qatar bắt tay chống khủng bố
- Ả Rập Saudi và Qatar tiếp tục đối đầu