Với vị trí người đứng đầu phong trào cách mạng vô sản Nga, Vladimir Ilyich Lenin không có nam bằng hữu tâm giao. Gánh vác số phận cả quốc gia, ông tuyệt đối cảnh giác và cứng rắn. Chỉ cần liên quan đến an nguy chính trị, Lenin lạnh lùng cắt đứt bất cứ mối quan hệ bè bạn nào. Đổi lại, ông được bao bọc bởi những người phụ nữ tuyệt vời với tất cả các vai trò mẹ, chị, em, vợ, nhân tình và văn học.
Nam nữ bình quyền
Sinh ngày 22-4-1870 trong một gia đình khá giả, có cha là viên chức và mẹ là người theo chủ nghĩa tự do, “cậu ấm” Lenin lớn lên trong nhung lụa, được ăn học tử tế. Ilya Nikolaevich Ulyanov, cha Lenin, cả đời đấu tranh cho dân chủ, dạy học miễn phí nên rất được mọi người tôn kính. Ông cũng là người ưa đọc sách nên trong nhà rất sẵn các tác phẩm kinh điển của các tác giả lớn như Shakespeare (Anh), Goethe (Đức), Pushkin (Nga). Ngày còn cắp sách tới trường, Lenin là học sinh chăm ngoan, được thầy yêu bạn mến. Cậu yêu thích ngôn ngữ La tinh, là niềm tự hào của trường lớp. Ai nấy đều tin học trò xuất sắc này sẽ sớm trở thành học giả tiếng La tinh.
Khác với dự đoán của thầy cô, cuộc đời lãnh tụ tương lai sớm rẽ lối vào đường cách mạng. Cũng từ lúc này, cuộc đời chàng trai trẻ nhiệt huyết Lenin là lưu vong và tù đày. Thay vì sống trong ngôi nhà lớn, Lenin đổi chỗ ở như thay áo với các lều lán chật chội khắp châu Âu. Không hoàn toàn tin tưởng bất cứ một nam giới nào, ngay cả với bằng hữu đồng cam cộng khổ khi người bạn này rời khỏi phong trào cách mạng, Lenin chỉ gọi duy nhất một đàn ông bằng tên thân mật: em trai (Dmitry).
Rất khắt khe với bạn đồng giới nhưng lãnh tụ cách mạng vô sản Nga lại khá dễ dãi với phụ nữ. Khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX tại Nga, nữ quyền vẫn là khái niệm lạ lẫm, thậm chí chưa có nhà nữ quyền nào, Lenin thể hiện quan điểm bình đẳng giới. Ông vạch rõ vai trò của phụ nữ trong cuộc cách mạng, tin nam nữ bình quyền là nòng cốt thiết yếu, quyết định sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Cởi bỏ gánh nặng nội trợ, giải phóng phụ nữ, cho phép chị em tham gia quốc phòng, có quyền công dân ngang bằng với nam giới, Lenin là một trong những người đi đầu trong phong trào đấu tranh cho nữ quyền.
Vợ và người tình
Những quy tắc áp buộc lên phụ nữ châu Âu trước bình minh hiện đại cũng không mấy khác biệt với những gì phương Đông rao giảng về tứ đức, tam tòng. Giữa bối cảnh ấy, con người với tư duy đổi mới Lenin cẩn thận lắng nghe nỗi bất hạnh của phụ nữ, tôn trọng, nghiêm túc xem họ như một vấn đề chính trị. Nadya, người đàn bà gắn bó với Lenin trong vai trò người vợ, luôn ngang hàng với ông. Trong thực tế, bà giống “thư ký” của lãnh tụ hơn là “vợ” của người đàn ông tên Lenin.
Trước khi kết hôn với Lenin, Nadya cũng hoạt động cách mạng, bị bắt và lưu đày tại Siberia. Suốt thời gian chung sống với Lenin, Nadya đôn đáo khắp châu Âu, chia sẻ khó khăn trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp cách mạng. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối mạng lưới ngọn lửa cách mạng tại Nga, cái sẽ bùng nổ tại Cách Mạng Tháng Mười. Khôn ngoan và nhạy bén, Nadya là trợ thủ đắc lực nhất, lo hàng chục mật vụ trên khắp nước Nga, am tường từng góc cạnh của tổ chức Đảng Cộng sản.
Là chồng Nadya, luôn dựa dẫm vào Nadya nhưng Lenin lại yêu say đắm Inessa Armand, trợ lý thân cận. Trước các nhà lãnh đạo trên khắp quốc tế, Armand là người được Lenin ủy quyền đại diện. Bà cũng nắm giữ vị trí tối quan trọng trong tổ chức chính quyền sau Cách Mạng Tháng Mười, thường đấu khẩu với Lenin về vấn đề chính trị, nhưng không vì thế mà đánh mất yêu đương mãnh liệt. Thay vì ghen tức, Nadya lại trở thành “đồng chí” với Armand, tạo nên bộ ba tình cảm rắc rối, khó hiểu.
Cuốn sách khai trí
Yêu văn học, đọc rất nhiều tác phẩm văn chương, nhưng Lenin chỉ nhìn thấy những lỗ hổng. Ông không tìm thấy đường đi trong những tác phẩm của Virgil, Ovid, Horace, Juvenal, thậm chí cả ở Goethe. “Tất cả mọi lý thuyết đều màu xám”, Lenin sớm hiểu nhận định ấy. Ông nhận thấy sự trì trệ trong Oblomov (Oblomov) của Ivan Goncharov, cái khai mở từ thơ Pushkin, nỗi châm biếm từ Gogol, sự chỉ trích từ Turgenev, nhiệt huyết đối đầu của Dostoevsky, sức công kích của Tolstoy trong nền văn học Nga, cái đậm chất chính trị song vẫn chưa tìm thấy ánh sáng. Phải đến khi tiếp xúc với Phải làm gì (What Is to Be Done) của Nikolay Chernyshevsky, Lenin mới vỡ lẽ.
Sinh năm 1828, mất năm 1889, Chernyshevsky là cha đẻ của triết lý “vị kỷ hợp lý”, cái sẽ trở thành chân lý sống cho thanh thiếu niên Nga suốt một thời gian dài. Trong thực tế, Phải làm gì không phải là một tiểu thuyết, không có bất cứ giá trị gì về mặt nghệ thuật. Năm 1862, Chernyshevsky bị bỏ tù vì tội nổi loạn. Ông xin phép cai ngục cho viết Phải làm gì trong tù. Trên đường đem Phải làm gì đến nhà xuất bản, biên tập Nikolai Nekrasov bỏ quên nó trên xe ngựa. May mắn là một cảnh sát đã giữ lại và đem trả khi đọc được thông báo của Nekrasov trên báo.
Là một thất bại về mặt nghệ thuật nhưng Phải làm gì thành công trong việc khơi nguồn phong trào cách mạng Nga. Như nhận định của các nhà phê bình, nó là sách gối đầu giường, giáo lý cho ít nhất là ba thế hệ. Thanh niên Nga điên cuồng đọc và làm theo những gì Phải làm gì hướng dẫn. Nó chỉ cho họ biết phải làm thế nào để nương theo định mệnh, theo đuổi đam mê, tự do, lột xác từ một kẻ tầm thường thành cao quý… Rakhmetov, nhân vật chính của tác phẩm, để thoát khỏi sự quản thúc của gia đình, quyết định kết hôn hợp đồng. Theo “hợp đồng” của anh, vợ hoặc chồng trên danh nghĩa có trách nhiệm tuân thủ quy tắc dùng phòng riêng và quan hệ tình dục theo thỏa thuận chung. Đến cả Vera Zasulich (nhà văn), Nikolai Ishutin (nhà xã hội học), Dmitry Karakozov (nhà cách mạng), Sergei Nechaev (tiểu thuyết gia) cũng điên cuồng học và làm theo Phải làm gì.
Lenin tiếp xúc với Phải làm gì vào năm 1905, lập tức rơi vào mê lực của nó. Bị bạn bè trêu chọc, ông thản nhiên: “Các cậu còn quá trẻ dại để hiểu được cuốn sách. Cứ đợi đến năm 40 tuổi đi”. Thế giới bị chi phối bởi chiến tranh, hận thù, lòng tham, sự ích kỷ và giai cấp. Đời người ngắn ngủi, cần coi trọng hạnh phúc cá nhân. Con người không phải con cháu của Adam, Eva mà tiến hóa từ loài khỉ… Tất cả những gì được ghi trong Phải làm gì với Lenin đều trở thành chân lý. Như nhiều người hâm mộ của Phải làm gì, ông cũng nhiệt tình học và làm theo lời dạy của Chernyshevsky.
Mẹ và chị em gái
Biết phải làm gì, Lenin lao đầu vào cách mạng, cả đời chỉ vì cách mạng. Nhưng, như các nhà lịch sử Nga thừa nhận, ông không thể làm cách mạng nếu thiếu sự giúp đỡ từ mẹ, bà Maria Alexandrovna Blank. Trên tất cả, làm cách mạng không chỉ là dấn thân vào hiểm nguy mà còn dấn thân vào… túng thiếu. Dù Lenin cũng viết sách, xuất bản các tác phẩm chính trị nhưng nhuận bút là nguồn thu nhập nghèo nàn. Từ khi bị lưu đày, ông chính xác trở thành kẻ khố rách áo ôm, không xu dính túi. Thương vào hiểu chí hướng của con trai, bà Maria bỏ cả đời để chạy theo con, chu cấp từ miếng ăn đến tiền hoạt động cách mạng.
Bản thân bà Maria không đồng tình với lý tưởng của con trai. Không chỉ Lenin, các con gái của bà cũng hết lòng vì chủ nghĩa xã hội, đứa này vừa ra tù, đứa khác đã bị đẩy vào. Là một người mẹ, tất cả những gì Maria muốn là sự an toàn của các con. Nhưng bà không cản trở hay cấm đoán. Lớn lên trong gia đình tri thức, lấy chồng tri thức, cũng là người có ăn học, bà hiểu rõ thời đại cũng như quan điểm sống của các con. Dù vẻ ngoài mảnh khảnh, yếu đuối, Maria là người mẹ mạnh mẽ hơn bất cứ nữ chiến binh nào.
Mỗi lần những đứa con yêu quý bị tống giam hay lưu đày, Maria lại một lần chuyển chỗ ở. Bà luôn quanh quẩn gần nhà tù, sẵn sàng hỗ trợ. Lạy lục van xin, bà không ngại quăng bỏ mọi thể diện để lấy lại tự do cho con cái. Tiền bạc, áo quần, sách vở… chỉ cần là thứ Lenin yêu cầu, bà cung cấp đầy đủ, chưa một lần phàn nàn. Cho đến tận năm 45 tuổi, nhà cách mạng vĩ đại vẫn là anh chàng ăn bám mẹ, không thể sống nổi nếu thiếu sự trợ giúp từ mẹ yêu.
Mạnh mẽ và nhẫn nại, Maria thể hiện yêu thương bằng hành động thực tế thay vì lời nói. Để bảo vệ mẹ, Lenin không bao giờ trao đổi về các vấn đề chính trị qua thư từ. Ông hiếm khi gặp mặt mẹ, chủ yếu trò chuyện với mẹ qua những lá thứ. Tất nhiên, cũng chăm chỉ gửi “yêu cầu” qua những lá thư.
Như Lenin, chị và em gái ông dành cả đời cho sự nghiệp cách mạng. Họ giữ những vị trí chủ chốt trong Đảng Cộng sản Nga. Trước Cách Mạng Tháng Mười, cả hai đều hoạt động đưa đón các thành viên bí mật, tuồn tác phẩm chính trị vào và ra khỏi Nga. Trong những năm lưu vong, họ sống và hoạt động cách mạng cùng Nadya.
Dù trong vai trò lãnh tụ vô sản Nga hay người đàn ông tên Lenin, Lenin đều nhờ cậy vào những phụ nữ yêu thương, trung thành và tận tụy. Sợi dây gắn kết giữa họ không chỉ là huyết thống, mối quan hệ mà còn là cách mạng, lý tưởng. Sẽ không có một Vladimir Ilyich Lenin nếu không có sự tận tâm của những phụ nữ cao cả này.
Cũng sẽ không có một Vladimir Ilyich Lenin nếu thiếu ảnh hưởng từ văn chương kinh điển. Đáng tiếc vì quá yêu thể loại cổ điển, Lenin lạnh nhạt với các tác giả, xu hướng văn học mới. Ông không phủ nhận vai trò của những tiên phong như Bukharin, Lunacharsky, Krupskaya, Kollontai nhưng cũng không khuyến khích, tôn vinh. Ở vị trí người đứng đầu, Lenin rõ ràng đã “trì trệ” một sự phát triển (cụ thể là với văn học Nga đương thời), điều mà ông hết sức phê phán khi đọc Oblomov.