Đầu tiên là việc tôi mua về một cây đào đẹp tuyệt. Cô ấy nói: “Bao nhiêu năm rồi anh say mê hoa mai, phải cả chục cái tết mới chiếu cố em xa quê, mua đào”. Trời, nghe đơn giản vậy mà tôi giật mình. Năm nào lại chẳng đầy mai, đào, quất, chỉ việc mua về dễ ợt, vậy mà hóa ra tôi “đàn áp” thị hiếu của cô ấy.
Năm nào tôi cũng phụ trách trang trí nhà. Mà tôi thích hoa mai xôn xao rực rỡ nở xòe dễ dàng như nắng gió và tính tình người phương Nam. Bây giờ cô ấy mới kể, ngày bé ở quê bà ngoại trồng ngoài vườn nào đào, mơ, mận nở hoa, ngày tết cắt một cành lớn đẹp tuyệt vào cắm trong cái lọ cổ, bày giữa gian thờ, đẹp quyền quý cao sang. Hóa ra, khi mua cái gì đó có khi người mua chỉ ưu tiên cho thị hiếu của chính mình.
Được cây đào như ý rồi, cô ấy cằn nhằn: “Rẻ quá. Khổ. Đem từ miền Bắc vào, lo lo lắng lắng xem trời nóng lạnh, méo mặt sợ sắp đến 30 mà hoa còn đầy trong bãi. Sao anh không lì xì cho người ta chẵn bốn trăm ngàn, còn trả giá làm chi. Thế là rẻ lắm rồi. Có những cây đào giá vài triệu kia”. Tôi thật ngạc nhiên, mọi khi có mua cái gì cũng bị la mua hớ, không chịu trả giá, nay mua cây đào rẻ lại bị la vì sao còn trả giá, rẻ rồi, lì xì cho người ta, khổ thân nông dân.
- Xem thêm: Nguyên nhân của tết nhạt
Có lẽ đất trời tiết xuân làm lòng người thay đổi. Mà cũng vì cây đào đẹp quá sức, lại có sự quan tâm “nhường nhịn thị hiếu” của chồng chăng? Nào ai biết! Xưa nay tôi hay gọi cô ấy là “thợ chê bậc 7” vì rất hiếm khi tôi làm gì mà được khen. Mà với mọi việc, cô ấy cũng rất hay chê. Chương trình tivi bị cô soi nhiều nhất. Cô nhận xét: “Táo quân là tiết mục chủ, như cái bánh chưng ngày tết. Nồi bánh chưng mà hỏng thì coi như mất tết.
Cho nên nhà đài đầu tư làm táo quân dữ lắm. Bao nhiêu nghệ sĩ góp sức chung lưng đấu cật. Mà chỉ có cái năm nào đó Gia Cát Dự “mình phục mình quá” là năm Táo quân hay nhất thôi. Kể ra năm nào cũng hay thì lấy đâu ra. Năm ấy có lụt ở Hà Nội, mới có câu hát “đường Cổ Ngư xưa tràn ngập nước sông Hồng”. Sao năm rồi cũng đầy sự kiện mà Táo quân lại không thật xuất sắc nhỉ”. Cô ấy lẩm bẩm: “Mà hình như nhà đài họ cũng chỉ đầu tư chương trình 30, mùng 1, còn lại thì toàn phim là phim, hoặc phát đi phát lại mấy chương trình hoành tráng kiểu Táo quân, 12 con giáp, Ngày trở về… tràn ngập các kênh.
Còn lại thì cũng… nghỉ đuối hơi như mọi ngày. “Nhà phê bình” còn săm soi: “Kinh tế khó khăn, giảm đầu tư nên cái đường hoa cũng ít công phu hơn mọi năm. Mà sao mùng 2, 3 tết đường đã đông hơn mọi năm. Có lẽ kinh tế khó khăn, người ta ít đi chơi, ít về quê, nên ở lại thành phố nhiều”.
Nói về ăn, “nhà phê bình” biểu dương: “Ăn ít đi rất nhiều. Mọi năm tủ lạnh đầy ắp, năm nay sợ cảnh bưng ra cất vô nên tốt nhất là không nấu nhiều”. Một cái tết nghỉ tới chín ngày thì ngoài cúng ông bà ra, chỉ khi có mời cơm khách mới phải sửa soạn.
Còn thì bữa cơm đảo lộn hết. Đêm thức khuya, sáng dậy trễ, ăn bánh chưng bánh tét no lâu nên bữa trưa ập tới không ai thiết tha. Mà có khi giờ đó mới ra khỏi nhà, đi chúc tết, lên chùa, xem hội hoa. Có khi cả nhà lên ôtô chạy vòng vòng thành phố đường thênh thang…
Cô ấy đi chợ về, miêu tả: “Mùng 2, đã buôn bán nhiều rồi. Tôm, cá, hoa, trái cây, rau củ bán đầy. Mà người mua lác đác… Chợ ngõ hẻm năm nay ngày 29, 30 cũng không chật cứng người, không len lỏi như năm trước”.
Nghỉ dài ngày, hết ăn lại ngủ, các bà các cô sợ nhất là lên ký. Đã ăn ngủ nhiều, tập tành lại nghỉ nữa mới chết.
Năm nay đồ biếu được hoan nghênh là bánh chưng, dưa món, giò chả, còn các loại bánh kẹo, có đem dọn ra, chẳng ai đụng đến. Là vì bây giờ nhiều người tiểu đường, kiêng cữ, sợ mập nên bánh kẹo, nho khô, chocolate ít người dám ăn. Chỉ nhấp chút rượu vang, nghe nói tốt cho tim. Thế thì bánh mứt kẹo đầy các siêu thị, cửa hàng bán cho ai nhỉ? “Nhà phê bình” lại lên tiếng tỏ rõ hiểu biết: “Đem về quê!
- Xem thêm: Vét chuyện tết
Trẻ con ở quê đâu có quanh năm gà rán KFC, pizza, hot dog như trẻ thành phố. Chúng vẫn ăn bánh kẹo, nên người ta vẫn mua đem về quê làm quà, vỏ bao bì lại quá đẹp, để không bị hư nên bày bàn thờ đẹp, lịch sự, tiếp khách rất tiện và sang trọng. Thị trường đó chứ đâu!”.
Còn lên mạng mấy ngày tết là cô ấy kêu nhiều nhất. Facebook gặp bạn bè thì hình như bị cấm, rất khó vào. Những trang mạng thay cho báo chí nghỉ tết, cũng chẳng có gì ngoài chuyện hoa, chuyện ăn tết hay tai nạn…
Nhưng rồi cô nói: “Thôi cũng được. Mấy ngày tết cho cái đầu nó được yên ổn bình an. Quanh năm toàn chuyện căng thẳng muốn “đứt gân máu” rồi…”.