Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử sẽ trở thành một trợ lực đáng kể cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước không được đứng ngoài cuộc mà phải có các bước chuẩn bị cần thiết, theo thông tin ghi nhận từ hội thảo “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 25 – 30% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Đây cũng là tiền đề để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp TMĐT trong nước hiện vẫn đang tập trung phát triển ở khu vực thành thị, trung tâm, một thị trường rộng lớn là các tỉnh thành khác, các khu vực nông thôn hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Tạo “mảnh đất màu mỡ” cho thương mại điện tử
Phát biểu tại buổi hội thảo “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp và Triển lãm thường niên về công nghiệp 4.0, ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, để nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TTg, ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận; chiến lược chuyển đổi số quốc gia và nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp phù hợp với công nghiệp 4.0.
Gần đây là Quyết định số 999-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-8-2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0”.
Điều này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để Việt Nam tận dụng có hiệu quả những cơ hội từ công nghiệp 4.0.
Ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao và số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều.
Thể hiện qua sự ra đời của hàng loạt trang web thương mại điện tử mới; các quỹ đầu tư, các tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư vào các sàn, các trang web thương mại điện tử trong nước.
Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn khi có nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, cạnh tranh với các sàn thương mại điện đã hoạt động nhiều năm.
Ông Thành đề cập đến các xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam, cùng với sự phát triển toàn diện hạ tầng viễn thông 3G, 4G, sắp tới là 5G và các thiết bị di động, và sự tăng trưởng của dịch vụ ngân hàng điện tử cùng công nghệ tài chính (fintech). Vì vậy, xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng số, nền tảng di động là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến ngày một gia tăng và giá sản phẩm là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Sự bùng nổ về internet giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, nhiều nhà cung cấp và có nhiều lựa chọn khi mua hàng, đồng thời nhiều trang thương mại điện tử mới cũng như nhiều nhà bán lẻ mới gia nhập vào thị trường thương mại điện tử.
Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại qua mạng xã hội, thúc đẩy hoạt động mua hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội đang ngày một gia tăng.
Ở góc nhìn của một nhà quản lý chuyên ngành, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), dẫn chứng số liệu doanh thu bán lẻ từ lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2018 đạt từ 8,5 đến 9 tỉ đôla Mỹ, tăng so với mức dự báo 7 tỉ đôla trước đây.
Vì thế, doanh thu bán lẻ năm 2025 dự báo có thể sẽ lên tới mức 33 tỉ đôla, đây được coi là điểm sáng trong phát triển thương mại điện tử Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, tiềm năng cho lĩnh vực này là rất lớn nhưng việc tận dụng vẫn chưa đúng mức. Ông Đặng Hoàng Hải lý giải, phần lớn doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vẫn đứng ngoài cuộc.
Theo thống kê của Bộ Công thương có tới 82% các doanh nghiệp của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc với thương mại điên tử, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên.
Điểm trung bình toàn ngành là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên là mức 0 hay chưa có sự chuẩn bị nào.
5 ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điên – khí đốt – nước và hóa chất.
Đáng lưu ý, 3 ngành chủ lực của ngành công thương là cơ khí, dệt, may và da giày là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất.
Tuy nhiên, trừ các doanh nghiệp ngành dầu khí có sự bứt phá so với các ngành khác, sự khác biệt giữa các ngành nêu trên và các ngành còn lại không lớn và cả 17 nhóm ngành ưu tiên khảo sát đều thuộc nhóm đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp
Trước thực trạng nói trên, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Fintech thuộc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media, cho hay, phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM (chiếm 70% giao dịch) và một số tỉnh năng động liền kề nên các vùng miền khác còn rất nhỏ.
Nguyên nhân do niềm tin của người tiêu dùng chưa cao, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn lớn cũng như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.
Trao đổi bên lề một sự kiện về thương mại điện tử, ông Trần Quý Hiến, FBA Freedom (hội nhóm các nhà bán hàng trên Amazon) nhận định, thực tế cho thấy có nhiều sản phẩm thương hiệu Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến thông qua thương mại điện tử, tuy nhiên doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực hơn nữa để có thể bước ra thị trường thế giới.
Đơn cử, Việt Nam có nhiều sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công, đồ da, giày dép cũng như các thương hiệu đồ gia dụng, văn phòng phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm đã cam kết với sàn và chấp nhận sự cạnh tranh trực tiếp từ những sản phẩm tương tự ngay trên một nền tảng bán hàng, ông Hiến chia sẻ.
Ông Phạm Tấn Đạt, Tổng giám đốc của Fado cho rằng, trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại.
Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý là đầu tư kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng để có thể bảo vệ người bán cũng như người mua ngay từ đầu.
Cụ thể là ghi rõ ràng các sản phẩm liên quan đến hóa đơn, hợp đồng cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm…
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro.
Theo ghi nhận từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), có một thực tế đáng buồn là người Việt mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với sản phẩm trực tuyến trong nước.
Nguyên nhân bởi các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Alibaba… có uy tín hơn các trang bán hàng trong nước.
Ngoài ra, hàng hóa của nước ngoài cũng phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, nhất là ở các thành phố lớn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng, chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu thị hiếu khách hàng, còn nhiều hạn chế trong khâu kết nối trung gian trong chuỗi cung ứng hàng hóa trực tuyến.
Thời gian tới, để thương mại điện tử phát triển thúc đẩy kinh tế số, theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công thương sẽ tập trung vào những mục tiêu chính gồm: xây dựng kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm, giải pháp; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử.
Về mặt định hướng và chính sách, ngành công thương cũng ưu tiên hàng đầu với mục tiêu đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển công nghệ; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng triển khai các công nghệ của công nghiệp 4.0 vào trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp; xây dựng mô hình chuyển đổi số, phát triển nhà máy số trong các ngành có tiềm năng.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia cũng tiếp tục tập trung thực hiện như: nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán thương mại điện tử; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến; xây dựng giải pháp đào tạo trực tuyến về thương mại điện tử; nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán…. nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà thương mại điện tử đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện song song phát triển kinh tế số.
Thương mại điển tử đóng góp cho tăng trưởng kinh tế số
Nền kinh tế Internet Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng 39% trong năm nay lên 100 tỉ đôla khi hàng triệu người trong khu vực lên mạng để mua sắm lần đầu tiên và các công ty cổ phần dịch vụ xe công nghệ đã trở nên phổ biến.
Đây là nhận định trong báo cáo thường niên do Google phối hợp với nhà đầu tư nhà nước Singapore, Temasek Holdings và chuyên gia tư vấn kinh doanh toàn cầu Bain & Company thực hiện, công bố ngày 3-10.
Báo cáo cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Internet của khu vực đến năm 2025 lên 300 tỉ đôla, so với mức 240 tỉ đôla trước đây.
Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Báo cáo cho thấy nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỉ đôla năm 2019 và bứt phá lên 43 tỉ đôla vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.
Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone), và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.