Những năm qua, thực trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng lên đã buộc nhiều địa phương ở Việt Nam phải chuyển đổi mô hình sản xuất. Tại hầu hết các tỉnh thành có biển, nghề nuôi tôm nước lợ đang tỏ ra là lựa chọn phù hợp nhất. Nhiều ý kiến cho rằng lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ…
Việc ứng dụng công nghệ không thể chậm trễ
Mấy ngày đầu tháng Tư này, các hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề – vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng đang vui trong không khí trúng mùa, trúng giá. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng lạc quan tuyên bố với báo chí: “Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2017, khả năng Sóc Trăng sẽ lại tiếp tục thành công như năm 2016, hứa hẹn đạt vụ tôm bội thu”. Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, các cuộc họp, các hội thảo về nuôi tôm nước lợ cũng liên tục được tổ chức. Theo các số liệu nghiên cứu, hiện nay thế giới thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn tôm hằng năm, gấp ba lần tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu nước ta rất phù hợp để nuôi tôm: diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000 – 1.000.000ha. Ngành tôm nước ta đã mở rộng được đầu ra khi thâm nhập được hơn 160 thị trường trên thế giới. Thủy sản có cơ hội phát triển lớn khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt là con tôm có lợi thế về thuế quan…
Trong chiến lược phát triển ngành, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra đích ngắm tới năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD, gấp ba lần hiện nay. Theo nhiều ý kiến trong ngành, mục tiêu ngành tôm đến năm 2025 như vậy đòi hỏi có sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp cùng người nuôi. Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải mạnh dạn đột phá vào khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất tốt, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị ngành tôm mà không cần tăng thêm nhiều diện tích. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc FAO và tổ chức quốc tế Eurofish đang khuyến cáo người nuôi tôm ở Việt Nam cần áp dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System – RAS). Đây là hệ thống xử lý nước cơ bản gồm lọc cơ học, xử lý sinh học, cấp khí, xả khí CO2. Ngoài ra, có thể lắp thêm các thiết bị như cấp oxy hay hệ thống diệt khuẩn bằng tia cực tím, ozone… Đối với Việt Nam, việc ứng dụng RAS không thể chậm trễ hơn.
Tại hội thảo về công nghệ nuôi trồng thủy sản tuần hoàn do Trung tâm thông tin và thống kê khoa học – công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức tuần qua, PGS-TS Phạm Ngọc Tuấn – Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng hệ thống nuôi tôm mở không còn phù hợp với ngành nuôi tôm Việt Nam do một số nhược điểm: phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu; ao có diện tích lớn nên khó kiểm soát và xử lý kịp thời trước những biến động của các thông số môi trường nước; sử dụng rất nhiều nước để thay nước cho các ao, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước và gặp nguy cơ xâm nhập mặn; không cách ly được khi có dịch bệnh xảy ra ở khu vực lân cận. Vì vậy, cần có sự thay đổi mang tính cách mạng, chuyển từ hệ thống nuôi tôm mở sang hệ thống nuôi tôm kín với chi phí thấp.
Nhiều khó khăn chưa được giải quyết tận gốc
Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phải lên tiếng trước việc nhiều chợ tôm giống tự phát đang hình thành tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau gây nguy cơ phát tán tôm giống kém chất lượng ra khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động mua bán tôm giống tại đây thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý về kiểm dịch và chất lượng. Đây chỉ là một trong nhiều rủi ro mà người nuôi tôm ở Việt Nam phải đối mặt. Lâu nay, nhiều người nuôi vẫn bị thiếu thông tin và hướng dẫn để mua được tôm giống có hợp đồng chặt chẽ, lựa chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín, tôm giống được kiểm tra chất lượng và kiểm dịch theo quy định.
Trong buổi làm việc cuối năm 2016 của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với lãnh đạo sáu tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho biết, một trong những khó khăn mà ngành tôm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gặp phải là thiếu điện. Hầu hết các hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đều phải sử dụng máy nổ để bơm nước và sục khí do thiếu đường dây trung thế từ trục chính tới vùng nuôi, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ giá điện cho nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, ông Lê Minh Chiến kiến nghị Chính phủ nên hỗ trợ mỗi tỉnh có khu sản xuất con giống để sản xuất tốt hơn. Các dịch vụ phục vụ NTTS (cơ sở sản xuất hóa chất, vi sinh…) hiện nhiều tỉnh chưa có (hoặc có nhưng nhỏ), phải nhập từ nước ngoài và các tỉnh khác nên không đảm bảo chất lượng. Các cơ sở xét nghiệm hóa chất không có nên phải gửi mẫu lên TP. Hồ Chí Minh – đây là trở ngại cần tháo gỡ. Còn theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, đến nay chưa thấy mô hình liên kết nào có hiệu quả và bền vững, sản xuất tôm vẫn manh mún, nhỏ lẻ.
Trở lại với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD, nhiều người trong ngành cho rằng tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuado… chứ không phải một mình một chợ, do đó không phải cứ làm ra được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Bằng chứng là năm 2015, khi giá tôm nguyên liệu trong nước luôn cao hơn tôm Ấn Độ 1-2 USD/kg, xuất khẩu tôm Việt Nam đã gặp khó khăn về thị trường. Vì vậy, đi cùng với việc mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ, việc thay đổi cách làm để tăng chất lượng, giảm giá thành là điều vô cùng cần kíp.