Phan Văn Xoàn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ bảo vệ Long Hải, với đôi vai rộng oai phong, giọng nói sang sảng, vầng trán mênh mông và mái tóc trắng như cước bồng bềnh, ông là sự pha trộn kỳ lạ giữa bản lĩnh táo bạo, can trường, tinh thần “hiệp sĩ đạo” với vẻ bình dị, hiền hòa, đôi chút hài hước cùng một tâm hồn nghệ sĩ. Một vị tướng từng bảo vệ Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước suốt bao năm trời, đến tuổi 70, ông lại “khởi nghiệp” với một thương hiệu hết sức mới mẻ: Bảo vệ Long Hải.
____
Là người may mắn được gần gũi với Bác Hồ suốt một thời gian dài, từ năm 1955 cho đến những ngày cuối đời của Bác, những kỷ niệm nào về Người còn lưu lại sâu đậm nhất trong ông?
Kỷ niệm về Bác thì nhiều lắm. Mỗi lời dạy của Người đều là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời làm công tác bảo vệ của tôi. Bác thường nói: “Trong mọi tình huống, không bao giờ được hoảng hốt, thiếu bình tĩnh. Việc gì mà giữ được bình tĩnh thì mới giải quyết được sáng suốt. Khi không có địch phải sẵn sàng như khi có địch, khi có địch phải bình tĩnh coi như khi không có địch”.
Điều tôi nhớ nhất chính là từng chi tiết, từng việc nhỏ trong cuộc sống, trong xử sự hàng ngày đối với mọi người của Bác. Bác có một mong ước rất giản dị là được đi chợ ngày ba mươi Tết, để biết được người dân ăn Tết có được đầy đủ không. Vậy mà nhiều lần chuẩn bị nhưng chúng tôi vẫn chưa giúp Bác đi được, vì chợ Tết bao giờ cũng rất đông, bảo vệ rất khó khăn. Buổi sáng ba mươi Tết năm 1962, Bác tự hóa trang rất khéo, đầu đội chiếc mũ cát trắng, đeo kính gọng tròn, quấn chiếc khăn quàng cổ nhiều vòng che kín bộ râu, mặc thêm chiếc áo mưa vải sờn vai… hệt như một ông lão nông thôn đi chợ.
Bác thăm từ gian hàng thịt, hỏi han kỹ càng giá cả, nơi cung cấp… Rồi Bác rẽ tới chỗ mấy ông đồ nho ngồi viết câu đối đỏ. Bác quan sát rất kỹ các đường nét chữ bay lượn dưới tay họ, mà vẻ mặt Người rất đăm chiêu. Đến hàng hoa, tôi ngạc nhiên thấy Bác sà xuống chọn hoa huệ. Sợ bị lộ, tôi trả đại giá thật rẻ rồi kéo Bác đi. Người đứng dậy nói nhỏ vào tai tôi: “Trả giá như chú thì suốt đời không mua được gì hết!”.
Bác trăn trở với đời sống người dân nhiều lắm. Tết nào Bác cũng đi thăm các gia đình còn nghèo khó. Bác dặn tôi phải tìm cho ra người dân nào nghèo nhất để bí mật tới thăm. Đêm ba mươi Tết năm ấy, chúng tôi đưa Bác đến gia đình chị Tín ở phố Hàng Chĩnh. Chồng chết, một nách nuôi bốn con thơ, thất nghiệp. Thấy Bác ngoài ngõ, chị Tín thảy đôi quang gánh, ôm Bác bật khóc như trẻ thơ.
Nhìn lên bàn thờ không có nổi một nải chuối, nhà không có một vật dụng gì, chỉ có cái chõng tre bốn đứa con ngồi chật hết… Bác ân cần hỏi chị giờ này còn quẩy gánh đi đâu, chị Tín nói: “Cháu tranh thủ gánh thêm ba gánh nước để kiếm vài hào mua bánh cho con, đâu có ngờ được Bác đến thăm”. Bác nghẹn ngào: “Giờ này không đến thăm con thì còn thăm ai?”.
Rồi Bác mang gói quà tết đặt lên bàn thờ. Khi Bác trở về, đã mười giờ khuya, Bộ Chính trị đã chờ sẵn để mừng tuổi Bác, Bác chủ động vào đề: “Bữa nay Bác đi riêng, không nhờ Thành ủy hướng dẫn. Một chuyện làm Bác rất đau lòng, chúng ta là những người cộng sản đang lãnh đạo đất nước mà còn để người dân khổ cực quá. Các chú còn quan liêu lắm, không biết những gì cụ thể thì làm sao lãnh đạo nhân dân được? Phải kiểm tra thực tế thường xuyên mới thấy được sự thật”. Sáng hôm sau, Bác đề nghị Thành ủy Hà Nội giải quyết ngay việc làm và trợ cấp khó khăn cho gia đình chị Tín…
Bác là người sinh hoạt rất điều độ, đúng giờ. Có đêm tôi ngạc nhiên thấy đã mười giờ khuya mà chiếc radio của Bác vẫn mở, sợ Bác ngủ quên, tôi len lén đến bên định tắt, chợt nghe tiếng Bác: “Đừng chú, để cho có tiếng người”. Câu nói của Bác làm tôi xúc động thật sự, bởi tôi hiểu Bác cũng là con người, Bác quá cô đơn…
____
Là một vị tướng lĩnh trong ngành Công an, lý do nào thôi thúc ông thành lập công ty tư nhân đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ?
Tôi thường được đi với Bác Hồ thăm những người lính già. Gặp ai, Bác cũng nhắc nhở: “Dù có chính sách về hưu, nhưng làm cách mạng là làm cả đời, nếu còn sức khỏe, chúng ta còn cống hiến”. Đại hội Đảng lần thứ sáu là đại hội của đổi mới tư duy, đã tạo được bước chuyển lớn trong sâu thẳm lòng tôi, để tôi tìm được lối đi tiếp tục cống hiến. Tôi đi tham quan một số nước như Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, thấy dịch vụ này rất phát triển trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, bởi trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh là tất yếu, có cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh, có những kẻ làm ăn bất chính tìm mọi cách hãm hại người khác, có những tệ nạn xã hội phát sinh…
Năm đầu tiên nghỉ hưu, tôi tình nguyện đi chợ giúp vợ để bù đắp bao nhiêu năm đằng đẵng bận rộn vì công việc. Tôi bắt đầu để ý, quan sát người bán kẻ mua, tìm ra sự lo lắng của người làm kinh tế, và quyết tâm thành lập công ty với ba mục đích: Thứ nhất đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội, thứ hai xây dựng một lực lượng trẻ trở thành lực lượng đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và người dân. Cuối cùng là đảm bảo công ăn việc làm và đời sống cho một số lao động nhất định. Khởi nghiệp năm 70 tuổi, với vốn pháp định có 100 triệu đồng, tôi phải thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng mới đủ 200 triệu đồng để hoạt động, tuyển dụng được 44 vệ sĩ.
Đến nay, chúng tôi đã có 1.600 vệ sĩ chuyên nghiệp, cùng tên tuổi của thương hiệu Long Hải không chỉ ở trong nước, mà đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam. Mỗi năm Long Hải nộp thuế cho Nhà nước từ sáu đến bảy tỉ đồng. Hiện Long Hải có hơn 200 khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài, có cả các tỉ phú, triệu phú các nước mỗi lần đến Việt Nam. Chính Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến sang thăm Việt Nam cũng nhờ đến Công ty Long Hải cùng một vài nơi cần thiết, tuy rằng vẫn có Công an bảo vệ.
Xây dựng con người vệ sĩ Long Hải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, ý chí kiên cường theo gương sống của Bác Hồ là mục đích quan trọng của công ty chúng tôi.
____
Bảo vệ là một nghề hết sức mới mẻ với các đơn vị tư nhân, ban đầu ông có gặp khó khăn nhiều không, cả về đội ngũ và quan hệ khách hàng?
Trong nghề này, việc đào tạo, huấn luyện cũng nghiêm ngặt như kỷ luật quân đội, nhưng việc tiếp thị quảng cáo thì không khác gì một đơn vị kinh doanh. Long Hải có đồng phục riêng, có phù hiệu riêng, có 8 điều lệnh và đặc biệt là 5 lời thề danh dự: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với công ty; Dù bất cứ gian nan khổ cực nào cũng phải bảo vệ khách hàng; Chấp hành đạo đức kỷ luật Nhà nước và công ty; Không làm điều gì trái với đạo lý; Mỗi nhân viên là một vệ sĩ nhân đạo.
Chúng tôi đã đi thăm một công ty dịch vụ bảo vệ Hồng Kông để nghiên cứu kinh nghiệm về đào tạo vệ sĩ. Công ty Long Hải hiện có hai người nước ngoài làm việc về tư vấn, marketing và soạn giáo trình chuyên nghiệp… Những ngày đầu cũng khó khăn lắm, suốt sáu tháng trời không có lấy một khách hàng. Khách hàng đầu tiên của tôi là Trung tâm Triển lãm Hoàng Văn Thụ. Ngày ra quân đầu tiên ấn tượng lắm, 44 vệ sĩ trang phục oai phong, đội bêrê, logo rồng xanh, từ ba chiếc xe tải tràn xuống đứng nghiêm chào khách hàng.
Lần ấy chúng tôi bảo vệ suốt 12 ngày đêm không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Chín năm nay, tất cả các dịch vụ của chúng tôi thực hiện đều an toàn, khách hàng đều rất hài lòng. Khi xảy ra vụ cháy tòa nhà ITC, hai bảo vệ của Long Hải đã dũng cảm quên mình cứu được hơn sáu mươi người. Anh em còn bắt mấy chục vụ cướp trên đường thi hành nhiệm vụ. Xây dựng con người vệ sĩ Long Hải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, ý chí kiên cường theo gương sống của Bác Hồ là mục đích quan trọng của công ty chúng tôi. Sắp tới tôi dự định khởi công một trường đào tạo hiện đại, chuyên nghiệp tại Củ Chi.
____
Làm thế nào để cạnh tranh với gần 40 công ty khác cùng nghề này đã liên tiếp ra đời sau Long Hải, thưa ông?
Chỉ có một con đường: chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng. Tính đến nay, giá dịch vụ của Long Hải đang cao nhất, nhưng khách hàng vẫn tìm đến ký hợp đồng. Lương nhân viên Long Hải cũng thuộc diện cao nhất so với các công ty cùng dịch vụ. Con trai và con gái tôi hiện cũng theo nghiệp cha, đang đảm nhận những chức vụ quan trọng của công ty. Nếu tôi là người tạo lập được nền tảng đạo đức, phẩm chất chính trị cho các vệ sĩ, thì con trai tôi là Phan Tô Hồng Nam lại rất am hiểu các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Cháu rất đam mê nghề nghiệp, tiếng Anh cũng khá, đầu óc kinh tế giỏi, nên tôi hy vọng con trai tôi sẽ đảm đương mọi việc thay tôi khi tôi không còn sức khỏe. Tôi mong Long Hải sẽ phát triển mạnh hơn, sâu hơn, tiến tới thực hiện dịch vụ thám tử tư vì đó là nhu cầu bức thiết của mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại mà ngành Công an chưa có điều kiện đảm đương hết được.
Tôi không chỉ dạy các em võ nghệ, mà quan trọng hơn là dạy lòng tự trọng, cách xử lý trong những tình huống gay cấn nhất, hạn chế tối đa sự xô xát, đổ máu.
____
Có lần nào anh em vệ sĩ của Long Hải gặp nguy hiểm đến mức chính ông phải bước vào “tham chiến”?
Tôi đã đích thân phải “xuất tướng” hai lần với bọn xã hội đen. Ví dụ có lần chúng tôi khui ra vụ mất mát triền miên ở Nhà máy Bảo Quyên. Những phần tử xấu đã cấu kết với bọn xã hội đen tập hợp 60 tên trang bị giáo mác để chờ đến 10 giờ đêm sẽ tấn công anh em bảo vệ Long Hải. Được mật báo, ngay chiều hôm đó, tôi nhờ Công an Bình Chánh dẫn đến gặp những tên cầm đầu, thuyết phục, cảm hóa, thậm chí còn sẵn sàng giúp đỡ những em bị khó khăn.
Sau cuộc trò chuyện này, các em đều nhận làm đệ tử của tôi, và trở thành những người làm ăn lương thiện vì sự an toàn của xã hội. Là một người hoạt động nhiều năm trong nghề tình báo, cảnh vệ, nhưng chưa bao giờ tôi cầm súng bắn ai, mà chỉ dùng biện pháp thuyết phục, nghiêm khắc. Tôi không chỉ dạy các em võ nghệ, mà quan trọng hơn là dạy lòng tự trọng, cách xử lý trong những tình huống gay cấn nhất, hạn chế tối đa sự xô xát, đổ máu.
Hiện tại có quy định là ngành bảo vệ không được mua sắm và sử dụng công cụ hỗ trợ, nhưng quy định này không được áp dụng đồng bộ, công bằng, gây khó khăn cho những công ty làm ăn chân chính. Tôi đã kiến nghị nhiều lần với cơ quan thẩm quyền về vấn đề này để giúp anh em tự bảo vệ mình và bảo vệ xã hội tốt hơn.
____
Làm thế nào ông chịu đựng được áp lực của một nghề kinh doanh đầy nguy hiểm? Có bao giờ ông cảm thấy sợ hãi, không thể vượt qua?
Đơn giản là phải chấp nhận nó, quen với nó. Tôi chỉ lo lắng với công việc thôi, chứ chưa bao giờ sợ hãi. Công việc đã cho tôi một bản lĩnh tự tin, bình tĩnh. Động lực lớn nhất luôn thôi thúc tôi là đất nước đang đi lên, những kẻ thù mới càng ngày càng tinh vi, hiện đại, vì vậy phải đào tạo cho được một thế hệ trẻ mang tinh thần hiệp sĩ, trọng danh dự, trọng nhân nghĩa, dám xả thân bảo vệ lẽ phải.
Phương châm sống của tôi là: danh dự, sự can đảm, chân thành, tinh thần trách nhiệm, lòng tin, yêu thương mọi người, trung thực, dũng cảm với chính mình, với khách hàng, với xã hội. Khó khăn nhất với tôi không phải là đối phó với hiểm nguy, mà chính là việc đào tạo con người. Làm thế nào để lấy cái tâm, cái đức chiến thắng được cám dỗ của tiền bạc và những dục vọng thấp hèn, vượt qua được mọi sự kích động? Đó chính là điều tôi đã phải suy nghĩ hoài. Cái nghề này nó vậy, chẳng bao giờ thuận lợi, êm xuôi, không gặp sự cố này thì cũng tai nạn khác. Nhưng có thế người đời mới cần đến mình chứ!
____
Trong phòng làm việc của ông có rất nhiều băng đĩa nhạc tiền chiến, ca nhạc có giúp ông giải tỏa được mọi căng thẳng?
Tuy già rồi nhưng tôi còn hát Con thuyền không bến ngọt lắm đó nghen (cười vang). Mỗi lần đi dự đám cưới, đám trẻ khích lệ vài câu là ông già này lên hát liền. Tôi không bao giờ căng thẳng với anh em, mà luôn tạo cảm giác gần gũi, đôi chút hài hước nữa là đằng khác. Năm ngoái, tôi còn chơi tennis rất cừ, chỉ mới nghỉ vì cái chân bị đau. Tôi là một người sống trẻ, sống vui, sống thanh thản. Tim tôi hoạt động rất tốt, huyết áp bình thường như thanh niên vậy. Cách giải tỏa stress hàng ngày của tôi là viết. Tôi giữ thói quen ghi lại tất cả những kỷ niệm hàng ngày về Bác Hồ từ thời trai trẻ, và đang viết hồi ký đời mình. Tôi còn viết riêng một hồi ký tặng cho linh hồn mẹ.
Làm thế nào để lấy cái tâm, cái đức chiến thắng được cám dỗ của tiền bạc và những dục vọng thấp hèn, vượt qua được mọi sự kích động?
____
Vậy gia tài lớn nhất của ông là gì?
Là gia đình, là những lời mẹ dặn, là sức khỏe. Tôi may mắn có được một gia đình “trong ấm ngoài êm”, con chung con riêng thương nhau như ruột thịt, đứa nào cũng tạo lập được sự nghiệp, dù chưa phải cao siêu gì, nhưng tự bàn tay làm ra, không bao giờ có của hồi môn. Mẹ tôi luôn dạy tôi: “Dù gia đình mình nghèo nhất xứ, thà cạp đất mà ăn chứ đừng làm gì cho người ta khi dễ”. Tới giờ, suy xét lại, tôi tự thấy mình đã làm đúng lời mẹ dặn. Quê tôi tận Cà Mau, một huyện nghèo nhất, xa nhất.
Cha tôi mất từ năm tôi mới sáu tuổi. Trước khi mất, cha dặn mẹ: “Có một thằng con trai thì ráng đừng để nó phải đi ở đợ như ba đứa chị”. Tôi lớn lên bằng miếng cơm mẹ chắt chiu từ những buổi cấy thuê đến còng lưng. Mẹ đã trải qua bao sương gió, gian khổ để nuôi tôi ăn học nên người. Ngày đi thi tôi không có nổi một bộ đồ, phải nhờ chị mượn bên nhà người bạn. Tôi thấy mẹ đêm nào cũng thắp hương lầm rầm khấn vái, mặt buồn rười rượi, rồi lén khóc thầm. Mãi khi lớn lên, tôi mới biết mẹ khóc vì cái nghèo.
Điều đó ám ảnh tôi suốt bao năm tháng. Làm sao cho đời mẹ, đời chị, đời vợ con mình bớt nghèo, bớt khổ? Ngày giải phóng trở về quê, tôi đã tìm bằng được người bạn đã cho mượn bộ đồ, bà lão đã cho tôi một cắc bạc ngày tôi bị giam cầm và tìm người thầy cho tôi cái chữ… để tạ ơn. Tóc ai cũng đã hoa râm. Chính mẹ, thầy, bè bạn và quê hương đã dạy tôi đạo lý làm người, đó là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đất nước mình đang yên bình đây, nhưng không bao giờ không có kẻ thù phá rối. Tôi đã sống trọn đời với nghề và tâm nguyện rằng sẽ làm việc cho tới hơi thở cuối cùng…
Sự thành công và hạnh phúc của cuộc đời tôi tất nhiên có nhiều yếu tố, nhưng một yếu tố quan trọng nhất là người vợ yêu thương của tôi. Cô Tô Hồng Thu đã chịu đựng biết bao gian khổ khi tôi còn đang làm việc cho Nhà nước, đến nay được về hưu rồi, tưởng đâu được nghỉ nhưng lại tiếp tục làm việc cho xã hội nhiều hơn. Tuy vậy, vợ tôi vẫn vui và ủng hộ, tạo cho tôi làm việc để đóng góp phần nhỏ bé của mình cho đất nước và nhân dân. Tóm lại, sự thành công của tôi có sự đóng góp to lớn của vợ tôi, gọi là hậu phương lớn vững chắc cho tôi làm việc và hoàn thành nhiệm vụ.