Dường như chẳng có gì liên quan giữa người đàn ông cởi áo vét, cà vạt, hăm hở bước lên sân khấu với chiếc micro, quay về phía những nhạc công ra hiệu tấu lên giai điệu bài hát nổi tiếng của thời kháng chiến chống Mỹ “Nổi lửa lên em” và người đứng đầu ngân hàng phải hàng ngày quyết định những hợp đồng cho vay, kinh doanh tiền tệ.
Vậy mà hai hình ảnh tưởng như trái ngược ấy được nối với nhau bằng sự năng động, đầy nhiệt huyết, chơi ra chơi làm ra làm đó hội tụ trong một con người, một doanh nhân, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vốn hơn 700 tỉ đồng.
____
Sao lần nào khai trương các chi nhánh, lễ hội, tụ họp nhân viên, ông cũng hát mỗi bài “Nổi lửa lên em”? Ông chỉ thuộc một bài đó thôi sao?
Ồ không, tôi biết nhiều bài hát lắm. Mà giọng tôi cũng không đến nỗi tệ phải không? Đó là một bài hát tuyệt vời, hừng hực khí thế. Thời kháng chiến chống Mỹ, tinh thần của chúng ta mạnh mẽ như vậy, thời nay làm ăn cũng phải thế. Tôi muốn thông qua bài hát truyền lửa kinh doanh, niềm say mê và lòng nhiệt tình cho nhân viên, anh em lãnh đạo. Họ là linh hồn của ngân hàng.
____
Nghe anh em kể ông hát bài ấy lâu rồi, nhưng ông như “ghiền” nó từ ngày đảm đương chức Chủ tịch Hội đồng quản trị?
Có lẽ thế. Tôi được anh em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị lần đầu tiên năm 1995, đến nay là gần 10 năm, qua hai nhiệm kỳ. Khi đó tôi mới 35 tuổi, đứng đầu một ngân hàng cũng lo, nhưng thời gian 15 năm trải nghiệm trên thương trường trước đó đã giúp tôi nhiều.
____
Như vậy là ông đi vào chốn thương trường quá sớm phải không? Ông có nghĩ rằng kinh doanh cũng là lăn lộn với đời?
Có thể nói không quá rằng đối với tôi “máu” kinh doanh chảy cuồn cuộn trong huyết quản từ tuổi thanh niên. Sau khi rời ghế nhà trường, hai mươi tuổi, tôi bắt đầu làm mật rỉ và sản xuất cồn. Bây giờ sau 25 năm, Công ty Thành Công chuyên sản xuất mật, đường, cồn của gia đình tôi vẫn phát triển, mở rộng quy mô lên 400 công nhân. Mấy năm trước, tôi giao lại công ty cho bà xã để có thời gian chuyên tâm cho ngân hàng.
____
Ông không phải dân gốc ngân hàng, mà dám nhảy vô kinh doanh tiền tệ, có ai cho rằng như vậy là ông quá liều lĩnh không?
Lúc ấy bao cấp, thấy gì liên quan đến thương mại là tôi ham. Năm 1990, tôi thành lập hợp tác xã tín dụng Thành Công. Tôi nghĩ mình không được học hành về ngân hàng, nhưng quan trọng là kết hợp “máu” kinh doanh của mình và tập hợp chuyên môn của nhân viên. Khi đó cơ chế thị trường mới nhen nhúm, người ta cần vốn làm ăn. Thị trường tín dụng mênh mông, khách hàng chờ mình, đầu vô khó nhưng đầu ra dễ.
____
Chính lúc cơ chế trên đà chuyển đổi ấy hàng loạt hợp tác xã tín dụng đổ bể. Vụ nước hoa Thanh Hương lan ra, ông không bị “dính” sao?
Ngày đầu tiên nhận tiền gửi và cho vay, tôi ý thức ngay chuyện thế chấp. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Tôi bỏ tiền cho anh vay, anh phải có gì đảm bảo đưa lại cho tôi chứ! Khi vụ nước hoa Thanh Hương nổ ra, tôi không lo mất tiền, mà chỉ lo tiền cho vay rồi, không quay về kịp. Khách hàng tới ngân hàng thời điểm đó 80% là để rút tiền.
Người đang vay thì lo trả xong, không vay lại được nữa, cụt vốn làm ăn. Đầu ra đầu vào của quỹ thế là mất cân đối. Tôi không sợ, nhưng quả thật có e ngại. Tôi quyết định mời tất cả khách hàng gửi tiền tới, tiền gửi chưa đáo hạn cũng mời. Tất cả khoảng 200 người, quy mô quỹ tín dụng nhỏ, vốn huy động chừng 5 tỉ đồng. Tôi giải thích cho họ, cam kết trả tiền đúng hạn. Họ yên tâm ra về.
Đấy là kinh nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực ngân hàng của tôi. Sau đó cơn bão tín dụng lặng dần, Sacombank ra đời từ bốn hợp tác xã tín dụng là Thành Công, Lữ Gia, Tân Bình, Gò Vấp. Tôi giữ một chân ủy viên Hội đồng quản trị.
Ngày Sacombank ra đời, ông Thành 31 tuổi. Ông nhớ lại: “Khi các quỹ tín dụng thay nhau phá sản, có lúc tôi cũng nản, nghĩ ngợi nhiều, muốn dẹp quách hợp tác xã Thành Công, làm việc khác khỏe hơn. Các quỹ trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp bấy giờ được ngân hàng mẹ cứu, còn chúng tôi mặc sức bươn chải, mặc sức chống chọi”…
Tôi nghĩ, đã là con người, ai cũng cần tiền, nhưng cần, ham mà đặt thành động cơ thì rất nguy hiểm.
____
Ông có tin rằng ông chọn nghề ngân hàng là đúng, là hợp với mình?
Tôi nghĩ mình chọn ngân hàng không sai mặc dù gắn bó lâu dài với nó một phần là do hoàn cảnh đưa đẩy. Bây giờ nhìn lại, tôi rất thú vị, yêu nghề này. Trước kia tôi dành 50% thời gian cho ngân hàng, 50% thời gian cho công ty ở nhà, nhưng nay thời gian làm việc của tôi chủ yếu cho ngân hàng. Càng đi theo ngân hàng, càng thấy sức hút của nó.
____
Bao nhiêu năm tiếp xúc với tiền, chắc hẳn ông cũng đã nhiều lần trăn trở với nó?
Hai năm trở lại đây, tôi bỗng phát hiện ra mình chỉ biết làm việc, không nghĩ đến tiền nữa. Tiền không còn là động lực để làm việc. Tôi nói vậy, có thể nhiều người sẽ bảo không ham tiền thì làm sao kinh doanh. Song thực chất tôi không còn cảm hứng làm việc vì tiền. Còn tất nhiên đam mê công việc, kinh doanh đúng hướng, tiền sẽ đẻ ra tiền. Tôi nghĩ, đã là con người, ai cũng cần tiền, nhưng cần, ham mà đặt thành động cơ thì rất nguy hiểm. Chính vì thế tôi tập cho con cái kinh doanh từ sớm, làm quen với tiền thì nhưng không bao giờ lấy tiền làm đích của cuộc đời.
Ông Thành lập gia đình sớm. Vợ ông sinh con năm một và ở nhà nuôi con. Lấy vợ khi còn nghèo, nhưng ông Thành cũng ráng kiếm được cho bà quà tặng là hạt xoàn 3,6 ly, chín nút. Khi hai đứa con đầu đến tuổi đi học, ông đưa chúng vô trường Dòng ở quận 5. “Sinh hoạt, kỷ luật của trường dòng rất nghiêm ngặt, trẻ con vô đó giống như người lớn vô quân đội. Tôi muốn rèn cho con mình tính kỷ cương, tự lập, suy nghĩ độc lập. Đó là những đức tính cần phải có của người làm ăn chân chính ” – ông hồi tưởng.
____
Ông nói tập cho con cái kinh doanh sớm. Sớm là bao giờ?
Khi con đầu lòng của tôi đang là sinh viên năm thứ hai, tôi mở cho nó quán bánh canh cá và giao cho nó quản lý từ A đến Z. Tập kinh doanh làm dâu trăm họ, thì bán bánh canh cá là hợp nhất. Năm thứ ba, tôi hướng cho con sang kinh doanh cây cảnh, một nghề hoàn toàn khác để nó cảm nhận những môi trường làm ăn khác nhau. Đến năm học cuối, nó cùng với bốn người bạn kinh doanh sắt thép. Khi con kinh doanh, tôi cho nó quyền chủ động hết.
Trong những buổi khai trương, tổng kết hoạt động ngân hàng, thường thấy một chàng trai cao lớn đi sau ông Thành. Cậu ngoan ngoãn khoanh tay chào mọi người khách. Ít ai nghĩ cậu đã từng múc bán từng tô bánh canh, cân từng cân sắt vụn. Mấy năm trước cậu đã từng vô địch Việt Nam về quần vợt dành cho lứa tuổi 18. Dù yêu thể thao, cậu có vẻ ham mê kinh doanh không kém gì cha. Ông Thành rất thích trẻ con, và với ông giữ gìn hạnh phúc gia đình là một trong những ưu tiên hàng đầu. “Không giữ được hạnh phúc gia đình là vi phạm luật” – ông giãi bày.
Trong kinh doanh, quan trọng nhất là chữ tín. Còn trong gia đình, bố mẹ phải làm sao trở thành tấm gương cho con. Bố mẹ làm gì sai trái, kể cả trong làm ăn, gây nên dư luận xã hội không tốt, làm sao con cái chịu đựng nổi? Trên thương trường, tránh sao khỏi những lúc đấu đá, tranh giành quyền lực, cạnh tranh. Gia đình là nơi chia sớt, san sẻ ưu tư, trả lại cho mình niềm hạnh phúc đời thường.
Bố mẹ làm gì sai trái, kể cả trong làm ăn, gây nên dư luận xã hội không tốt, làm sao con cái chịu đựng nổi?
____
Những khi thất bại trong kinh doanh, ông có thất vọng không? Ông lấy lại hy vọng bằng cách gì?
Tôi nghĩ người trưởng thành thường được tôi luyện qua thất bại. Thất bại, tất nhiên thất vọng, nhưng tôi luôn tự nhủ phải biết kiềm chế. Ở nhà tôi nuôi thú, chim chóc và cá cảnh. Hy vọng trở lại là sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhưng trong đó có cả sự bắt nguồn từ những giây phút bình tâm từ chim chóc, thiên nhiên.
____
Nhiều doanh nhân vẫn thường đi du lịch để tìm lại sự quân bình về mặt tinh thần mỗi khi làm việc quá tải. Ông có hay đi nước ngoài? Nghe nói ông mới trở về từ Trung Quốc?
Tôi đi Trung Quốc vì những mối quan hệ đồng hương. Bố tôi người Trung Quốc, qua Hồng Kông, sau đến Việt Nam làm ăn. Ông bắt đầu từ công việc của một người lao động. Đối với tôi, đi du lịch một tuần ở đâu đó là điều tôi chưa nghĩ tới vì quỹ thời gian hạn chế.
Đôi khi làm việc 12 giờ/ngày tôi vẫn thấy chưa đủ. Tuy nhiên, tôi hiểu rất rõ những ngày nghỉ cuối tuần cần thiết cho những người kinh doanh. Một tuần làm việc hiệu quả, có năng suất của doanh nhân phụ thuộc nhiều vào những ngày nghỉ cuối tuần. Kinh doanh nhiều khi thiệt thòi. Công việc đòi hỏi mình phải hy sinh vì nó. Có những thứ mình yêu thích mà không “moi” đâu ra thời gian cho nó.
____
Thứ gì vậy, thưa ông?
Tôi rất mê quần vợt nhưng không thể chơi vì không sắp xếp giờ giấc được. Thay vào đó tôi chạy bộ. Buổi sáng, tôi dậy từ 5 giờ 45 và chạy bộ năm cây số, tập tạ 30 phút. Nhiều khi những lời giải cho công việc kinh doanh đã nảy sinh trong những buổi tập chạy như thế.
____
Ý ông nói là ý tưởng làm ăn ư?
Doanh nhân trong chừng mực nào đó giống như nhà thơ và khi ý tưởng làm ăn nảy sinh phải chộp ngay lấy nó. Với tôi, ý tưởng kinh doanh ít khi xuất hiện trong phòng làm việc. Nó bất chợt hiện ra có khi trong buổi sáng chạy bộ, khi đi họp nghe ý kiến người khác, khi đi với một đoàn nào đó, khi nghe ý kiến một cá nhân… mà cũng có khi đang đọc sách. Tôi thường xuyên đọc sách trên xe, sách ngân hàng và quản trị nhân sự.
____
Nhân chuyện nhân sự, đã bao giờ ông nặng lời với nhân viên chưa?
Từ lúc ký hợp đồng tuyển dụng nhân công, tôi chưa bao giờ quát nạt nhân viên. Nguyên tắc sử dụng nhân viên của tôi là động viên và xử lý sai phạm kịp thời. Người ngoài thường nhận xét tôi dễ dãi, nhưng anh em nhân viên ngân hàng thì rất biết tính tôi. Những nhân viên có sai sót, tôi gọi họ đến trao đổi, góp ý thẳng thắn. Nếu họ không chuyển biến, tôi đưa quy chế ra. Còn khi họ cố tình không sửa, nghĩa là họ không hợp ý trong công việc với mình, thì đành chia tay…
Doanh nhân trong chừng mực nào đó giống như nhà thơ và khi ý tưởng làm ăn nảy sinh phải chộp ngay lấy nó.
____
Sau từng ấy năm kinh doanh, đã có giây phút nào ông chợt nghĩ đến chuyện “nghỉ hưu”?
Nói một cách hình tượng thì khi nào trái tim ngừng đập tôi mới hết kinh doanh (cười). Trên thực tế, “nghỉ hưu” hay không còn phụ thuộc vào sự tín nhiệm của khách hàng, của đồng nghiệp, nhân viên. Trong kinh doanh rất nhiều lúc người ta không nghĩ đến mình. Tôi làm việc, tôi cần công việc. Nếu nói trách nhiệm đối với xã hội thì lớn lao quá, nhưng thật sự tôi thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp với xã hội bởi chính xã hội tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho mình.
Chẳng hạn việc liên doanh với Dragon Capital (Anh) thành lập Quỹ Đầu tư Vietfund đầu tiên của Việt Nam, tôi và lãnh đạo Sacombank sớm ý thức cơ hội tham gia của ngân hàng vào thị trường chứng khoán. Năm ngoái, chúng tôi thành lập phòng Đầu tư để chuyên lo việc mua bán chứng khoán. Vừa rồi, Quỹ Vietfund cũng chỉ cần một tuần để huy động đủ 300 tỉ đồng. Sắp tới chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên sàn. Vậy là chúng tôi đã góp phần tăng thêm 300 tỉ đồng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Sacombank đang trong thời kỳ thịnh – đó là nhận xét của giới kinh doanh ngân hàng. Trong thành phần cổ đông của Sacombank có cả những định chế lớn như Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital. Còn ông Thành thì nói rằng xét về quy mô vốn, đúng là Sacombank có vốn lớn nhất trong số các ngân hàng cổ phần, nhưng để hội nhập và cạnh tranh được trong những năm tới, Sacombank còn phải nỗ lực rất nhiều. Ba tháng đầu năm nay, ngân hàng này lãi trước thuế 56,2 tỉ đồng. Khả năng nâng lợi nhuận trước thuế cả năm vượt qua con số 200 tỉ đồng của Sacombank đầy triển vọng. Và trước mỗi một tin vui như thế, nhân viên và đồng nghiệp ở Sacombank lại nghe thấy giọng nam cao của ông Thành “Nổi lửa lên em”!